Thứ sáu, 26/04/2024, 04:53 [GMT+7]
Bài dự thi về công tác dân vận:

Xứng danh người chiến sỹ Công an Nhân dân

Thứ sáu, 17/01/2020 - 23:44'
(BLC) - Sở hữu một bản thành tích khá dày dặn khi tuổi đời, tuổi nghề còn rất trẻ: 2 lần được Chủ tịch nước tặng Huy chương Chiến sỹ vẻ vang Hạng Nhì, Ba; 3 lần được Bộ trưởng Bộ Công an, Tổng Cục Chính trị Công an Nhân dân tặng Bằng khen có nhiều thành tích trong sự nghiệp Bảo vệ an ninh Tổ quốc; cùng nhiều danh hiệu cao quý khác được Tổng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, Giám đốc Công an tỉnh, huyện, UBND huyện trao tặng… Song trong câu chuyện với chúng tôi, Trung úy Lý Phùy Chóng - Phó Đồn trưởng phụ trách Đồn Công an Nậm Ngà (Công an huyện Mường Tè) vẫn khiêm tốn nói: “Tôi chỉ đang cố gắng làm tốt nhất vai trò của người chiến sĩ Công an Nhân dân, để xứng đáng với bộ sắc phục mình đang mặc, đặc biệt là niềm tin yêu, quý trọng của Nhân dân cũng như đồng đội dành cho mình”.

Trung úy Lý Phùy Chóng sinh năm 1986, trong một gia đình có 2 anh em tại xã Mù Cả, huyện Mường Tè. Bố làm trong ngành Công an, những tưởng số phận của cậu bé Chóng sẽ may mắn hơn bạn bè cùng trang lứa, nhưng khi Chóng lên 3 tuổi, trong một lần đi đón đồng chí Trưởng Công an huyện Mường Tè (ngày ấy phương tiện di chuyển không thuận tiện, giao thông cách trở, nên phần lớn phải sử dụng ngựa để ra trung tâm tỉnh). Trên đường đi, ngựa bị ong đốt, bố Chóng đã tìm mọi cách để bảo vệ ngựa - tài sản của cơ quan. Sau đó, chính ông đã bị ong đốt và mất trong quá trình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đồi Cao (tỉnh Lai Châu cũ) - nay là thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên.

Mẹ đi bước nữa, cậu bé Lý Phùy Chóng và người em trai về ở với ông bà nội. Ông bà già yếu, tuổi thơ của Chóng thật nhiều cơ cực khi ngày ngày phải lao động vất vả, phụ giúp ông bà lo miếng cơm cho bản thân và em trai. Vốn là câu bé thông minh, hiếu học, lại nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương và nhà trường, Chóng cố gắng học thật giỏi và thi đỗ vào Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện. Mặc dù thiếu bàn tay chăm sóc, sự thương yêu, dạy dỗ của cha mẹ, nhưng cậu bé Lý Phùy Chóng đã sớm hiểu và biết chấp nhận hoàn cảnh, vượt qua khó khăn, luôn ấp ủ mơ ước trở thành người chiến sỹ Công an Nhân dân để nối nghiệp người cha thân yêu của mình.

Dẫu hy sinh cũng không khoan nhượng với tội phạm

Năm 2001, cậu bé Lý Phùy Chóng tốt nghiệp cấp 2 tại trường Phổ thông dân tộc Nội trú huyện Mường Tè, sau đó trúng tuyển vào Trường THPT dân tộc Nội trú tỉnh. Nhưng do điều kiện hoàn cảnh quá khó khăn, cậu bé Chóng phải bỏ học ở nhà phụ giúp ông bà. Đến tháng 2 năm 2002, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cậu bé Chóng đã sẵn sàng nhập ngũ, thực hiện nghĩa vụ quân sự, huấn luyện 4 tháng tại Trường T45 - Bộ Công an (nay là Trường Trung cấp Cảnh sát vũ trang). Hết khóa huấn luyện, Chóng về nhận công tác tại Phòng Cảnh sát Cơ động - Công an Lai Châu (cũ). Cũng trong thời gian này, Chóng đã xin lãnh đạo đơn vị hoàn thiện chương trình cấp 3 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Điện Biên.

