Thứ sáu, 29/03/2024, 22:46 [GMT+7]

Việt Nam với gánh nặng kép về dinh dưỡng: Do chưa biết ăn uống hợp lý, đúng cách

Thứ hai, 08/12/2014 - 07:58'
Tại hội nghị Khoa học lần thứ 7 "Gánh nặng kép về suy dinh dưỡng ở Việt Nam" diễn ra tuần qua, các kết quả nghiên cứu cho thấy, nước ta đang đương đầu với gánh nặng kép của tình trạng dinh dưỡng. Tỷ lệ còi cọc của trẻ dưới 5 tuổi vẫn ở mức cao, trong khi tình trạng béo phì và các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng lại gia tăng. Đây là điều đáng báo động bởi thể lực của trẻ hôm nay quyết định đến giống nòi sau này.

Bữa ăn hợp lý, bảo đảm đủ chất giúp trẻ phát triển toàn diện, không suy dinh dưỡng cũng như mắc bệnh béo phì. Ảnh: Phương Thảo

Bữa ăn hợp lý, bảo đảm đủ chất giúp trẻ phát triển toàn diện, không suy dinh dưỡng cũng như mắc bệnh béo phì. Ảnh: Phương Thảo

Thừa cân, thiếu cân đều đáng ngại

Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) thể thấp còi nước ta vẫn chiếm 26% ở trẻ dưới 5 tuổi. Bên cạnh đó, tỷ lệ thừa cân béo phì chiếm trên 6% và đang có xu hướng tăng lên nhanh chóng. Trước thực tế trên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia Lê Danh Tuyên cho biết, theo kết quả nghiên cứu sau hơn 10 năm, lượng thịt cá tiêu thụ trong bữa ăn của người Việt đã tăng gấp rưỡi nhưng rau xanh lại giảm. Khẩu phần ăn hằng ngày đơn điệu, trước đây chủ yếu là cơm và rau, hiện chỉ còn thấy ở một số vùng nông thôn nghèo, vùng khó khăn hay xảy ra thiên tai. Còn phần lớn người dân các vùng thành phố, vùng nông thôn khá giả và ở nhiều tầng lớp có thu nhập khá thì cơ cấu các chất sinh năng lượng trong khẩu phần đang có thay đổi rất lớn. Thịt cá tăng khiến tỷ lệ tử vong do các bệnh mãn tính không lây (béo phì, tiểu đường, tim mạch, huyết áp, ung thư...) có xu hướng tăng lên. Cũng theo một nghiên cứu của Nhật Bản, nguyên nhân người Việt Nam nói riêng và người Châu Á nói chung tiêu thụ lượng đường lớn do khẩu phần ăn chủ yếu là lúa gạo.

Đề cập đến gánh nặng kép về vấn đề dinh dưỡng ở nước ta, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, tình trạng thiếu cân hay thừa cân đều rất đáng lo ngại. Dẫn chứng là SDD thể thấp còi hay béo phì, thiếu dinh dưỡng và thường xuyên mắc bệnh nhiễm khuẩn không chỉ ảnh hưởng đến phát triển chiều cao mà còn gây tổn thương đến chức năng và cấu trúc của não bộ, do đó làm chậm quá trình phát triển nhận thức và trí tuệ của trẻ. Hậu quả của SDD gây ra các tác động tiêu cực, lâu dài đến sức khỏe không chỉ ở hiện tại mà còn tác động đến cả thế hệ sau. Hơn một phần ba trẻ em dưới 5 tuổi tử vong đều trong tình trạng SDD nặng. 

Chiến lược dinh dưỡng riêng cho mỗi vùng, miền 

Những thách thức trong bối cảnh mới đòi hỏi những nỗ lực cao hơn cho các hành động hướng tới dinh dưỡng hợp lý và sức khỏe cho toàn dân, góp phần cải thiện tầm vóc con người, nâng cao thể chất và trí tuệ của người Việt Nam. Vì vậy, việc xây dựng chương trình can thiệp dinh dưỡng cũng như hoạch định các chính sách dinh dưỡng một cách hiệu quả là vấn đề cấp bách hiện nay.

Phân tích của GS.TS Lê Thị Hợp, Nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy, do nguồn lực hạn chế, các chương trình can thiệp sức khỏe và dinh dưỡng quốc gia chỉ mới tập trung vào nhóm trẻ dưới 5 tuổi. Trong khi đó những rối loạn về dinh dưỡng và sức khỏe của lứa tuổi học đường đã được xác định, bao gồm SDD, thiếu vi chất dinh dưỡng, thừa cân, béo phì, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, nhiễm giun… đang góp phần không nhỏ gây suy giảm khả năng nhận thức, năng lực và thành tích học tập. 

Để nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của dinh dưỡng, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, ngay chiến dịch truyền thông về vấn đề dinh dưỡng cũng cần phải có sự thay đổi. Chẳng hạn, các chuyên gia dinh dưỡng đã biên soạn nhiều sách dinh dưỡng nhưng mang tính hàn lâm. Rất nhiều con số thống kê về lượng calo bảo đảm chất dinh dưỡng trong ngày cho mỗi độ tuổi được đưa ra nhưng người dân biết cụ thể, để đạt được lượng calo này thì phải ăn những loại thực phẩm nào, số lượng bao nhiêu? Mặt khác, ở thành thị, nơi mà tỷ lệ thừa cân, béo phì đang có xu hướng tăng nhanh thì phải có chiến lược dinh dưỡng khác so với vùng núi, trung du khi mà tỷ lệ SDD thấp còi, nhẹ cân là phổ biến. Đơn cử như ở thành thị, việc truyền thông về dinh dưỡng lúc này cần tập trung chỉ ra cho người dân biết những loại thức ăn nào có nguy cơ gây béo phì, rối loạn chuyển hóa phải hạn chế ăn. Còn với trẻ thấp còi, SDD, điều quan trọng nhất là giúp người dân biết thế nào là một bữa ăn hợp lý, gồm bao nhiêu gạo, từng nào rau xanh, mấy gram cua đồng…

 

Theo Thu Trang/HNM

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...