Thứ bảy, 20/04/2024, 03:17 [GMT+7]

Giảm thiểu chất thải nhựa: Việc không của riêng ai

Thứ bảy, 31/10/2020 - 18:30'
(BLC) - Bảo vệ môi trường nói chung, giảm thải rác thải nhựa nói riêng đang là vấn đề “nóng” thu hút sự quan tâm của toàn xã hội bởi tác động trực tiếp và lâu dài tới sức khỏe của con người và sự phát triển của mỗi địa phương. Giữ gìn môi trường sống an toàn và trong lành là trách nhiệm của mỗi người, mỗi ngành, mỗi địa phương và toàn xã hội.

Phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết đặt ra hiện nay. Thời gian gần đây, việc này càng được tăng cường với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, nhất là phong trào chống rác thải nhựa được đẩy mạnh rộng khắp.

2 năm qua, Lai Châu phát động toàn tỉnh chung tay phòng chống rác thải nhựa và đến nay đã có gần 50 cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh ban hành kế hoạch, cam kết chống rác thải nhựa. Trên cơ sở đặc thù, thực tế của mình, mỗi địa phương, đơn vị có hình thức tuyên truyền hội viên, Nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp... thực hiện các biện pháp chống rác thải nhựa khác nhau. Tiêu biểu là Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh đoàn với các cuộc thi ý tưởng về bảo vệ môi trường, làm gạch sinh thái.

Chị Hoàng Thị Thanh Hồng - Bí thư Đoàn phường Quyết Thắng (thành phố Lai Châu) cho biết: Hưởng ứng phong trào giảm rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, Đoàn phường phát động đoàn viên, thanh niên thu gom chai nhựa để tái sử dụng, sáng tạo thành các vật dụng như: hộp đựng đồ dùng, giá để chậu hoa cây cảnh, hộp đựng nước rửa tay khô, vườn hoa… Nhìn những sản phẩm được tạo nên từ đôi tay khéo léo có thể thấy, những thứ tưởng như không còn giá trị sử dụng lại trở nên hữu ích trong sinh hoạt hàng ngày. Và hơn hết, những hành động nhỏ của mỗi đoàn viên, thanh niên đã góp phần vào việc làm cho môi trường sạch, đẹp, giảm ô nhiễm và giữ gìn không gian sống an toàn cho tương lai”.

rac thai nhua

Đoàn viên, thanh niên Đoàn phường Quyết Thắng (thành phố Lai Châu) làm bồn hoa bằng chai nhựa.

Những kết quả rõ nét về giảm thiểu chất thải nhựa cũng dễ dàng nhận thấy tại các cơ quan, công sở trên địa bàn tỉnh. Nếu có dịp đến Đảng ủy Khối Các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh hay UBND thành phố và một số sở, ngành tỉnh, điều khác biệt ấn tượng ngay từ khi bước vào sảnh, đó là bảng thông báo điện tử về chương trình công tác của cơ quan đã được thay cho bảng thông báo bằng chất liệu nhựa và viết thông báo bằng bút dạ trước kia. Việc làm này vừa nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ, vừa giúp giảm công sức mỗi khi có thông báo mới hằng ngày, thể hiện tính chuyên nghiệp, hiện đại, thân thiện môi trường. Không những vậy, tại các cuộc họp của nhiều sở, ngành chúng tôi nhận thấy, việc sử dụng chai nước nhựa 1 lần cũng được thay thế bằng cốc sứ hoặc các phông, biển hiệu bằng nhựa được thay bằng việc trình chiếu, bảng điện tử.

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Vũ Huy Hòa - Chánh Văn phòng UBND tỉnh khẳng định: Hạn chế rác thải nhựa và thay dần bằng sản phẩm thân thiện với môi trường đang là mục tiêu mà nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước thực hiện. Hưởng ứng Cuộc vận động chống rác thải nhựa do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo năm 2019, Văn phòng UBND tỉnh Lai Châu đã nghiêm túc triển khai thực hiện. Cụ thể, tại các cuộc họp của UBND tỉnh đều sử dụng cốc sứ uống nước thay vì chai nhựa đựng nước. UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Công thương, Sở Tài nguyên - Môi trường phối hợp tốt với các sở, ban, ngành, huyện, thành phố tích cực tuyên truyền, vận động đến mọi người dân hạn chế sử dụng chất thải nhựa. Khuyến khích cơ quan, đơn vị, địa phương thay băngrôn, khẩu hiệu bằng các bảng hiệu điện tử để tăng hiệu năng sử dụng. Trong các hội nghị, khuyến khích việc cắt giảm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác, sử dụng cốc uống nước bằng sứ, thủy tinh để hạn chế dùng chai nhựa đựng nước. Tuy nhiên để hoạt động này hiệu quả rõ nét hơn, rất mong các cơ quan thông tấn báo chí, các cấp chính quyền tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa, từ đó nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong việc sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường, tránh ô nhiễm môi trường.

Được biết, thời gian qua, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo một số giải pháp tạo đột phá về bảo vệ môi trường. Trong đó, tăng cường sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong công tác quản lý, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân, công đồng, doanh nghiệp về bảo vệ môi trường.

Đồng chí Bùi Thị Huế - Trưởng Phòng Môi trường và Biến đổi khí hậu (Sở Tài nguyên - Môi trường) cho hay: Thực hiện Chỉ thị 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa, Sở Tài nguyên -Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 6/10/2020 về việc tăng cường quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh, trong đó có rác thải nhựa.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập tiếp tục tuyên truyền và tổ chức thực hiện hiệu quả các kế hoạch của UBND tỉnh về: triển khai phát động phong trào “Chống rác thải nhựa”; triển khai tính toán bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường tỉnh Lai Châu. Gương mẫu, tích cực trong việc giảm thiểu chất thải nhựa; hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần. Không sử dụng băngrôn, khẩu hiệu, chai, cốc, ống hút, bát, đũa nhựa... dùng 1 lần tại công sở và trong các hội nghị, hội thảo, cuộc họp, ngày lễ, ngày kỷ niệm và các sự kiện khác. Ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu phát thải chất thải nhựa, phân loại chất thải, chất thải nhựa. Phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội xây dựng phong trào, liên minh chống chất thải nhựa. Vận động người dân, cộng đồng dân cư, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, chợ dân sinh, khách sạn, nhà hàng, quán cafe, khu du lịch và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, du lịch... hạn chế hoặc không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần; không cung cấp miễn phí túi ni-lông cho khách hàng hoặc chuyển từ sử dụng túi ni-lông khó phân hủy sang các loại túi khác thân thiện với môi trường...

Mặc dù bước đầu đã có những chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động của các cấp, các ngành và Nhân dân trên địa bàn tỉnh trong giảm thiểu rác thải nhựa nhưng thực tế kết quả vẫn còn khá khiêm tốn. Để bảo vệ môi trường bền vững, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển, cần sự quyết liệt hơn nữa và quan trọng nhất là sự chung tay, đồng lòng của mỗi người, mỗi ngành, mỗi địa phương trong toàn tỉnh bằng những hành động thiết thực.

Thảo Nguyên

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...