1

Trung úy Lý Phùy Chóng tuyên truyền vận động bà con xã Tà Tổng chung tay cùng lực lượng công an đấu tranh phòng chống các loại tội phạm.

Năm 2004, thực hiện việc điều chỉnh địa giới hành chính, chia tách tỉnh Lai Châu thành 2 tỉnh Điện Biên – Lai Châu, Chóng nhận công tác Phòng Cảnh sát Cơ động - Công an tỉnh Điện Biên. Với sự nỗ lực phấn đấu của bản thân, năm 2005, anh được chuyển chuyên nghiệp. Cũng trong thời gian đó, ông bà ngày càng yếu, trụ cột gia đình trông chờ nhiều vào anh, nên đến năm 2007, anh viết đơn xin được chuyển công tác về quê hương Mường Tè, tiện chăm sóc ông bà và em trai, nhận công tác tại Đội Điều tra hình sự - Công an huyện Mường Tè, anh đã phát huy hết năng lực và điều kiện thuận lợi, cùng đồng đội thực hiện nhiều chuyên án đấu tranh phòng chống tội phạm.

Năm 2013, anh được Ban Giám đốc Công an tỉnh tạo điều kiện cho đi học nâng cao trình độ, anh thi đỗ Học viện An ninh Nhân dân. Tranh thủ mọi lúc mọi nơi, anh vừa thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, vừa chăm chỉ học tập. Học đi đôi với hành, tích cực nghiên cứu, áp dụng những kiến thức học được trên giảng đường, vừa linh hoạt vận dụng vào thực tiễn địa phương công tác, anh cùng đồng đội liên tục lập chiến công, được Ban lãnh đạo đơn vị ghi nhận.

Những câu chuyện phá án nơi địa đầu Tổ quốc qua giọng kể trầm ấm của Trung úy Chóng đã giúp chúng tôi hình dung được phần nào công việc của anh cùng đồng đội. Không chỉ là những pha truy bắt tội phạm ma túy nguy hiểm, mà còn có cả sự hy sinh, mất mát khi tiếp cận với những đối tượng truy nã… Song chuyên án bắt đối tượng truy nã Mào Văn Loan - có tiền sự trộm cắp tài sản và mua bán ma túy tại bản Mường Mô, xã Mường Mô, huyện Mường Tè đã để lại trong chúng tôi nhiều cảm xúc nhất. Loan là người địa phương không chỉ thông thạo địa bàn, mà còn được sự hỗ trợ giúp đỡ của người thân trong dòng họ, nên đã khiến anh cùng đồng đội đã phải đổ máu để phá thành công chuyên án.

Được sự phân công của lãnh đạo, Trung úy Chóng cùng các trinh sát hình sự bám sát tuyến, địa bàn để nắm tình hình, lần theo dấu vết của đối tượng. Nhờ gần gũi, gắn bó, nên anh được bà con tận tình giúp đỡ, cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị. Với quyết tâm triệt phá bằng được nhóm tội phạm nguy hiểm, trong gần 2 tháng trời, Trung úy Chóng cùng các đồng đội quên ăn, quên ngủ theo dõi, tuần tra, đồng thời phân tích, tìm hiểu quy luật hoạt động của chúng.

Nhận định đối tượng hoạt động với thủ đoạn rất tinh vi, thường có người đi trước cảnh giới, hỗ trợ đồng bọn ra tay, rất khó truy bắt, các thành viên trong đội vừa tăng cường tuần tra, vừa tổ chức chốt chặn trên nhiều tuyến đường, khu vực. Sau nhiều nỗ lực,  các anh đã phát hiện ra dấu vết của Loan, đó cũng là lúc đối tượng Loan phát hiện ra lực lượng công an đang cải trang nằm vùng. Trong cuộc chiến đấu quyết liệt với đối tượng Loan, Trung úy Lý Phùy Chóng đã bị Loan dùng dao nhọn đâm trọng thương, đứt 4 khúc ruột non và thủng bắp tay trái… Ngay sau đó, anh được đồng đội đưa về Trạm Y tế xã sơ cứu và chuyển thẳng ra Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Gần 1 tháng điều trị anh đã hồi phục sức khỏe và trở về nhà nhưng anh đã vĩnh viễn mất 35% sức khỏe. Trong chuyên án đó, nhờ sự thông minh, mưu trí, sẵn sàng đối mặt với cái chết của anh cùng đồng đội, đối tượng buộc phải tra tay vào còng, song nhiều đồng đội của anh cũng có người bị thương phải điều trị tại Trung tâm Y tế huyện. Nỗi đau và sự mất mát ấy không gì có thể bù đắp được, nhưng với những người chiến sỹ công an nơi thượng nguồn sông Đà, điều đó sẽ chẳng là gì khi đối tượng phạm tội, các vụ án hình sự phức tạp được điều tra làm rõ, người dân được sinh sống và làm việc trong môi trường bình yên.

