Thứ sáu, 29/03/2024, 21:55 [GMT+7]

Thiếu chế tài xử lý trục lợi bảo hiểm

Thứ hai, 26/09/2022 - 09:59'
Thực trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, đã tồn tại từ lâu. Đáng tiếc, cho đến nay vẫn chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý hành vi trục lợi này.

Người lao động cần được bảo vệ quyền lợi chính đáng.

Người lao động cần được bảo vệ quyền lợi chính đáng.


Doanh nghiệp chây ì, người lao động chịu thiệt

Mới đây, chị Đinh Phương Thảo đã gửi kiến nghị đến Bảo hiểm xã hội quận Cầu Giấy và Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội nhờ giúp đỡ về việc Công ty cổ phần Anh ngữ Apax (Hội sở Anh ngữ Apax English-số 14 Láng Hạ) nơi chị làm việc không đóng, chốt sổ bảo hiểm xã hội và thanh toán thai sản cho chị. Trong quá trình làm việc, chị Thảo luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Năm 2019, chị phát hiện Hội sở Anh ngữ Apax English vẫn trừ tiền bảo hiểm xã hội vào lương, nhưng lại không đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Chị Thảo bức xúc: "Rõ ràng, đây là chiêu trục lợi từ công sức của người lao động".

Trước đó, hơn 100 người khởi kiện Công ty cổ phần Ô-tô 1-5 (đóng tại huyện Đông Anh, Hà Nội) vì nợ lương, nợ bảo hiểm. Sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc, công ty đã khắc phục số tiền nợ bảo hiểm xã hội hơn ba tỷ đồng và chốt sổ cho 34 lao động. Tuy nhiên, đến nay, công ty tạm dừng lộ trình chốt sổ dù tiến độ chưa bảo đảm. Anh Nguyễn Văn Kiểm, có 20 năm làm việc tại Công ty cổ phần Ô-tô 1-5, mong mỏi: "Tôi bị tai nạn gãy xương sườn, tràn dịch màng phổi, đã khó khăn lại còn è cổ gánh chi phí điều trị do công ty nợ các khoản bảo hiểm. Để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, các cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm doanh nghiệp vi phạm, chỉ như vậy mới đủ sức răn đe các công ty khác nữa".

Điều đáng nói, tình trạng trên không phải cá biệt. Hiện số lượng doanh nghiệp nợ, trốn đóng các khoản bảo hiểm cho người lao động rất lớn. Ông Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội cho biết: Thực tiễn đi kiểm tra các doanh nghiệp và nắm bắt từ Công đoàn cơ sở cho thấy, thời gian qua nổi lên một số thủ đoạn phổ biến trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội như: lợi dụng cơ chế, chính sách còn kẽ hở; chế tài xử lý nợ chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động chưa nghiêm nên doanh nghiệp cố tình chây ì, trốn đóng hoặc chiếm dụng khoản tiền này của người lao động. Việc các công ty đóng các khoản bảo hiểm cho người lao động là trách nhiệm bắt buộc khi giao kết hợp đồng lao động. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, không ít công ty, doanh nghiệp đã có hành vi vi phạm pháp luật khi nợ hay "trốn đóng bảo hiểm xã hội", dẫn đến người lao động phải gánh chịu thiệt hại nhãn tiền, nhất là không nhận được trợ cấp thất nghiệp; không được bảo hiểm xã hội chi trả các chế độ như ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất.

Vướng do hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ

Vì sao cả chục năm qua, vấn đề nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội vẫn chưa được xử lý dù đã được "điểm mặt chỉ tên"? Thứ nhất, do mức xử phạt hành chính không đủ sức răn đe. Hiện mức xử phạt cao nhất đối với cá nhân đóng không đủ, chiếm dụng tiền bảo hiểm hiện là… 75 triệu đồng, trong khi khoản nợ có thể lên đến hàng tỷ đồng!? Thứ hai, cả hai công cụ (bao gồm: công đoàn kiện ra tòa và xử lý hình sự đối với doanh nghiệp nợ) hầu như không sử dụng được bởi sự không đồng bộ của hệ thống pháp luật. Việc khởi kiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc..., nên nhiều trường hợp người lao động đành chấp nhận không theo đuổi vụ việc nữa.


Luật sư Hoàng Văn Sản, Giám đốc Công ty Luật Tùng Sơn phân tích, hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Tại Luật Hình sự cũng có những chế tài cụ thể, nhưng trong thực tế hầu như không xử lý được trường hợp nào. Cơ quan tiến hành tố tụng nhận thức rằng, muốn xử lý hình sự phải chứng minh được doanh nghiệp trốn đóng. Trong khi đó, khi làm việc với cơ quan chức năng cũng như cơ quan tiến hành tố tụng, đơn vị sử dụng lao động cho rằng họ không trốn đóng mà chỉ chậm đóng và đưa ra nhiều lý do, rồi chỉ khắc phục một phần. "Cần làm rõ việc thế nào là chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Hoặc chậm đóng trong bao lâu thì coi như trốn đóng. Như thế mới kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp cố tình chây ì. Vì càng để lâu, việc khắc phục càng khó khăn, người lao động càng thiệt thòi", ông Sản nhấn mạnh. Cùng chung góc nhìn, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đưa ra quan điểm, nếu những vướng mắc trong các quy định trong Luật Tố tụng dân sự, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Bộ luật Lao động năm 2019 chưa được triển khai rốt ráo, việc giải quyết, ngăn ngừa tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội vẫn sẽ tiếp tục gặp khó khăn.

Từ góc độ của Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Phan Văn Mến cũng nhấn mạnh, muốn xử lý thật nghiêm minh các đơn vị có hành vi vi phạm, cần gỡ được những vướng mắc trong vấn đề xử lý hình sự các đơn vị trốn đóng bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh cũng là đơn vị chủ động ký kết cùng Công an TP Hồ Chí Minh quy chế phối hợp về thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm trục lợi từ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Từ góc độ bảo vệ quyền lợi của người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, trong định hướng sửa đổi các quy định pháp luật về khởi kiện cần tính đến việc giao nhiệm vụ khởi kiện cho Công đoàn cấp trên trực tiếp để tránh thế khó cho cấp cơ sở bởi họ không dễ đứng ra khởi kiện chính người chủ sử dụng lao động do lo ngại có thể sẽ bị trả thù, gây khó trong công việc, ảnh hưởng đến cuộc sống.

Được biết, mới đây, Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương đã chuyển hồ sơ 23 đơn vị nợ kéo dài sang cơ quan công an điều tra xử lý. Rõ ràng, sự chủ động và quyết liệt từ phía cơ quan bảo hiểm là cần thiết. Nhưng quan trọng hơn nữa, vẫn cần sự nhập cuộc của các cơ quan chức năng trong việc hoàn thiện luật và thực thi luật.

Theo Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội, bảy tháng năm 2022, trên địa bàn có 75.866 đơn vị, doanh nghiệp nợ với tổng số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là hơn 4.900 tỷ đồng. Cũng trong khoảng thời gian này, theo Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương, số doanh nghiệp nợ các khoản bảo hiểm là hơn 1.500 doanh nghiệp với tổng số tiền nợ hơn 220 tỷ đồng. Còn tại TP Hồ Chí Minh, có tới hơn 46.000 đơn vị nợ với tổng số tiền lên đến 3.873 tỷ đồng.

Cập nhật:Thứ sáu, ngày 16/09/2022 - 16:18/ Bài và ảnh: Diên Khánh - Bảo Du/https://nhandan.vn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...