Thứ sáu, 29/03/2024, 18:07 [GMT+7]

Nghề báo - thử thách và thú vị

Thứ sáu, 19/06/2020 - 17:42'
Gần 3 năm gắn bó với Báo Lai Châu, tôi thấy nghề báo đầy gian nan thử thách nhưng rất thú vị.

Tôi may mắn được Ban Biên tập phân công phụ trách địa bàn huyện Than Uyên, nhờ đó thường xuyên được tiếp cận với cơ sở, những bản vùng sâu, vùng xa khai thác thông tin để mỗi tác phẩm báo chí của mình phản ánh chân thực nhất hơi thở của cuộc sống.
Tôi vẫn nhớ chuyến công tác về bản Noong Quài của xã Ta Gia, chúng tôi phải đi thuyền qua lòng hồ Thuỷ điện Huội Quảng, rồi đi xe máy gần 6km đường đất mới đến được bản. Bản người Mông “mãi nghèo” hôm nào, nay đã khoác lên mình diện mạo mới; các em nhỏ tung tăng cắp sách đến trường, đi trên con đường bêtông mới làm; ở nhiều hộ, các ông, các bà hân hoan, lau chùi, nâng niu những chiếc tivi, quạt vì sắp được sử dụng điện. Đến với bản, chúng tôi ấn tượng với sự sáng tạo của người dân - bà con đã thay 1 viên ngói pờrôximăng bằng tấm lợp nhựa, dùng ánh sáng mặt trời thay cho bóng điện vào ban ngày; dùng sức nước ở khe suối tạo ra điện thắp sáng vào ban đêm.

Phóng viên tác nghiệp ở điểm trường mầm non Noong Ma (xã Tà Hừa, huyện Than Uyên).

Phóng viên tác nghiệp ở điểm trường mầm non Noong Ma (xã Tà Hừa, huyện Than Uyên).

Còn chuyến công tác lên Tà Mung, tôi có dịp được cùng lãnh đạo chính quyền xã, các thầy giáo Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS xã Tà Mung đi vận động học sinh ra lớp. Đến các gia đình, chúng tôi hầu như chỉ gặp được phụ huynh, còn học sinh thì đi chơi hoặc đi làm thuê chưa về. Gặp được em gái người Mông thì em bảo “không thích học”, nếu bắt đi học em sẽ ăn lá ngón. Rồi chúng tôi được nghe rất nhiều câu chuyện nào là học sinh dọa cho tay vào bánh xe, chạy trốn khỏi trường khi mẹ vừa đưa đến cổng trường... bởi các em không muốn đi học, muốn ở nhà giúp bố mẹ đi làm thuê kiếm tiền; hoặc lấy vợ, lấy chồng để có người làm trong nhà. Nhìn các em mà chúng tôi thấy tội nghiệp. Chúng tôi cũng thương thầy cô nơi vùng khó này đã bao năm vất vả lội suối, vượt đèo đi vận động học sinh, mang cái chữ dạy các em với hy vọng các em có một tương lai tươi sáng hơn, cuộc sống không còn đói nghèo.
Tôi vẫn nhớ y nguyên chuyến công tác vào bản nhiều “không”- Pá Chít Tấu của xã Tà Hừa cách đây gần 2 năm. Từ đường quốc lộ 279 vào bản dài gần 10km, toàn đất đỏ xen với đá, những đoạn dốc cao chúng tôi phải gài số 1 mới lên được; còn lúc xuống dốc mắt lúc nào cũng căng lên, ghì mình, tay bóp chặt phanh. Lội qua 4 con suối nhỏ mới tới được bản. Đúng là bản nhiều “không”- không đường bêtông, không điện, không trường học, không nhà văn hóa, không sóng điện thoại... Nơi đây, người dân vẫn dùng cối đá với chiếc chày gỗ lợi dụng sức nước để giã gạo, ngô, sắn; dùng sức nước để lấy điện có chút ánh sáng vào ban đêm. Học sinh mầm non ở bản thiệt thòi hơn với bản khác vì các em không được đi học bởi không có trường, có lớp. Thương người dân nơi đây bao năm vất vả cấy cày, những lúc ốm đau lại khó có thể tiếp cận với Trạm Y tế xã vì đường xa khó đi, y tế bản không có. Khi nào bệnh nặng bà con mới tìm đến cơ sở y tế để chữa bệnh, còn bệnh nhẹ chữa bằng cây thuốc nam theo cách chữa dân gian…
Còn biết bao nhiêu những chuyến đi về bản đầy ấn tượng khó phai. Mỗi chuyến đi cho chúng tôi những bài học sống thật đáng quý. Tự nhủ với bản thân rằng, phải cố gắng hơn nữa, đam mê hơn nữa với nghề mình đã chọn, nhất là đến những bản vùng sâu, vùng xa để phản ánh chân thực những khó khăn, nỗ lực vươn lên của người dân.

Đinh Đông

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...