Thứ năm, 18/04/2024, 12:06 [GMT+7]

Thận trọng khi sấy thực phẩm

Thứ hai, 16/01/2023 - 10:15'
(BLC) - Do bất cẩn, không ít người dân trên địa bàn tỉnh bị cháy hết mẻ thịt sấy, gây thiệt hại về kinh tế.

Bất cẩn khi sấy thịt

Một trong những đặc sản nức tiếng của Lai Châu nói riêng, vùng Tây Bắc nói chung đó là các món thịt sấy, hun khói... Với thương hiệu đã được khẳng định và thưởng thức món ăn này trở thành truyền thống của phần lớn các gia đình trên địa bàn tỉnh nên chuẩn bị cho tết Nguyên đán, rất nhiều người dân tất bật chế biến đặc sản này. Người thì làm để biếu, tặng; người thì làm để gia đình sử dụng; người thì làm để bán. Điều dễ dàng nhận thấy, đây cũng là các sản phẩm thường có mặt trong danh mục sản phẩm OCOP của tỉnh. Từ sản xuất thịt sấy mang lại việc làm, thu nhập cho nhiều lao động địa phương.

Sấy thịt.

Thời gian này, nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh làm thịt sấy chuẩn bị cho tết Nguyên đán.

Bà Trần Thị Ngọc ở phường Tân Phong (thành phố Lai Châu) tâm sự: Do chỉ làm số lượng nhỏ phục vụ nhu cầu gia đình, người thân nên tôi thiết kế vài tấm tôn quây lại làm nơi sấy thịt. Tự làm mất công một chút nhưng vui và có không khí tết, thực phẩm được tự tay lựa chọn nguyên liệu, gia vị theo sở thích nên năm nào tôi và hàng xóm cũng làm.

Tuy nhiên, không như bà con các dân tộc vùng sâu, vùng xa, làm thịt treo luôn trên bếp hằng ngày đun nấu; ở thị trấn, thành phố, hầu như diện tích nhà hẹp, sử dụng bếp ga, bếp điện là chính. Do đó, muốn làm món này thường phải sấy, hun khói bằng cách "chế tạo" một lò sấy đặt ngay ngoài vỉa hè gần nhà. Việc sấy thịt cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy do thịt bị tác động của nhiệt độ cao, chảy mỡ xuống làm bùng lửa to, nếu không xử lý kịp thời sẽ bị thiêu rụi thịt và các công trình, vật dụng gần đó.

Theo thông tin do đồng chí Minh Hiếu, công an khu vực tổ 10 (phường Tân Phong) cho biết: Tối 31/11/2021 trên địa bàn phường Đoàn Kết (thành phố Lai Châu) xảy ra vụ cháy làm thiệt hại về tài sản. Nguyên nhân xảy ra cháy do bất cẩn trong việc sấy thịt. Rất may không thiệt hại về người.

Hoặc vừa qua trên mạng xã hội, vài tài khoản cũng chia sẻ về việc cháy mất mẻ thịt sấy do không có người túc trực thường xuyên và đôi lúc không để ý để lửa cháy lớn. Chúng tôi vẫn nhớ cách đây không lâu, chị hàng xóm của tôi do lần đầu hun thịt chưa có kinh nghiệm, than củi bắt lửa do mỡ chảy xuống làm ngọn lửa cháy cao gần 2m, bao trùm toàn bộ số lạp sườn, thịt sấy của chị. Hơn 22h, mọi người trong xóm nghe tiếng hô chạy vội ra dập lửa cùng, hậu quả không gây thiệt hại người nhưng bao công sức "đổ sông, đổ biển" khi phần lớn thịt bị cháy, phải làm lại.

Đó chỉ là một vài vụ cháy nhỏ "dở khóc, dở cười" mà không ít người dân trên địa bàn tỉnh gặp phải. Nhưng rất may, mới chỉ dừng lại thiệt hại nhỏ về kinh tế, chưa gây cháy lớn sang nhà cửa, đồ dùng và đặc biệt là không ai bị thiệt mạng. 

Chủ động phòng cháy

Chia sẻ kinh nghiệm sấy thịt nhiều năm, bà Trần Thị Ngọc cởi mở: Có nhiều cách sấy thực phẩm song để thịt thơm ngon, hầu hết các gia đình chọn sấy bằng than củi. Nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nếu không có người trông coi và sơ ý để lửa cháy lớn. Do đó, kinh nghiệm tôi rút ra là chọn củi to, duy trì cháy âm ỉ, lúc nào cũng đỏ than nhưng không để lửa lớn. Cử người túc trực theo dõi bếp thường xuyên để xử lý kịp thời. Thịt treo để độ cao hợp lý, tránh để quá sát bếp.

Cử người túc trực thường xuyên.

Để đảm bảo an toàn phòng cháy, bà con cần cử người túc trực thường xuyên, kịp thời xử lý các tình huống.

Trước tình trạng trên, lực lượng công an các địa phương cũng đã nhắc nhở bà con ở các khu dân cư quan tâm thực hiện phòng cháy và đưa ra nhiều biện pháp cụ thể để Nhân dân lưu ý. 

Thượng tá Phạm Văn Tuấn - Trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) khuyến cáo: Trong quá trình chế biến, người dân thường sử dụng bếp điện, than đá hoặc than củi để sấy khô thực phẩm. Các hộ gia đình, hộ kinh doanh do sơ suất, bất cẩn trong sử dụng điện, ngọn lửa, hút thuốc… cũng có thể gây ra các vụ cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.

Vì vậy, để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, bà con cần lưu ý: Đối với hệ thống điện tại gia đình cần cải tạo, nâng cấp mạng điện cho phù hợp với công suất tiêu thụ điện; thay thế các dây dẫn điện cũ, ải, mục. Tách riêng hệ thống điện sản xuất, chiếu sáng, bảo vệ, kinh doanh, sinh hoạt thành từng hệ thống riêng biệt. Lắp đặt các thiết bị bảo vệ hiện đại, tự động ngắt khi sự cố xảy ra. Thường xuyên bố trí người trông coi, kiểm tra xung quanh đảm bảo khoảng cách an toàn tối thiểu 08m từ các vật tư, hàng hóa dễ cháy đến nơi có phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt, tránh để phát sinh các nguồn nhiệt và điều kiện xảy ra cháy, nổ. Trang bị các dụng cụ, phương tiện chữa cháy tại chỗ để khi có sự cố xảy ra có thể xử lý kịp thời. Báo cháy cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy theo số điện thoại 114...

Thảo Nguyên

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...