Thứ sáu, 19/04/2024, 07:09 [GMT+7]

Đánh thức những mảnh đời lầm lỗi

Thứ hai, 16/07/2012 - 10:30'
(BLC) - Mỗi người một tội danh, một mức án khác nhau nhưng cùng cải tạo, chấp hành án và làm lại cuộc đời sau song sắt. Khi tái hoà nhập cộng đồng, đa phần họ đều chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, nhà nước. Nhiều người trong số họ còn trở thành những tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi.

Tính Seo Sử ở bản Noong Luông, xã Bình Lư, huyện Tam Đường là một điển hình cụ thể. Năm 1998 anh bị bắt vì tham gia vào một vụ mua bán trái phép chất ma tuý và đã bị Toà tuyên phạt 15 năm tù giam.

Một buổi lao động cải tạo của các nữ phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại Trại giam Công an tỉnh.

Hối hận về những sai lầm đã phạm phải, trong thời gian thi hành án, anh luôn cố gắng cải tạo tốt. Nhờ đó anh được giảm án nhiều lần, đến tháng 9/2010 anh được hưởng đặc xá và trở về địa phương.

Dưới sự theo dõi sát sao, tận tình giúp đỡ của chính quyền, công an địa phương và sự động viên chia sẻ, đùm bọc của bà con trong bản, sau khi ra tù Tính Seo Sử bắt đầu làm lại cuộc đời. Bắt tay vào làm kinh tế với số vốn ít ỏi vay được từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Tính Seo Sử đã nhanh chóng vươn lên thoát nghèo từ sự nỗ lực không ngừng của bản thân. Hiện nay, bình quân mỗi năm, thu nhập của gia đình anh từ việc chăn nuôi, trồng rừng kinh tế cũng ngót trăm triệu đồng. Nhờ đó mà con cái anh cũng bớt khổ hơn trong cái ăn cái mặc.

Chia sẻ với chúng tôi anh Sử cho biết: Nếu không có sự giáo dục, cảm hoá của các giám thị Trại giam Công an tỉnh, sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và bà con lối xóm thì cuộc đời của anh giờ chưa biết trôi dạt về đâu…

Cũng như Tính Seo Sử, ông Hà Văn Tuấn ở tổ 5, phường Tân Phong cũng từng phải lĩnh án tù vì tội danh buôn bán tiền giả. Mãn hạn tù trở về, ông cũng nhận được sự giúp đỡ tận tình của chính quyền, công an cơ sở; sự động viên chia sẻ của gia đình và bà con trong tổ dân phố đã giúp ông làm lại cuộc đời.

Nghĩ đến những ngày tháng cải tạo trong tù và ân hận vì những việc làm của mình, ông Tuấn đã quyết tâm vươn lên làm giàu chính đáng từ chính sức lao động của mình.

Từ những nỗ lực cố gắng của bản thân, gia đình ông Tuấn đã nhanh chóng thoát nghèo và vươn lên làm giàu với thu nhập bình quân trên 150 triệu đồng/năm từ ao cá, đồi chè và đàn bò trên hai chục con

“Hiện gia đình ông Tuấn là một trong những nông dân điển hình của tổ dân phố số 5 về làm kinh tế giỏi và chấp hành tốt chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, nhà nước và của phường” – Bà Nguyễn Thị Xoè - Tổ Trưởng tổ dân phố số 5 nhận xét.

Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát Thi hành án Hình sự và Hỗ trợ Tư pháp (PC81) Công an tỉnh, từ năm 2004 đến hết năm 2011 có gần 1.500 phạm nhân được đặc xá và chấp hành xong án tù. Cơ bản các phạm nhân sau khi tái hoà nhập cộng đồng đều chấp hành tốt các chính sách pháp luật của nhà nước; sống tốt hơn tại nơi cư trú. Ngoài ra, còn có rất nhiều người mãn hạn tù trở về với gia đình đã trở thành những tấm gương điển hình, mẫu mực trong cuộc sống và làm kinh tế giỏi.

Đó là đối với những người được đặc xá và chấp hành xong án phạt tù, còn đối với các phạm nhân đang trong quá trình cải tạo, họ cũng được cán bộ, giám thị trại giam giáo dục thường xuyên về chính sách pháp luật, các vấn đề xã hội, tư tưởng, đạo đức lối sống… với mục đích giúp họ cải tạo tốt hơn, khi được ra tù, trở về sẽ hoà nhập tốt hơn với cộng đồng.

Trò chuyện với phạm nhân Nguyễn Xuân Phong – sinh năm 1993 ở thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường (đang chấp hành án phạt tù tại Trại giam Công an tỉnh) chúng tôi được biết: Do thiếu hiểu biết nên Phong đã mang cây cần sa về trồng và bán cho một số bạn bè sử dụng. Phong bị bắt và bị phạt 24 tháng tù giam. Nhờ có sự giáo dục nghiêm khắc cùng với sự quan tâm giúp đỡ của cán bộ Trại giam nên Phong đã hiểu những việc mình làm là sai, trái pháp luật. Phong bảo: “Bây giờ em rất ân hận về việc mình đã làm. Thương bố mẹ, em sẽ cố gắng cải tạo tốt để sớm được ra tù, về nhà làm lại cuộc đời để bố mẹ em không phải buồn và lo lắng nhiều vì em nữa…”.

Không chỉ Nguyễn Xuân Phong mà những phạm nhân khác khi được hỏi đều cho biết, trong quá trình cải tạo họ được giáo dục rất kỹ về chính sách pháp luật, các vấn đề xã hội, tư tưởng, đạo đức lối sống; đồng thời được cập nhật thông tin thời sự hàng ngày… điều này sẽ giúp họ dễ hoà nhập hơn với cộng đồng hơn khi ra tù.

Đại Nguyễn Đức Viết – Phó Giám thị Trại giam Công an tỉnh: “Trong suốt thời gian cải tạo, các phạm nhân sẽ được học tập các chuyên đề về pháp luật, môi trường; tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… vào tối thứ bảy hàng tuần. Ngoài ra, các phạm nhân còn được đọc báo, nghe, xem thời sự, hàng ngày. Trước khi được ra tù 3 tháng các phạm nhân sẽ được trang bị những kiến thức, thông tin cơ bản của cuộc sống, xã hội. Như vậy, khi trở về địa phương họ sẽ hoà nhập với cộng đồng nhanh hơn, làm lại cuộc đời và sống tốt hơn, thực hiện tốt các quy định của pháp luật…".

Lâm Trần

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...