Liên tục cùng đồng đội tham gia nhiều vụ án nghiêm trọng, trực tiếp truy bắt nhiều tên tội phạm nguy hiểm, manh động, luôn thủ sẵn vũ khí trong người, anh đã góp phần cùng đồng đội lập nhiều thành tích xuất sắc. Và hôm nay, trong con mắt của đồng đội, đặc biệt là lớp đàn anh, anh vẫn là người lính trẻ giỏi và rất ham học hỏi, không ngại gian khó, nguy hiểm. Nhận xét về Trung úy Lý Phùy Chóng, Trung tá Pờ Anh Viễn - Phó trưởng Công an huyện Mường Tè chia sẻ, Trung úy Chóng là người rất ham học hỏi, ngoài giờ làm theo quy định, những ngày lẽ ra được nghỉ, Chóng thường hăng hái xung phong tham gia công tác cùng các trinh sát đàn anh học tập, tích lũy thêm kinh nghiệm. Mặc dù đã được điều động công tác tại Đồn Công an Nậm Ngà, song với những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, anh vẫn được lãnh đạo Công an huyện trưng tập tham gia. Gần đây nhất, Trung úy Chóng cùng đồng đội đã phá thành công 2 vụ án đặc biệt nghiêm trọng khi truy bắt đối tượng Lý Cá Lòng và Mạ Mạ Xá về hành vi giết người, cướp tài sản xảy ra tại xã Tá Bạ.

Không chỉ mưu trí, dũng cảm trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, anh còn tích cực tham gia các hoạt động bề nổi do cơ quan, Đoàn thanh niên tổ chức. Với năng khiếu và sự nhiệt tình của tuổi trẻ, Chóng đã đem về nhiều thành tích cho các hoạt động đoàn thể của cơ quan. Chính nhờ tinh thần chịu khó học hỏi, chút năng khiếu bẩm sinh và không ngại khó khăn gian khổ ấy nên anh luôn được các đồng đội tin tưởng, yêu mến.

Người con của bản làng

Năm 2015, anh được cấp trên điều động nhận nhiệm vụ tại Đồn Công an Nậm Ngà. Mặc dù cách trung tâm huyện chừng 70km nhưng con đường vào xã cũng lắm gian nan. Đứng chân trên vùng đất được coi là “thủ phủ” của cây anh túc (cây thuốc phiện), nên ngay sau khi nhận nhiệm vụ Trung úy Lý Phùy Chóng đã nhanh chóng tiếp cận địa bàn. Gắn bó với bà con bằng tình cảm và trách nhiệm của người chiến sỹ công an, anh đã huy động được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong cuộc chiến chống  ma túy.

Trong câu chuyện với anh, chúng tôi được biết, ngày anh về nhận nhiệm vụ ở Công an huyện, mỗi khi có chuyến công tác tại xã Tà Tổng, anh thường ở cả tuần bởi đường xá khó đi hơn bây giờ nhiều. Cây anh túc cũng được treo trên mái nhà hay gác bếp của không ít hộ người Mông ở bản Nậm Dính, Nậm Ngà… Bà con tích trữ cả hạt giống cây thuốc phiện để dành cho mùa gieo năm sau. Tập quán này xuất phát từ việc, đồng bào ở đây từ xa xưa đã tin rằng, thân, hoa và nhựa của cây thuốc phiện là một loại “thần dược”, đem ngâm rượu uống có thể chữa được nhiều bệnh như viêm khớp, đau bụng kinh niên, viêm tá tràng... Sử dụng nhiều thành quen và người dân đã bị lệ thuộc từ đó. Khi lực lượng chức năng ra quân phá nhổ, nhiều hộ lại vào rừng sâu, hiểm trở hay nơi giáp ranh giữa xã với các địa bàn lân cận tái trồng cây thuốc phiện để tự đáp ứng những cơn nghiện của bản thân và các thành viên trong gia đình.

