Thứ tư, 17/04/2024, 01:32 [GMT+7]

Hàng Việt trên mạng đang bị lép vế

Thứ ba, 07/05/2019 - 09:04'
(BLC) - Những năm gần đây, không gian mạng được xem là cơ hội lý tưởng để người dân tùy sức mua bán. Tuy nhiên, bán hàng online lại đang có xu hướng trở thành cầu nối cho các mặt hàng ngoại nhiều hơn hàng Việt. Tại Lai Châu, trên các trang facebook, zalo… hàng loạt sản phẩm mang thương hiệu xách tay ở nhiều nước: Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc, Thái, Nhật được rao bán với tần suất dày đặc. Và, hàng Việt gần như lép vế.

Nếu như vài năm trước, hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", người dân phần lớn tin tưởng và sử dụng các sản phẩm nội địa như một thói quen hàng ngày ở các chợ truyền thống thì hiện nay, trên khắp các tài khoản cá nhân, hàng Việt chỉ đang lấp ló, chờ đợi. Và hàng ngoại mặc sức “bung lụa” trên thị trường mạng. Không khó để tìm các loại sản phẩm mang thương hiệu ngoại trên trang facebook cá nhân của tôi và nhiều người đang sinh sống trên thành phố Lai Châu. Chỉ 5 phút lướt web, không cần xem kỹ, tôi cũng đọc nhanh được hàng loạt thông tin bán hàng với nội dung tương tự như: Hot hot hot, vitamin tổng hợp bầu bí tốt nhất tại Anh; chiếu sồi hàng Thái Lan - nằm mát lịm như nằm sàn gỗ; nước hoa chính hãng U.S; nho Úc ngon ngọt; sữa Nhật, Hàn, Nga chuẩn xách tay… Tất cả đều được quảng cáo rất “uy tín, chất lượng”. Đương nhiên, người tiêu dùng Việt vẫn đang chạy theo hướng “thích hàng ngoại” bởi “chất và chuẩn”.

              Hàng ngoại được "rao bán" trên mạng facebook khá nhiều

Hàng ngoại được rao bán trên trang mạng facebook khá nhiều.

Đúng là hàng ngoại bao giờ cũng được sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt, khắt khe và đảm bảo an toàn, vệ sinh. Ngoài ra, nếu sử dụng đúng chuẩn hàng nội địa của các nước thì người tiêu dùng Việt lại càng tin tưởng hơn về chất lượng và sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mua sản phẩm. Chị Nguyễn Thúy (phường Đoàn kết, thành phố Lai Châu) – tín đồ của các sản phẩm ngoại cho biết: “Tôi luôn ưu tiên lựa chọn các mặt hàng ngoại nhập từ sữa tắm, dầu gội, nước hoa đến sữa cho con, thuốc bổ hay hoa quả nhập. Nói thật, hàng Việt nếu đúng chuẩn thì không sao nhưng giờ nhiều người Việt lại tự hại nhau trên chính sản phẩm của mình, xem nhiều video trên mạng lúc thì sầu riêng ngâm thuốc, khi lại dưa hấu, mít bơm thuốc chín nhanh… mà sợ. Vậy nên tôi chọn hàng ngoại đắt hơn một chút và tìm nguồn bán có uy tín…”. Đây cũng là tâm lý chung của nhiều người dân trên địa bàn thành phố khi lựa chọn các mặt hàng phục vụ sinh hoạt cho gia đình. Bởi, trước thời đại công nghệ, điện thoại, internet, máy tính bảng, rất nhiều sản phẩm hàng hóa, dây chuyền sản xuất, chế biến “bẩn” của Việt Nam bị công chúng đưa lên mạng chia sẻ, lan truyền với tốc độ chóng mặt. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến mất lòng tin của người tiêu dùng với chính sản phẩm ở quê hương, đất nước. Và thay vào đó là chạy đua, đổ xô mua hàng ngoại như một trào lưu.

Thực tế, không phải hàng ngoại nào cũng được kiểm chứng nguồn gốc, xuất xứ. Hầu hết, những sản phẩm được rao bán online chủ yếu do người bán tự đăng, tự lấy hàng và tự quảng bá, chưa có cơ quan chuyên môn kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Chủ tài khoản đều nói rằng: “Có anh, em, người quen bên này, bên kia gửi về... Khách hàng yên tâm về chất lượng và giá cả”. Cũng vì sự cả tin về chất lượng hàng ngoại của khách hàng, nhiều người lợi dụng điều này để buôn bán mặt hàng “giả ngoại” rất tinh vi, giá rẻ hơn so với hàng ngoại "xịn". Đơn cử một dòng sản phẩm sữa Nga Semper Nutradefense baby, cùng một nơi sản xuất và nguồn gốc, xuất xứ nhưng giá khác nhau. Bạn tôi đặt mua người quen giá 400 nghìn đồng/hộp 400g, trên nhiều trang facebook cá nhân lại chỉ có 340 nghìn đồng. Điều này cho thấy không phải hàng ngoại nào cũng đúng giá và đúng chất lượng và nguồn gốc.

Khảo sát nhiều bạn trẻ về vấn đề này, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Một số ít cho rằng: “nên tin dùng hàng Việt”, một số thì tùy thuộc vào từng sản phẩm để mua và còn lại là vẫn thích dùng hàng ngoại. Bạn Vũ Thảo ở phường Tân Phong nói: “Từ trước đến nay tôi vẫn thích dùng hàng Việt, mình dùng sản phẩm của các công ty, doanh nghiệp Việt tức là đang làm lợi cho thị trường và hơn hết là thúc đẩy nền kinh tế của đất nước. Tôi có 2 cháu nhỏ, cháu lớn gần 3 tuổi chỉ dùng dòng sữa Anpha, vừa rẻ mà tăng cân đều. Sữa uống thơm, đủ thành phần dinh dưỡng”. Vậy tại sao cũng như sữa, nhiều sản phẩm của Việt Nam trên thị trường mạng online lại đang lép vế so với hàng ngoại.

Lý giải thêm về điều này, các bạn trẻ cũng tự đưa ra các câu trả lời. Có người cho rằng thích dùng hàng ngoại cũng là một hội chứng “đua đòi” hoặc hàng Việt quá rẻ, liệu chất lượng có ổn. Nhiều bạn lại chê hình thức sản phẩm của Việt Nam hình thức không bắt mắt… Rất nhiều lý do để có thể thấy hàng Việt đang thua thiệt trong cuộc chiến với hàng ngoại.

Thiết nghĩ, các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước nên có những chiến dịch truyền thông thiết thực quảng bá hình ảnh sản phẩm Việt không chỉ ở các cửa hàng, siêu thị, chợ truyền thống mà gần nhất chính là mạng xã hội. Việc quảng bá sản phẩm cộng với chiến lược kinh doanh và phương thức sản xuất là 3 mấu chốt trong 1 quy trình làm nên tên tuổi của sản phẩm Việt. Hy vọng, những sản phẩm của người Việt sản xuất sẽ có mặt dày hơn trong mỗi trang online cá nhân của nhiều người dân Việt Nam.

Thanh Hiền

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...