Thứ năm, 25/04/2024, 23:43 [GMT+7]

Chuyện về sáng chế đo "nhịp đập thời gian"

Thứ tư, 19/01/2022 - 11:21'
Ngày 1/10/2021, hồ sơ đăng ký bảo hộ quốc tế sáng chế "Đồng hồ kích thước lớn, tiêu thụ năng lượng nhỏ", tên đăng ký quốc tế là "A LARGE SIZE CLOCK CONSUMING LOW ENERGY", đã được nộp đến văn phòng quốc tế của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tại Geneva (Thụy Sĩ). Chủ nhân của sáng chế trên đã ở độ tuổi U80 và tên tuổi ông gắn với nhiều sản phẩm đồng hồ công cộng khá đặc biệt.

Tháp đồng hồ tại TP Phú Quốc (Kiên Giang).

Ông Đặng Đan Đỉnh

Từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, ông Đặng Đan Đỉnh (ảnh nhỏ), chủ một công ty chuyên chế tạo và lắp đặt đồng hồ công cộng đã cho ra đời những chiếc đồng hồ có kích thước đường kính lớn, mang nhãn hiện SEN. Sản phẩm đồng hồ cơ điện tử cỡ lớn đầu tay của ông có kích thước đường kính hai mét, được lắp ở mặt trước Ga Hà Nội. Đã 40 năm trôi qua, đến nay đồng hồ vẫn chạy bền bỉ, chính xác. Sau thành công này, đồng hồ mang thương hiệu SEN đã hiện diện ở nhiều không gian cộng đồng tại Hà Nội, Hải Phòng và nhiều tỉnh, thành phố trong
cả nước.

Năm 2020, giữa những ngày cả nước chống chọi với đại dịch Covid-19, người kỹ sư có thâm niên sâu trong nghề điện tử và cơ khí, đã tự nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thành công chiếc đồng hồ lớn bốn mặt, đường kính lên tới năm mét, được đặt tên là SEN20. Ít ai có thể ngờ, tuy bộ máy đồng hồ lớn và bốn bộ kim nặng hàng chục cân, nhưng mức tiêu thụ điện năng lại rất nhỏ. Thực tế kiểm nghiệm cho thấy, chỉ cần một bộ nguồn pin sạc 24 volt, dung lượng 2.200 mAh (ngang với dung lượng của một chiếc điện thoại iPhone), đồng hồ chạy ổn định và chính xác trong thời gian 14 ngày, khi đã cắt điện lưới.

Đồng hồ SEN20 có nguyên lý hoạt động hoàn toàn mới với những đặc điểm kỹ thuật khác biệt so các loại đồng hồ cổ điển, thường gọi là đồng hồ tháp. Đồng hồ tháp kiểu này xuất hiện rất sớm ở nhiều nước Âu-Mỹ như đồng hồ Zytglogge (Bern, Thụy Sĩ), Big Ben (Anh), Philadelphia (Mỹ), Điện Kremlin (Moscow, Nga), Rathaus-Glockenspiel (Munich, Đức), Peace Tower (Ottawa, Canada),... Tuy nhiên, các đồng hồ này có bộ máy cơ khí đồ sộ, dùng quả kim loại nặng khoảng vài trăm cân, hoặc hàng tấn, đưa lên cao, để khi rơi xuống từ từ sinh ra năng lượng làm quay bộ bánh răng và kim của đồng hồ. Vì vậy, muốn đồng hồ hoạt động liên tục, phải có người trực thường xuyên. Còn với sáng chế của ông Đan Đỉnh, đồng hồ được kiểm soát và điều chỉnh từ xa chỉ với một chiếc điện thoại thông minh.

Theo thông báo của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, bộ máy của đồng hồ được thiết kế áp dụng các quy luật vật lý, toán học để đạt hiệu quả tối ưu. Đồng hồ của ông Đặng Đan Đỉnh hoạt động nhờ vào nguồn năng lượng điện với điện áp thấp. Một bộ mạch điện tử, sử dụng thạch anh, tạo ra xung điện có tần số gần đúng với tần số của đồng hồ chuẩn quốc tế, xung này điều khiển giao động điều hòa của quả lắc, giống với quả lắc của đồng hồ truyền thống nói trên. Dao động của quả lắc sinh ra năng lượng cơ học, duy trì cho bộ máy đồng hồ hoạt động giúp bảo đảm độ chính xác rất cao.

Đồng hồ SEN20 cũng có bộ máy cơ khí tương tự như các đồng hồ tháp, nhưng nhỏ gọn hơn nhiều. Việc chế tạo hoàn toàn thực hiện trong nước, các linh kiện có yêu cầu kỹ thuật cao được nhập khẩu. Đặc biệt, các bộ máy đồng hồ đồ sộ bằng cơ khí có thể được chuyển đổi thành đồng hồ điện tử thông qua việc lắp ráp thêm một ít chi tiết. Nguyên vẹn bộ máy cũ cùng với kim và mặt trang trí của chúng bên ngoài đều được giữ nguyên, nhờ đó bảo toàn trọn vẹn những giá trị lịch sử, văn hóa và nét cổ kính của chúng. Không chỉ còn trên trang giấy nữa, sáng chế trên đã được lắp đặt ở "Tháp hẹn hò Venice" tại thành phố đảo ngọc Phú Quốc và tháp bốn mặt tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Ở tuổi 77, ông Đặng Đan Đỉnh vẫn miệt mài dành tâm sức để chế tạo lắp dựng một bộ máy đồng hồ mới hoàn chỉnh với nhiều cải tiến hơn so với hai cái đầu tiên. Dự kiến, toàn bộ phần cơ khí, từ chiếc đinh vít nhỏ đến các bánh răng lớn đều được chế tạo bằng inox 304 là loại vật liệu chống gỉ tốt nhất trong ngành cơ khí hiện nay. Tuổi thọ của nó tính bằng thế kỷ. Bộ máy đồng hồ này dự kiến được ông dành tặng thành phố Hà Nội cùng mong muốn được góp phần là một trong những lựa chọn để thay thế bộ máy đồng hồ đã cũ tại Bưu điện Bờ Hồ-Bưu điện Hà Nội.

Với việc sáng chế ra đồng hồ kích thước lớn tiêu thụ năng lượng nhỏ, người kỹ sư tâm huyết Đặng Đan Đỉnh đã tạo ra một trong những sản phẩm đồng hồ có kích thước lớn nhất nước ta từ trước đến nay, đồng thời cũng đóng góp thiết thực cho ngành cơ khí trong nước. Đây cũng là sản phẩm văn hóa đặc biệt, góp phần tô điểm thêm vẻ đẹp tại nhiều vùng miền của Tổ quốc.

Cập nhật Thứ Sáu, 31-12-2021, 17:04/Nguyễn Văn Hải/nhandan.vn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...