Chính vì vậy, ngay sau khi được phân công công tác tại Đồn, anh xác định, phải xóa bỏ bằng được ma túy trên địa bàn xã mới ngăn chặn được nguồn cung và giảm các loại tội phạm liên quan đến ma túy. Việc làm đầu tiên là anh cùng cán bộ chiến sỹ công an đến từng bản điều tra, rà soát lại hộ nghiện để có biện pháp kiểm soát, giúp đỡ cắt cơn, cai nghiện. Tuyên truyền vận động để bà con chung tay cùng lực lượng công an xóa bỏ cây thuốc phiện trên địa bàn. Sau hơn 1 tháng trời rà soát, cả xã có hơn 200 người nghiện ma túy. Những hộ có người sử dụng ma túy hầu hết là hộ nghèo, đời sống đặc biệt khó khăn. Điều đáng nói là trong số những người nghiện ở xã Tà Tổng có rất nhiều người là phụ nữ. Vì nhiều lý do, hoàn cảnh gia đình, vì cám dỗ, vì “của nhà trồng được” mà họ trở thành người nghiện. Nhưng họ đều có điểm chung là biến mình thành nô lệ của khói thuốc trắng. Với trách nhiệm và sự chân thành, anh đã cùng ăn, cùng ở, cùng nói tiếng dân tộc với bà con. Từ đó, tuyên truyền vận động bà con tác hại của ma túy - chỉ có thể từ bỏ ma túy mới có cơ hội làm lại cuộc đời…

Cuối năm 2014, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế huyện triển khai cơ sở cấp phát thuốc thay thế methadone cho người nghiện tại Trạm Y tế xã. Sẵn có danh sách người nghiện vừa thống kê, anh lại đến từng nhà, từng đối tượng vận động họ đi cai nghiện. Nhiều người ban đầu còn e ngại và không tin tưởng, nhưng sau khi nghe anh giải thích, thấy các bạn mình đã kiểm soát được ma túy, sức khỏe dần ổn định và có thể chăm lo phát triển kinh tế gia đình, họ đã làm theo. Trong gần 200 người nghiện ở xã thì có hơn 100 người nghiện tham gia điều trị cai nghiện bằng thuốc thay thế methadone. Các bệnh nhân tham gia cai nghiện đều đã được tư vấn kỹ lưỡng cũng như thấm thía tác hại của việc “nghiện ngập”, cho nên đều tuân thủ đúng nguyên tắc của việc sử dụng thuốc. Hiệu quả sau dùng methadone rất rõ rệt, chỉ từ 1 - 2 tuần uống thuốc đều đặn hầu hết số người nghiện đã giảm liều, nhiều người mới nghiện thuốc phiện vài năm thì dừng hẳn.

Chúng tôi ghé thăm gia đình anh Đinh Văn Quy ở bản Nậm Dính - một trong những người cai nghiện thành công ma túy chia sẻ, tôi nghiện ma túy từ năm 1993. Ngày ấy, do bị ốm nên một số hộ khuyên tôi sử dụng ma túy sẽ mau khỏi, tôi đã làm theo. Lúc đầu mới dùng thấy khỏe ra hẳn, sau cứ thấy thèm và nghiện lúc nào không hay. Sau khi nhà nước không cho trồng, tôi phải lấy đồ trong nhà, lén đổi cho các hộ trong xã lấy thuốc phiện về sử dụng, Khi không có thuốc tôi không kiểm soát được bản thân, bỏ bê việc ruộng nương, tìm mọi cách để có thuốc sử dụng. Vợ chồng nhiều lần xô xát, con cái nheo nhóc, cuộc sống thiếu thốn đủ bề. Nhiều lúc tôi đã định ăn lá ngón tự vẫn. Năm 2018, anh Chóng đến nhà động viên tôi đi cai nghiện ma túy bằng thuốc thay thế methadone. Tôi như người chết đuối vớ được cọc, không ngại đường xá xa xôi, ngày ngày tôi đến uống thuốc đều đặn. Anh Chóng cùng anh em trong Đồn giúp vợ chồng tôi sửa lại nhà cửa, động viên gia đình tôi tích cực lao động sản xuất. Giờ đây, tôi đã bỏ được ma túy làm lại cuộc đời. Dẫu cuộc sống vẫn còn khó khăn, nhưng chúng tôi đã có cái ăn cái mặc, con cái được đến lớp, đến trường... Tôi sẽ không bao giờ sử dụng lại ma túy nữa.

