Thứ tư, 24/04/2024, 13:22 [GMT+7]

Thịt lợn ít người mua, giá vẫn đắt

Thứ năm, 02/07/2020 - 14:32'
Từ sau đợt dịch tả lợn Châu Phi, các địa phương trong cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng chật vật tái đàn. Nguồn cung thực phẩm từ thịt lợn khan hiếm, giá thịt lợn hơi cao ngất ngưởng, nhiều người tiêu dùng thông thái đã chuyển sang sử dụng các loại thực phẩm khác thay thế thịt lợn. Các hàng bán thịt lợn trên địa bàn tỉnh ế ẩm song không vì thế mà tiểu thương hạ giá thành.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ phải hạ giá thịt lợn hơi để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng, tuy nhiên chỉ hợp lý đối với các tỉnh có quy mô chăn nuôi lớn, số lượng trang trại, gia trại chăn nuôi nhiều. Việc kiểm soát giá xuất chuồng của các cơ sở chăn nuôi được thực hiện dễ dàng hơn. Theo đồng chí Phạm Anh Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, quy luật kinh tế thị trường đã chỉ rõ, khi nguồn cung không đủ đáp ứng cầu, đương nhiên giá cả sẽ tăng. Còn đối với tỉnh Lai Châu, ngành chăn nuôi phát triển nhỏ lẻ, thời điểm nguồn lợn khan hiếm, không nhập được từ các tỉnh miền xuôi, các tiểu thương chủ yếu mua từ các bản về mổ thịt và phân phối tại các chợ với giá không đồng đều. Chẳng hạn, cũng là loại thịt lợn đen nhưng mỗi nơi lại có một giá khác nhau và giá đều cao hơn nhiều so với thời điểm chưa có dịch.

Nhu cầu mua thịt lợn của người dân giảm mạnh.

Nhu cầu mua thịt lợn của người dân giảm mạnh.

Chị Đỗ Thị Yến (tiểu thương bán thịt lợn tại chợ trung tâm thành phố Lai Châu) cho biết: Tôi thường bán thịt lợn đen của người dân địa phương. Thời gian gần đây, giá thịt lợn hơi tăng cao, gần gấp đôi so với đầu năm ngoái (dao động 105 - 110 nghìn đồng/kg) mà nguồn cung hạn chế, phải đến tận các bản tìm nguồn hàng. Giá lợn hơi tăng gấp đôi nhưng giá thịt lợn chỉ tăng khoảng 50 - 60% so với trước. Cụ thể, hiện giá thịt nạc, nạc vai: 300.000 đồng/kg, mông, sườn: 230.000 đồng/kg; mỡ lợn 90 - 100.000 đồng/kg…). Mấy tháng nay sức mua của người dân giảm mạnh. Trước đây, mỗi ngày tôi mổ 2 con lợn nhưng nay chỉ 1 con/ngày mà có hôm không bán hết hàng. Lợi nhuận giảm, có hôm lỗ 500 - 700 nghìn đồng nhưng vẫn phải duy trì mổ bán để giữ khách.
Chị Nghiêm Thị Nhan (tiểu thương bán thịt lợn ở phường Quyết Thắng, thành phố Lai Châu) cũng cho hay, thời điểm trước đây, giá thịt lợn hơi lúc cao nhất chỉ có 55 - 60.000 đồng/kg, nay giá đội lên cao quá, nguồn thì khan hiếm, chúng tôi phải vào tận các bản xa thuộc các xã của huyện Tam Đường tìm, có hôm mất cả ngày mới mua được. Thế nhưng việc bán hàng lại càng trở nên khó khăn vì giá thịt lợn cao, người dân chuyển sang sử dụng các loại thực phẩm khác nên lượng mua giảm hẳn. Mặc dù vậy chúng tôi cũng không thể hạ giá bán vì giá mua vào đã rất cao rồi.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi đã làm một phép so sánh: Trước đây, nếu giá thịt lợn dao động từ 100 - 150.000 đồng/kg thì giá thịt bò chỉ có 250 nghìn đồng/kg, thịt chó 160 nghìn đồng/kg hoặc thịt gà mổ sẵn dao động từ 90 - 110 nghìn đồng/kg. Nay giá thịt lợn cao lên gần gấp đôi thì giá các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng đó cũng chỉ nhích lên khoảng 20 - 50.000 đồng/kg. Hiện giá thịt lợn nạc ngang với thịt bò. Trong khi đó, vừa qua, tại một số địa bàn trong tỉnh, việc tái dịch tả lợn Châu Phi càng làm cho nghề kinh doanh lợn khó khăn hơn. Do đó, người tiêu dùng không thể cứ “khư khư” lấy chỉ một loại thực phẩm mà có sự lựa chọn đa dạng hơn, thay đổi thói quen sử dụng nguồn thực phẩm. Đó còn chưa kể nguồn cá, tôm (sông, biển) hay ngan, vịt… cũng dồi dào, giá rẻ và chất dinh dưỡng không thua kém gì so với thực phẩm từ thịt lợn. Tâm sự với chúng tôi, chị Lê Thị Thảo (phường Tân Phong, thành phố Lai Châu) cho biết: “Trước đây trong bữa cơm gia đình tôi thường không thể thiếu món ăn chế biến từ thịt lợn. Nhưng từ khi giá cao, tôi đã chuyển đổi sang dùng các loại thực phẩm khác vừa tươi, ngon, giá rẻ mà chất lượng dinh dưỡng cũng chẳng kém gì thịt lợn”.
Nhằm định hướng cho các hộ chăn nuôi đi trước một bước, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh khuyến cáo người dân chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi từ nuôi lợn sang các loại vật nuôi khác (chủ yếu là gia cầm) để cân đối thị trường thực phẩm trong thời điểm khó tái đàn lợn như vừa qua. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho mặt hàng thực phẩm từ thịt lợn giá cao và “ế ẩm”. Mong rằng, với nhiều giải pháp can thiệp của Nhà nước và chính quyền các cấp, ngành chăn nuôi lợn không còn đối mặt với bế tắc như thời gian qua.

Thủy Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...