Thứ bảy, 20/04/2024, 22:45 [GMT+7]

Quyết liệt thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Thứ hai, 21/03/2022 - 09:49'
Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, tính đến hết tháng 2/2022, số người tham gia BHXH là trên 16,3 triệu người (đạt 33% LLLĐ), số người tham gia BH thất nghiệp là trên 13,4 triệu người (đạt 26,7% LLLĐ) và trên 84,67 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đạt tỷ lệ bao phủ 85,56% dân số.

Tính trên toàn quốc, số tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyên, BH thất nghiệp đều có mức tăng so với cùng kỳ năm 2021 với mức tăng lần lượt là 1,14%; 16,2% và 1,02%. Riêng số người tham gia BHYT dù tăng 499,1 nghìn người so với tháng 1/2021, tuy nhiên vẫn giảm 4,16 triệu người so với hết năm 2021.

Tổng hợp báo cáo từ các địa phương cho thấy, nguyên nhân chính của tình trạng số người tham gia BHYT giảm sâu là do tác động của QĐ 861/QĐ-TTg (năm 2021 giảm 3,4 triệu người) nên nhiều người dân, đồng bào dân tộc thiểu số chưa có điều kiện tham gia lại; có khoảng 2,3 triệu học sinh sinh viên (HSSV) thẻ hết hạn chưa đóng tiền tham gia tiếp do chưa học trực tiếp tại trường; có khoảng 550.000 thẻ BHYT hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp thẻ hết hạn chưa đóng tiền tham gia do năm 2022 HĐND cấp tỉnh chưa ban hành nghị quyết hỗ trợ tiếp.

Cán bộ Bảo hiểm Xã hội huyện Nậm Nhùn tư vấn, giới thiệu quyền lợi bảo hiểm y tế cho người dân.

Tổng số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp lũy kế hết tháng 2/2022 là 54.649 tỷ đồng. Tổng số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 25.693 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 6% so với số phải thu (so với cùng kỳ năm 2021, số tiền nợ tăng 3.319 tỷ đồng, tỷ lệ nợ so với số phải thu tăng 2,6%).

Trong công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), đẩy mạnh việc chuyển đổi số, ngành BHXH Việt Nam cũng đã phối hợp, tham gia với Văn phòng Chính phủ thực hiện tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ đối với một số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành được tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công (DVC) Quốc gia. Rà soát, cập nhật, đồng bộ dữ liệu phục vụ theo dõi, đánh giá chất lượng giải quyết TTHC trên Cổng DVC Quốc gia. Tiếp tục mở rộng, cung cấp DVC trực tuyến mức độ 4 của ngành trên Cổng DVC Quốc gia; bổ sung, cung cấp dịch vụ, tiện ích, DVC trên ứng dụng VssID (đến hết tháng 2/2022, trên toàn quốc đã có gần 25 triệu tài khoản giao dịch điện tử cá nhân với cơ quan BHXH, đăng nhập và sử dụng ứng dụng VssID).

Trong thời gian dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, BHXH các tỉnh, thành phố đã tập trung vào một số giải pháp có hiệu quả tốt phát triển người tham gia như: nắm bắt tình hình hoạt động doanh nghiệp (DN) trên địa bàn để thông tin đến người lao động (NLĐ) tạm hoãn hợp đồng lao động (HĐLĐ), nghỉ việc không hưởng lương hoặc chấm dứt HĐLĐ quay trở lại làm việc, tiếp tục tham gia BHXH, BHYT; tích cực rà soát dữ liệu cơ quan thuế cung cấp để phát triển người tham gia; tăng cường các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành; thanh tra chuyên ngành đột xuất các đơn vị nợ đọng, không tham gia hoặc tham gia không đầy đủ; chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý đối với các đơn vị cố tình vi phạm; phối hợp, đôn đốc cơ quan tài chính chuyển tiền đóng, hỗ trợ đóng; tham mưu, đề xuất chính quyền địa phương tiếp tục trích tiền ngân sách mua thẻ BHYT cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; triển khai các giải pháp phát triển BHYT HSSV; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, hội nghị khách hàng để vận động, phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT.

Phát biểu tại Hội nghị giao ban tháng 3/2022, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu các đơn vị rà soát lại chỉ đạo của Chính phủ, lãnh đạo ngành để thực hiện như thành lập các tổ công tác thực hiện nhiệm vụ cấp bách như chỉ đạo của Chính phủ; rà soát kế hoạch năm 2022. Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong năm là phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, yêu cầu Ban quản lý Thu - Số thẻ chủ trì, tham mưu để lãnh đạo chỉ đạo nhiệm vụ này, có giải pháp đôn đốc giám sát; rà soát đối tượng tiềm năng, lượng hóa và giao nhiệm vụ cho các địa phương. Ban thực hiện chính sách BHXH, BHYT phải đưa ra các dự báo trong thời gian tới và có giải pháp thực hiện, tháo gỡ khó khăn; bám sát thực hiện giải quyết quyền lợi cho NLĐ mắc Covid-19.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông cần đẩy mạnh vào các nội dung tuyên truyền các chính sách mới cho người dân hiểu; thực hiện tốt công tác chăm sóc khách hàng. Ngoài ra, Trung tâm CNTT cần sớm đưa ra các giải pháp, đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ đúng tiến độ. Nghiên cứu, triển khai các nền tảng, giải pháp kỹ thuật mới phục vụ chuyển đổi số cho ngành BHXH Việt Nam, nhất là việc xây dựng hệ thống phân tích xử lý dữ liệu lớn (Big Data), áp dụng trí tuệ nhân tạo trong các hoạt động của ngành nhằm phục vụ tốt nhất quyền lợi đơn vị, doanh nghiệp và người dân. Tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm (BHXH Việt Nam được giao là đơn vị chủ trì xây dựng); tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu với các bộ, ngành; hoàn thiện, bổ sung các tính năng, tiện ích mới trên ứng dụng VssID- BHXH số...

B.T

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...