Thứ bảy, 20/04/2024, 11:50 [GMT+7]

Nguy cơ bùng phát dịch bệnh dại

Thứ tư, 09/08/2017 - 16:40'
(BLC) - Theo ghi nhận của cơ quan chuyên môn, tình hình bệnh dại ở đàn chó trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp và có thể lây lan thêm. Bởi, tính đến hết tháng 6, toàn tỉnh có hơn 700 trường hợp bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2016.

Tỷ lệ tiêm phòng dại trên đàn chó đạt thấp

Có lẽ do thói quen và nhu cầu bảo vệ tài sản mà hiện nay, nhiều gia đình ở huyện Tân Uyên đều nuôi chó. Đặc biệt là trong các khu dân cư xa trung tâm thị trấn, bởi vậy việc bị chó cắn hay tai nạn giao thông từ con vật này không còn là chuyện hiếm ở đây. Tôi còn nhớ, có những lần về huyện công tác, vào buổi tối đến thăm người bạn ở Đội 7 (thị trấn Tân Uyên) khi đèn xe vừa rẽ vào địa phận của Đội chúng tôi đã bị 5 chú chó lớn nhỏ bủa vây. Thậm chí có những con bị gia chủ buộc ở đầu nhà còn cố giằng xích để chạy ra cổng. Theo lời một người bạn, ở đây gia đình nào cũng nuôi và thường xuyên được tiêm phòng nên ít khi xích hoặc nhốt, bởi mục đích nuôi là để giữ nhà, bảo vệ tài sản. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của tôi thì việc tiêm phòng cho đàn chó dù được cơ quan chuyên môn của huyện sát sao triển khai thực hiện nhưng mới ở trung tâm các xã, thị trấn, còn ở các xã vùng sâu, vùng xa của huyện vẫn chưa được các hộ dân quan tâm, hưởng ứng. Đó chính là những nguyên nhân dẫn đến 7 tháng đầu năm nay, huyện Tân Uyên có số người bị chó cắn phải tiêm phòng dại tăng trên 100% so với cùng kỳ năm 2016.

Tình trạng chó thả rông không rọ mõm diễn ra phổ biến ở phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu.

Theo thống kê, 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 703 trường hợp bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó huyện Tân Uyên có số người bị chó cắn phải tiêm phòng dại tăng cao nhất với trên 300%. Hiện nay, công tác tiêm phòng dại cho đàn chó ở nhiều nơi đạt tỷ lệ thấp so với tổng đàn như huyện: Sìn Hồ (32%), Nậm Nhùn (49%), Than Uyên, Phong Thổ (53%). Công tác quản lý chó nuôi bị buông lỏng, nhiều xã không thống kê đàn chó, không có danh sách hộ nuôi chó; việc nuôi chó thả rông còn rất phổ biến, cùng với thời tiết nắng nóng bất thường là điều kiện thuận lợi cho bệnh dại phát triển.    

Tập trung ngăn chặn

Chủ động ngăn ngừa bệnh dại lây từ động vật sang người và giảm số trường hợp tử vong do bệnh dại, UBND tỉnh đã yêu cầu các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn, phòng, ban liên quan, UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống bệnh dại. Đặc biệt, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống bệnh dại ở người và động vật. Chịu trách nhiệm trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên địa bàn; xử lý nghiêm cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý.

Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn cũng tăng cường giám sát đến tận thôn, bản để phát hiện sớm bệnh dại trên đàn chó, có biện pháp xử lý, ngăn chặn và khống chế dịch bệnh kịp thời; tăng cường kiểm soát vận chuyển, buôn bán chó, mèo theo đúng quy định; nghiêm cấm việc vận chuyển, giết mổ chó, mèo nghi mắc bệnh dại và ốm, chết không rõ nguyên nhân. Đặc biệt, tổ chức rà soát, thống kê chính xác số lượng chó, mèo nuôi trên địa bàn; xây dựng, cấp sổ quản lý chó cho các hộ đăng ký nuôi chó trên địa bàn. Yêu cầu các hộ nuôi chó cam kết thực hiện nghiêm túc việc khai báo, đăng ký chó nuôi, chấp hành việc xích, nhốt và tiêm phòng vắcxin dại cho chó nuôi theo quy định; công khai tại cộng đồng hoặc thông báo danh sách những hộ nuôi chó nhưng không chấp hành tiêm phòng vắcxin dại theo quy định.

Một trong những giải pháp được các địa phương cũng như ngành chức năng quan tâm triển khai là tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng đến cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh dại; biện pháp phòng chống bệnh dại hiệu quả và các quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh dại. Nâng cao trách nhiệm của người nuôi với cộng đồng; khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia giám sát, phát hiện và thông báo cho chính quyền cơ sở, cơ quan thú y và y tế về các trường hợp chó, mèo, động vật nghi mắc bệnh dại để kịp thời xử lý. Hướng dẫn người bị chó, mèo cắn đến ngay cơ sở y tế để được điều trị dự phòng kịp thời.

 Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trong ngành Y tế phối hợp với cơ quan thú y, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở tăng cường giám sát bệnh dại tại cộng đồng. Thực hiện kiểm dịch vận chuyển lưu thông chó, mèo trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định; chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, vắcxin, phương tiện phục vụ công tác phòng, chống dịch để đáp ứng đủ yêu cầu trong mọi tình huống dịch bệnh xảy ra. Tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan trong công tác tuyên truyền vận động Nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dại. Xây dựng, cung cấp và phổ biến rộng rãi các nội dung, thông điệp tuyên truyền, giáo dục về phòng chống bệnh dại ở người.

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virút dại gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh. Người bị mắc bệnh dại do bị lây truyền virút dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại trên da bị tổn thương (thường là chó, mèo). Và khi người đã bị mắc bệnh dại thì tỷ lệ tử vong là 100%. Trên thế giới hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy, để phòng chống bệnh này, ngoài sự vào cuộc của ngành chức năng rất cần sự chung tay của cả cộng đồng trong việc tiêm phòng dại cho đàn chó, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Điện Tử

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...