Cùng với những gian nan, vất vả tổ chức cai nghiện cho người nghiện trên địa bàn, hành trình phá nhổ cây thuốc phiện ở xã Tà Tổng cũng trở thành những kỷ niệm khó quên đối với Trung úy Chóng. Là loại cây cấm nên cây thuốc phiện thường được bà con trồng ở những vùng núi cao, khó phát hiện hoặc được trồng xen kẽ với rau cải. Không chỉ trực tiếp kiểm tra, lực lượng công an Đồn Nậm Ngà đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng để vận động Nhân dân trong các bản cùng rà soát, xác định các địa bàn, khu vực có khả năng trồng cây thuốc phiện và xử lý nghiêm không để phát sinh ra các địa bàn khác.

Năm 2017, nhận được thông tin từ người dân về nương thuốc phiện được trồng trên núi cao Là Pù, Là Lai (thuộc khu vực bản Cao Chải). Bà con làm nương và sử dụng thuốc phiện tại chỗ. Anh xác định, dù đường xa, khó đi đến mấy cũng phải triệt phá bằng được để không còn những nỗi buồn đau mang tên ma túy. Gần 2 ngày trời đi bộ, khi đến được nương thuốc phiện, anh cùng đồng đội tiếp cận tuyên truyền về tác hại của ma túy và khuyên nhủ các gia đình nên nhổ cây thuốc phiện để trồng cây khác, nhưng không phải ai cũng đồng ý ngay, có hộ còn chống cự đến cùng. Với sự kiên trì bám bản, vừa tuyên truyền, giải thích, vừa áp dụng các biện pháp nghiệp vụ… anh đã cùng đồng đội xóa bỏ toàn bộ 55.200m2 diện tích cây thuốc phiện trên địa bàn bản.

Đến nay, trên địa bàn xã hầu như không còn cây thuốc phiện, tỷ lệ người nghiện cũng giảm đáng kể. Tà Tổng cơ bản ra khỏi xã trọng điểm về ma túy. Thành tích ấy có sự đóng góp không nhỏ của Trung úy Lý Phùy Chóng. Song trong câu chuyện với chúng tôi, anh đều nói, mỗi thành tích đều có sự đóng góp to lớn của bà con. Nhờ Nhân dân chủ động phối hợp, cung cấp những nguồn thông tin giá trị đã giúp đơn vị rút ngắn hành trình thoát khỏi địa bàn ma túy, tạo những bước chuyển cơ bản, tiến tới xóa đói giảm nghèo.

