Thứ bảy, 20/04/2024, 13:42 [GMT+7]

Đồn Biên phòng Huổi Luông đẩy mạnh tăng gia sản xuất

Thứ ba, 10/09/2019 - 21:10'
(BLC) - Những năm qua, cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Huổi Luông (huyện Phong Thổ) còn đẩy mạnh tăng gia sản xuất, góp phần cải thiện đời sống bộ đội, tạo ra những mô hình sản xuất hiệu quả, giúp bà con vùng biên giới học tập, áp dụng phát triển kinh tế, xóa nghèo bền vững. 

Chúng tôi về Huổi Luông vào một ngày trung tuần tháng 8, những cơn mưa cuối mùa đã bớt xối xả, song tuyến đường vào xã vẫn gồ ghề với những “sống trâu”, “ổ voi” khủng khiếp. Từ Quốc lộ 12, chúng tôi mất gần 2 giờ đồng hồ đánh vật với chiếc xe máy mới lên tới Đồn Biên phòng Huổi Luông. Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đặt chân lên khuôn viên của Đồn là 3 dãy nhà cấp IV được xây dựng khang trang với nhiều loại cây cảnh được bài trí khá hợp lý, bắt mắt. Phía bên phải cổng vào là hàng bưởi sai trĩu quả đang chờ ngày thu hoạch, đối diện là những bồn hoa được cắt tỉa khéo léo, đua nhau khoe sắc. Khu tăng gia sản xuất được quy hoạch phía sau Đồn. Nhưng muốn đến khu chăn nuôi đại gia súc thì phải đi bộ cách đơn vị đóng quân chừng 6,5km. Xe máy có thể đi được khi thời tiết khô ráo, có nắng to, song cũng mất gần 40 phút mới đến nơi.

cán bộ chiến sỹ

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Huổi Luông chăm sóc cây ăn quả.

Cùng chúng tôi thăm khu tăng gia sản xuất của đơn vị, Chính trị viên phó, Đại úy Lê Văn Bình cho biết: “Đồn Biên phòng Huổi Luông đóng quân trên địa bàn bản Pô Tô, xã Huổi Luông. Xã có 4 dân tộc anh em sinh sống, chủ yếu là Mông, Dao, Hà Nhì. Đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý và bảo vệ 13,015km đường biên giới với 9 điểm mốc. Vùng đất nơi đơn vị đóng quân chủ yếu là đất đồi, nhiều sỏi đá, có rất ít đất màu. Về mùa nắng hạn, nguồn nước để tưới cho cây trồng cũng rất khan hiếm. Giao thông thường bị chia cắt về mùa mưa lũ, công việc tiếp phẩm hết sức khó khăn, khiến giá thành thực phẩm khi tới Đồn tăng cao, nguồn thực phẩm không dồi dào, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm khó kiểm soát. Mặc dù chưa xảy ra ngộ độc thực phẩm nhưng chất lượng bữa ăn cho bộ đội bị ảnh hưởng rất nhiều. Vì vậy, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn xác định phải đẩy mạnh tăng gia sản xuất, chủ động nguồn thực phẩm tại chỗ, góp phần cải thiện bữa ăn cho cán bộ, chiến sỹ, phục vụ tốt nhiệm vụ tuần tra bảo vệ biên giới…”.

Theo đó, đơn vị đã huy động hàng trăm ngày công lao động của cán bộ, chiến sỹ, cải tạo đất sản xuất, xây dựng hệ thống vườn giàn, chuồng trại, đưa nước tưới đến tận nơi sản xuất. Tận dụng nguồn chất thải chăn nuôi để cải tạo đất, chăm sóc cây trồng, đơn vị đã xây dựng khu chăn nuôi lợn, gà, vịt…  sát với khu trồng trọt, đào hố để tích, ủ phân và đảm bảo vệ sinh môi trường. Cán bộ, chiến sĩ cũng chịu khó học hỏi kinh nghiệm, nghiên cứu các giống mới phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương để canh tác.

Với sự sáng tạo, cần cù của cán bộ, chiến sỹ trong Đồn, sau  nhiều năm nỗ lực cải tạo, các mô hình tăng gia sản xuất đã thành công. Hiện, đơn vị đã có vườn rau xanh rộng hơn 780m2, mùa nào rau nấy, quanh năm xanh mướt, đủ để cung cấp cho toàn đơn vị. Vừa khéo léo bắt sâu cho rau, chiến sỹ Lò Văn Tâm vừa nói, ngoài thời gian huấn luyện, tuần tra bảo vệ biên giới, chúng tôi cũng tích cực tham gia phong trào tăng gia sản xuất do đơn vị phát động. Qua đó, không chỉ nâng cao chất lượng bữa ăn, mà từ các mô hình còn tạo môi trường thuận lợi cho chiến sĩ là con em dân tộc thiểu số như chúng tôi tham khảo quy trình, kĩ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Để sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương sẽ triển khai và nhân rộng cho Nhân dân ở nơi cư trú.

Tích cực, chủ động khai thác tạo nguồn tại chỗ, đẩy mạnh phong trào tăng gia chăn nuôi, đến nay, đơn vị có 36 con trâu bò, 12 con dê, 25 con lợn, đàn gia cầm gà, ngan, vịt hơn 360 con. Duy trì đảm bảo rau xanh không phải nhập ngoài, góp phần đưa thêm vào bữa ăn cho bộ đội bình quân đạt 2.000 -2.500 đồng/ngày/người, đảm bảo định lượng bữa ăn cho bộ đội. Góp phần làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe bộ đội, duy trì quân số khỏe đạt 98,7%, bếp ăn đạt tiêu chuẩn bếp ăn khá.

Nhiều mô hình trồng chuối, ngô lai, lợn sinh sản, bò giống…đã thành công hơn mong đợi là cơ sở để cán bộ, chiến sỹ của Đồn thực hiện công tác hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cho bà con được dễ dàng và hiệu quả hơn. Nhiều hộ dân trong xã cũng học tập và phát triển chăn nuôi, trồng trọt theo phương pháp, kỹ thuật của cán bộ chiến sỹ bộ đội biên phòng, đã thoát nghèo, có gia đình trở nên khá giả. Điển hình như các hộ gia đình: Chẻo Phú Chin - bản Hoàng Trù Sào, Giàng A My - bản Pô Tô, Phàn San Heng - bản Chang Hỏng 1, Phàn Chỉn Mìn - bản Na Sa Phìn… cho thu nhập ổn định từ 50 đến 110 triệu đồng/năm từ chăn nuôi gia súc và trồng chuối.

Rời Đồn Biên phòng Huổi Luông khi ánh nắng chiều đã khuất sau triền núi, trong tôi lan tỏa một niềm vui, bởi ở một nơi thiên nhiên khắc nghiệt, tưởng như chỉ có nắng và gió này lại có một khu tăng gia thật đẹp, thật quy mô… Cảm phục ý chí, sự cần cù, chịu khó của các cán bộ, chiến sĩ nơi đây, chúng tôi tin, các anh không chỉ bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới Quốc gia trong mọi tình huống, mà còn là đội quân lao động sản xuất giỏi, đảm bảo “thực túc, binh cường”, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

 

Trần Thắng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...