Thứ sáu, 29/03/2024, 14:53 [GMT+7]

Trị bệnh tận gốc

Thứ tư, 28/12/2022 - 11:05'
Đi qua một năm nhiều bất cập khiến cả hệ thống y tế gặp khó khăn, Bộ Y tế xác định, sẽ phải tập trung mạnh mẽ hơn nữa trong việc sửa đổi cơ chế chính sách để bảo đảm tốt hơn quyền được thăm khám, chữa trị bệnh của người dân.

Bác sĩ khám bệnh cho trẻ tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh. Ảnh: NHẬT THỊNH

Bác sĩ khám bệnh cho trẻ tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh. Ảnh: NHẬT THỊNH

Hệ lụy từ bất cập chính sách

Tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), năm 2020, nguồn thu giảm 2.000 tỷ đồng so năm 2019 (tương đương 30%); năm 2021, tiếp tục giảm 1.500 tỷ đồng so năm 2020. Năm 2022, bệnh nhân đông nhưng chênh lệch thu-chi rất thấp, thu nhập của y, bác sĩ giảm, dẫn đến có thêm khoảng 100 người nghỉ, chuyển việc. Trung tâm Y học hạt nhân của Bệnh viện hiện thiếu trầm trọng thiết bị, do các máy PET, xạ phẫu, CT 256 lát cắt… đều đang bị "đắp chiếu" vì chưa có chính sách trong liên doanh liên kết, lại chưa có tiền đầu tư máy mới. Gần 1.000 bệnh nhân điều trị thường xuyên tại đây phải di chuyển sang bệnh viện khác mỗi khi có chỉ định sử dụng thiết bị.

Bệnh viện K hiện có năm máy xạ trị, trong khi để đáp ứng nhu cầu chữa bệnh, cần thêm ít nhất 10 máy nữa. Vì vậy, cả năm máy xạ trị đang được sử dụng tối đa công suất, 23/24 giờ trong ngày, bệnh nhân phải đi xạ trị vào ban đêm. "Giá một máy xạ trị khoảng 80-90 tỷ đồng nhưng khả năng của bệnh viện chỉ thu xếp được 100 tỷ đồng/năm để đầu tư nên nếu muốn có thêm 10 máy, phải mất từ tám đến chín năm nữa"-một đại diện của bệnh viện cho hay.

Tại TP Hồ Chí Minh, một khảo sát nhanh về tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ tại các bệnh viện công lập thuộc Sở Y tế hiện nay là 1,86/1 (theo quy định là 3/1). Trong đó, có đến hơn 50% tổng số khoa lâm sàng của các bệnh viện có tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ dưới 2/1. Thực trạng nghỉ việc của nhân viên y tế công lập có chiều hướng gia tăng và theo nhận định của Sở Y tế thành phố là chưa dừng lại. Hiện nay, hầu hết các bệnh viện công tại thành phố được giao tự chủ chi thường xuyên nhưng lại không có quyền tự quyết định mức thu viện phí cũng như chỉ tiêu nhân sự. Bên cạnh đó, nhiều bất cập trong việc trích quỹ phát triển bệnh viện, xã hội hóa một số dịch vụ trong bệnh viện công..., khiến các đơn vị hầu như bị "bóp nghẹt", khó có thêm nguồn thu để chi.

Lý do chính dẫn đến vướng mắc mà các bệnh viện đang gặp phải là những bất cập, không đồng bộ về chính sách. Cụ thể, khi cho tự chủ toàn diện thì phải có các điều kiện kèm theo, như viện phí được tính đúng, tính đủ, quỹ bảo hiểm đủ khả năng chi trả viện phí mới, bệnh viện có đủ thiết bị y tế… Tuy nhiên, trong thực tế, các điều kiện này đều chưa đạt được nên những bệnh viện tự chủ toàn diện rơi vào tình huống bị "khoán trắng", đầu tư từ ngân sách bị cắt trong khi nguồn thu không được tăng.

Ðặt quyền lợi của người dân lên trên hết


Mới đây, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan có báo cáo tiếp thu, giải trình về Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, nêu ra hàng loạt các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện cơ chế tự chủ. Theo đó, việc sử dụng nguồn tài chính của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập vừa phải tuân thủ các quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và vừa phải tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công nên sẽ phải qua nhiều quy trình, thủ tục. Điều này dẫn đến hạn chế mức độ tự chủ của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong quản lý, sử dụng các nguồn tài chính của đơn vị, đặc biệt là đối với nguồn thu được để lại cho cơ sở sử dụng theo quy định.

Việc thực hiện lộ trình tính đủ giá dịch vụ y tế còn chậm, dẫn đến bệnh viện phải có "hai bảng giá": giá khám, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế và giá khám, chữa bệnh không có bảo hiểm y tế (theo mức giá chưa tính chi phí quản lý, khấu hao); giá dịch vụ theo yêu cầu (áp dụng cho khu vực vay vốn, liên doanh, liên kết, xã hội hóa). Nguyên nhân của việc chậm tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế là do còn nhiều vướng mắc trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, như việc giám định các chi phí kết cấu trong giá, không thanh toán các chi phí chưa sử dụng hết định mức nhưng không bổ sung các chi phí chưa tính hoặc tính chưa đủ trong định mức và giá dịch vụ khám, chữa bệnh… Mặt khác, do kết cấu chi phí tiền lương theo ngạch, bậc và lương tối thiểu vào giá dịch vụ thấp, nên cơ chế chi trả tiền lương tăng thêm cho cán bộ y tế phụ thuộc vào phần tiết kiệm chi và chi tăng thêm sau chi phí. Điều này tạo áp lực cho các cơ sở y tế, buộc các đơn vị bằng mọi cách tiết kiệm, thậm chí cắt giảm quyền lợi của người bệnh hoặc chỉ định (nhất là xét nghiệm, chụp chiếu) quá mức cần thiết để có nguồn chi lương tăng thêm.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan đưa ra kiến nghị: Trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, cần có mục quy định về tài chính y tế nhằm tháo gỡ một phần vướng mắc và làm cơ sở pháp lý cho triển khai trong thực tế. Về lâu dài, cần nghiên cứu ban hành đạo luật về đơn vị cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, quy định quyền, nghĩa vụ các chủ thể tham gia cung ứng dịch vụ công, gồm cả công lập lẫn ngoài công lập. Về tài chính, tiếp tục thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế.

Sau nhiều lần lỗi hẹn kể từ năm 2019, Bộ Y tế chính thức đưa ra dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập cung cấp. Dự thảo được kỳ vọng khắc phục tình trạng "loạn giá" trong bệnh viện công; tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân viên y tế…

Về vấn đề này, trao đổi với báo chí, ông Lê Văn Phúc-Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho rằng, trong việc tính đúng, tính đủ chi phí khám, chữa bệnh, cần cân nhắc các yếu tố cấu thành chưa được tính trong chi phí hiện nay, gồm khấu hao tài sản cố định, phí quản lý và đào tạo, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu khoa học của cơ sở khám, chữa bệnh. Đồng thời, cần tính toán khả năng tăng thu cho nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế để bảo đảm việc tăng chi trả cho người bệnh từ quỹ này. Tất cả là để phục vụ người bệnh và phải đặt quyền lợi của người dân lên trên hết.

Cập nhập /Thứ sáu, ngày 23/12/2022 - 18:41/An Hà-Lê Nguyễn/https://nhandan.vn/

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...