Thứ năm, 25/04/2024, 20:44 [GMT+7]

Nguy cơ mất an toàn từ dự trữ rơm, rạ

Thứ tư, 20/11/2019 - 11:03'
Vấn đề dự trữ rơm, rạ cho trâu, bò đảm bảo thức ăn cho gia súc trong mùa đông là việc làm cần thiết, được người nông dân vùng cao coi trọng. Tuy nhiên, cách bảo quản rơm, rạ của bà con hiện nay đặt ra nhiều vấn đề lo ngại, tiềm ẩn những nguy cơ cháy rất cao.

Bảo quản rơm trên trần nhà có nguy cơ dẫn đến cháy rất cao.

Con trâu là đầu cơ nghiệp, do đó nhiều gia đình chú ý đến nguồn thức ăn tươi, khô, phù hợp với thời tiết trong các mùa, nhất là vào mùa đông nhằm tránh tình trạng gia súc đói, rét như những năm trước. Do đó, ngoài việc trồng cỏ voi chủ động thức ăn, bà con còn lên rừng cắt cỏ dại, tận dụng thân cây chuối, ngô, phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho trâu. Sau khi gặt lúa hè thu, các hộ dân không đốt rơm, rạ hay lấp đất cho hoai mục mà thay vào đó phơi rơm nơi sạch sẽ, khô ráo, vận chuyển về nhà dự trữ. Không chất rơm thành đống, bà con cẩn thận đựng rơm khô vào bao tải. Một số gia đình để rơm trong gian nhà ngang, nhà trái. Nhưng vì những lý do khác nhau như không có chỗ, sợ rơm để bên ngoài bị dính nước mưa ẩm ướt sẽ mủn, thối, trâu không ăn nên nhiều gia đình đã gác rơm lên trần nhà.

Chúng tôi đến gia đình anh Sùng A Chang ở bản Hồng Thu Mông, xã Lản Nhì Thàng (huyện Phong Thổ). Ấn tượng đầu tiên là ngôi nhà ngỗ thưng vững chắc có chiều ngang ước tính đến 40m. Trong nhà, ngoài đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, ngôi nhà của anh Chang còn có hơn 100 bao thóc, ngô thu hoạch từ vụ mùa, vụ hè thu xếp gọn gàng, ngay ngắn theo từng ô đẹp mắt. Thế mới biết sự trân trọng sức lao động, nâng nui “hạt ngọc trời” người nông dân vất vả làm ra. Tuy nhiên, trên trần nhà, anh Chang lại gác tới 12 bao rơm, loại bao có thể đựng được 1 tạ thóc. Do kiểu thiết kế nhà gỗ của người Mông thấp nên khoảng cách giữa những bao thóc và rơm rất gần nhau. Anh Chang chia sẻ: “Tôi để rơm lên trần nhà được 3 năm nay, vì không có địa điểm nào hợp lý nên tôi mang vào trong nhà tránh mưa ẩm ướt. Vì rơm thối trâu không ăn; mùa đông đến, mưa rét lại không đi cắt cỏ được”.

Việc để rơm lên trần nhà tiềm ẩn nguy cơ cháy cao, gây thiệt hại về tính mạng, tài sản rất lớn. Bởi người dân tộc Mông thường có thói quen ủ bếp, nhất là vào dịp cuối năm còn sấy thịt, sưởi ấm... Trong quá trình đun nấu, tàn lửa rất dễ bắn lung tung. Gặp rơm khô sẽ cháy thành đám cháy lớn. Bà con lại thường xuyên vắng nhà vì lên nương lao động. Việc tích rơm như vậy không an toàn. Một số gia đình còn duy trì lề lối sinh hoạt lạc hậu, sắp xếp đồ đạc thiếu gọn gàng, quần áo, váy, trang phục hay lộn xộn. Nhất là sự chủ quan của các hộ dân trong sử dụng điện, tự ý đấu nối dẫn đến tình trạng chập điện. Và, khi cháy nhà thì rơm, rạ là nhân tố giúp cho ngọn lửa cháy bốc hơn, bén nhanh, lây lan sang diện rộng.

Xung quanh ngôi nhà gỗ của gia đình ông Chang A Sang cùng bản cũng xếp lỉnh kỉnh như: củi khô, rơm rạ, tấm gỗ, quần áo. Để dự trữ thức ăn cho trâu, ngay cửa ra vào, ông Sang còn gác lên 10 bao rơm. Ông Sang cho biết: Hiện, gia đình tôi nuôi 4 con trâu. Tôi cũng muốn để chỗ khác nhưng sợ rơm hỏng, mùa đông đến không có gì nuôi trâu nên phải gác mái hiên.

Khi được hỏi, nhiều người đều nói rằng ở bản chưa gia đình nào bị cháy nhà nên không sợ. Và, việc để rơm như vậy cũng không đáng lo. Hiện, bản Hồng Thu Mông có hơn 100 con trâu, nhà nào ít thì 1 con, nhiều có tới 6 - 7 con. Anh Giàng A Giao - Bí thư Chi bộ Hồng Thu Mông cho biết: Trước đây, bà con hay thả rông gia súc từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau mới tìm về nên không dự trữ rơm. Việc bảo quản rơm theo cách này có từ khi bà con biết nuôi trâu vỗ béo (khoảng 10 năm nay). Trong cuộc họp tới, nhất định chúng tôi sẽ triển khai cho bà con thay đổi cách dự trữ rơm để phòng, chống nguy cơ cháy nhà.

Trên hành trình đi về thành phố Lai Châu, chúng tôi có đến gia đình anh Chang A Chia ở bản Gia Khâu 2, xã Nậm Loỏng. Gia đình anh Chia cũng gác tới 8 bao rơm trên trần nhà. Như anh chia sẻ, việc gác rơm lên trần nhà cũng đã 10 năm nay.

Việc dự trữ rơm, rạ tạo nguồn thức ăn cho gia súc là đúng, nhưng với hình thức bảo quản này rất dễ dẫn đến cháy nhà, gây thiệt hại kinh tế lớn cho bà con. Mong rằng, các hộ chăn nuôi không nên chủ quan; cần nâng cao cảnh giác, bảo quản rơm ở vị trí hợp lý, đảm bảo an toàn cho gia đình.

Hoài Thương

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...