Luôn trăn trở với những mảnh đời nghèo khó

Theo lời giới thiệu của Công an huyện Mường Tè, chúng tôi tìm đến thăm bà Lý Pé Xạ - bản Nậm Hạ B, xã Kan Hồ. Nghe bà kể về Trung úy Chóng chúng tôi càng thêm cảm phục và trân trọng anh hơn. Năm 2011, con gái bà là chị Lý Mó De bỗng nhiên xuất hiện u to bên trái mặt. Khối u mỗi ngày một lớn, nhưng do nhà nghèo không có điều kiện chuyển tuyến, nên bà đành để con gái chịu đựng nỗi đau và sống trong mặc cảm dị tật. Chuyến công tác về cơ sở năm đó, vô tình anh được chứng kiến, sự ám ảnh day dứt đã thôi thúc anh phải làm điều gì đó cho cô gái này. Cuối cùng anh đã viết tâm thư gửi một người bạn công tác tại Kênh truyền hình ANTV – Truyền hình Công an Nhân dân (anh quen trong các lần về dự Hội nghị điển hình tiên tiến ở Hà Nội). Anh nhờ người bạn đó kết nối với các nhà hảo tâm xin phẫu thuật miễn phí. Nhận được sự đồng ý của các nhà hảo tâm, sự nhiệt tình giúp đỡ của Bệnh viện 198 - Bộ Công an và Bệnh viện 108 - Bộ Quốc phòng, gần một tuần anh làm các thủ tục hồ sơ, bản thuyết trình để chị De được hỗ trợ phẫu thuật. Sau khi phối hợp với Trung tâm Y tế huyện thăm khám, Bệnh viện chuyển trường hợp của chị Lý Mó De về Bệnh viên 198 - Bộ Công an phẫu thuật, khối u nặng gần 2kg, nhưng điều đáng nói là để chậm chừng 1 tuần nữa khối u có thể biến chứng gây tử vong.

Nhờ sự giúp đỡ, kết nối của anh Chóng, ngoài chi phí phẫu thuật, chị De còn được hỗ trợ tiền ăn, đi lại… và được trở lại cuộc sống đời thường. Hiện nay, chị đã đi xuất khẩu lao động tại một Công ty ở Hà Nội, là trụ cột của cả gia đình nên hàng tháng chị vẫn gửi tiền về cho bố mẹ nuôi các em. Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Lý Pé Xạ luôn nhắc đến anh Chóng với niềm tin yêu quý trọng. Bà bảo, nếu không có sự giúp đỡ của anh Chóng thì bà đã mất đứa con gái mà bà rất yêu thương, bà coi Chóng không chỉ là ân nhân mà còn là người con của gia đình bà.

Nhận xét về Trung Lý Phùy Chóng, đồng chí Sùng A Chứ - Bí thư Đảng ủy xã khẳng định, anh Chóng không chỉ là “người con” mà còn là ân nhân của nhiều người dân trong và ngoài xã. Với cương vị là phụ trách Đồn, tranh thủ những ngày nghỉ anh Chóng thường cùng cán bộ chiến sỹ về cơ sở, không chỉ tuyên truyền bà con thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, xóa bỏ cây thuốc phiện… các anh còn giúp bà con, đặc biệt các hộ khó khăn, gia đình chính sách lao động sản xuất, thu hoạch lúa, ngô trong những ngày mùa. Các dịp lễ, tết… anh còn tham mưu cho Ban lãnh đạo Công an huyện, cấp ủy chính quyền xã tổ chức thăm hỏi, tặng quà các hộ khó khăn, gia đình chính sách trong xã.

Với phương châm, dựa vào dân để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nên anh luôn dành tình cảm chân thành, đặc biệt cho bà con. Vì thế, ở vị trí công tác nào anh cũng luôn quan tâm, chăm lo tới các hoàn cảnh khó khăn, yếu thế trong xã hội. Chính vì vậy, ngoài những tấm bằng khen, giấy khen cho các thành tích công tác chuyên môn, anh còn vinh dự nhận Bằng khen của của Tổng cục Trưởng Tổng cục chính trị Công an Nhân dân vì đã có nhiều thành tích trong công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng và hoạt động đền ơn đáp nghĩa trong công an Nhân dân (giai đoạn 2012 – 2017)…

Chia tay Trung úy Lý Phùy Chóng khi ánh nắng cuối chiều đã khuất sau triền núi, khói lam chiều lan tỏa trên từng nếp nhà ngõ bản. Chúng tôi mang theo niềm tin sâu sắc về anh, tình yêu nghề với “trái tim nóng” luôn cháy hết mình với công việc sẽ giúp anh gặt hái nhiều thành công hơn nữa trên con đường anh đã chọn. Để những phần việc anh cùng đồng đội đã làm, không chỉ đem lại cuộc sống bình yên cho người dân nơi thượng nguồn sông Đà, mà còn tô thắm thêm hình ảnh đẹp người chiến sĩ công an Nhân dân: bản lĩnh, nhân văn, vì nước quên thân, vì dân phục vụ.

Phương Lan

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...