Thứ tư, 24/04/2024, 16:06 [GMT+7]

Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông do tình trạng thả rông gia súc

Thứ hai, 10/08/2020 - 20:13'
(BLC) - Hiện nay, tình trạng thả rông để gia súc tràn xuống lòng đường ở các tuyến đường trên địa bàn huyện Nậm Nhùn không chỉ gây mất mỹ quan, vệ sinh môi trường mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Những ai có dịp đến huyện Nậm Nhùn, chắc hẳn không lạ lẫm với hình ảnh từng đàn gia súc gặm cỏ dọc theo tuyến tỉnh lộ 127, bắt đầu từ khu vực xã Lê Lợi đến hết khu vực giáp ranh với huyện Mường Tè (tại xã Mường Mô). Sẽ không có chuyện để bàn nếu như những đàn gia súc được các hộ chăn dắt, không tự do tràn xuống lòng đường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.

Đàn gia súc tràn xuống lòng đường gây ảnh hưởng tới người và phương tiên tham gia giao thông trên địa bàn thị trấn Nậm Nhùn(huyện Nậm Nhùn)

Đàn gia súc tràn xuống lòng đường, ảnh hưởng tới người và phương tiên tham gia giao thông trên địa bàn thị trấn Nậm Nhùn (huyện Nậm Nhùn).

Anh Lò Văn Thủy, lái xe vận tải hành khách tuyến Lai Châu - Nậm Nhùn chia sẻ: "Trên hành trình chở khách, khá nhiều đoạn tôi gặp người dân thả gia súc chạy rông trên đường, dù đã chạy đúng tốc độ quy định đảm bảo an toàn cho hành khách nhưng tại nhiều đoạn đường tôi vẫn phải giảm hết tốc độ để tránh đàn gia súc thả rộng của bà con bất ngờ lao ra đường. Mong sao tình trạng này có thể chấm dứt để người và phương tiện tham gia giao thông được an toàn."

Mặc dù chưa có thống kê cụ thể nào về tai nạn do gia súc gây ra, tuy nhiên việc chăn thả gia súc dọc theo các tuyến đường, nhất là tuyến tỉnh lộ 127 gây không ít nỗi kinh hoàng cho người và phương tiện. Đã có những vụ va chạm đáng tiếc xảy ra do người điều khiển phương tiện không kịp trở tay khi phải tránh đàn gia súc thả rông đi nghênh ngang, bất ngờ sang đường hoặc chạy ra giữa đường. Những tình huống dở khóc dở cười khi không xác định được “ai sai, ai đúng” trong vụ va chạm giao thông.

Tại thị trấn Nậm Nhùn, khu vực trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội của huyện Nậm Nhùn, không khó để bắt gặp hình ảnh từng đàn trâu, bò ung dung, lững thững rảo bước trên đường, bỏ mặc những tiếng còi inh ỏi của người tham gia giao thông. Không biết từ bao giờ, có một “luật bất thành văn” mà người đi đường buộc phải thực hiện đó là nhường “quyền ưu tiên” cho gia súc ngang nhiên đi giữa đường. Không chỉ gây cản trở giao thông, sau những lần “tản bộ”, từng đàn trâu, bò lại phóng uế, gây mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị.

Nói về thực trạng chăn thả rông gia súc trên địa bàn, ông Nguyễn Ngọc Kiệm – Chủ tịch UBND thị trấn Nậm Nhùn cho biết: “Hiện nay, chính quyền địa phương đã và đang tổ chức tuyên truyền để bà con hiểu rõ những ảnh hưởng của tình trạng thả rông gia súc. Tuy nhiên, do các chế tài xử lý vẫn theo quy định trong quy ước, hương ước của từng khu vực dân cư và dựa vào các tổ xung kích nên việc xử lý tình trạng thả rông gia súc vẫn còn gặp không ít khó khăn. Trong thời gian tới, để hạn chế, tiến tới giải quyết dứt điểm tình trạng chăn thả gia súc trên địa bàn, địa phương đang tích cực vận động người dân chuyển đổi, trồng thêm diện tích cỏ phục vụ chăn nuôi, hướng tới mục tiêu thực hiện nuôi nhốt trong chăn nuôi đại gia súc”.

Trong nhiều văn bản pháp lý hiện hành đã có những quy định xử phạt rất rõ ràng hành vi chăn thả gia súc ra đường làm cản trở giao thông. Trong khoản 2, Điều 35 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã có quy định: Không được thả rông súc vật trên đường bộ. Trường hợp người dắt súc vật đi trên đường bộ phải tuân thủ nguyên tắc phải cho súc vật đi sát mép đường và bảo đảm vệ sinh trên đường, trường hợp cần cho súc vật đi ngang qua đường thì phải quan sát và chỉ đi qua đường khi có đủ điều kiện an toàn; không được dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới…

Riêng đối với những trường hợp súc vật thả rông gây tai nạn, pháp luật hiện hành đã có quy định xử phạt, hướng xử lý trong khoản 2 Điều 10 Nghị định 46/2016/NĐ-CP; Điều 603 Bộ luật Dân sự năm 2015 của Quốc hội; Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015… khá rõ ràng. Theo đó, trong trường hợp chủ gia súc thả gia súc hoặc dẫn dắt gia súc đi trên đường gây tai nạn giao thông chết người, người chủ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người. Theo quy định tại Điều 128, Bộ luật Hình sự năm 2015, khung xử lý thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm. Trường hợp vô ý làm chết hai người trở lên thì bị phạt tù từ 3 - 10 năm, đồng thời chịu trách nhiệm bồi thường theo Bộ luật Dân sự...

Thiết nghĩ, việc phát triển chăn nuôi đại gia súc là chủ trương đúng của địa phương trong việc phát triển kinh tế. Tuy nhiên, chăn thả gia súc cần có quy hoạch theo từng khu vực nhằm đảm bảo tốt hơn công tác chăm sóc phòng chống dịch bệnh cũng như đảm bảo vệ sinh môi trường và đặc biệt là đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên các tuyến đường. Do vậy, cơ quan quản lý Nhà nước cần có quy định xử lý nghiêm với chủ gia súc thả rông trên đường. Đồng thời, các ngành chức năng cần có những biện pháp linh động như tăng cường nhắc nhở, tuyên truyền tới người chăn nuôi về vấn đề này.

Lò Dinh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...