Thứ tư, 24/04/2024, 14:15 [GMT+7]

Bệnh viện đa khoa tỉnh: Giảm thủ tục trong khám, chữa bệnh

Thứ sáu, 11/10/2013 - 10:10'
(BLC) – Nhờ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đặc biệt áp dụng phần mềm quản lý tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh nên các thủ tục khám, chữa bệnh đã được triển khai thông suốt, không có tình trạng bệnh nhân phải chờ lâu hay ách tắc tại bất cứ khâu nào.

Những năm trước cứ vào thời điểm giao mùa là thời điểm Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận khá nhiều người dân đến khám chữa bệnh. Việc làm thủ tục nhập viện và chuyển viện trước đây chiếm nhiều thời gian của người dân cũng như y tá, bác sỹ, song tình trạng này đến nay đã được khắc phục triệt để. Bác sỹ Đỗ Văn Giang – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Trung bình mỗi ngày bệnh viện khám chữa bệnh cho 300 bệnh nhân, số bệnh nhân phải điều trị nội trú từ 30 – 50 người/ngày, trong đó bệnh nhân cấp cứu khoảng 20 người. Là Bệnh viện miền núi nên bệnh nhân là người dân tộc thiểu số chiếm số đông. Những bệnh nhân này thường không biết đọc, biết viết. Còn cán bộ hưu trí thường không nắm được các quy trình khám chữa bệnh trong bệnh viện. Sau khi tìm hiểu về phần mềm quản lý bệnh viện, chúng tôi thấy có rất nhiều tiện ích cho người quản lý, bác sỹ cũng như bệnh nhân. Nên từ năm 2012, Bệnh viện đã triển khai áp dụng phần mềm quản lý”.

Phòng Tiếp đón bệnh nhân nhập thông tin của người bệnh trên hệ thống và chuyển đến các phòng khám chuyên khoa.

Cũng theo ông Giang thì từ khi áp dụng phần mềm quản lý, lãnh đạo bệnh viện có thể kiểm tra toàn bộ dữ liệu chuyên môn từ tổng quát đến chi tiết hồ sơ của mỗi người bệnh, nắm rõ được số người khám, nhập viện, chuyển viện mỗi ngày cũng như số lượng thuốc cho người bệnh điều trị ngoại trú, nội trú. Tình trạng người dân khám sức khỏe không làm đủ các thủ tục ở các phòng khám không còn xảy ra.

Sau 2 năm triển khai, cán bộ công chức của bệnh viện đã sử dụng thành thạo phần mềm quản lý bệnh viện. 100% các phòng, khoa đều được trang bị máy vi tính kết nối mạng lan để thuận tiện cho việc cập nhật dữ liệu. Điều dưỡng Bùi Thị Phượng – Phòng Tiếp đón bệnh nhân chia sẻ: “Khi bệnh nhân đến bệnh viện, chúng tôi sẽ nhập các thông tin về người bệnh vào máy vi tính và dựa vào các triệu chứng ban đầu để chuyển bệnh nhân sang các phòng khám chuyên khoa. Bệnh nhân đến phòng khám cũng là lúc các dữ liệu về bệnh nhân đã có trên máy vi tính ở phòng đó. Trường hợp bệnh nhân bị nhiều bệnh, phải khám thêm ở các phòng khác thì các phòng lại chuyển thông tin của bệnh nhân sang. Kết quả xét nghiệm lâm sàng của mỗi bệnh nhân cũng được lưu trữ, trao đổi giữa các phòng để tiện cho việc điều trị”.

Việc trao đổi thông tin về bệnh án của mỗi người bệnh trên máy vi tính giữa các khoa giúp công việc thông suốt hơn. Bệnh nhân đã từng điều trị ở bệnh viện, khi khám lại đã có hồ sơ lưu trữ về lần bị bệnh trước. Qua đó, các bác sỹ nắm được tiểu sử bệnh và điều trị tốt hơn.

Hiệu quả thấy rõ từ việc áp dụng phần mềm quản lý bệnh viện đã giảm thiểu quy trình khám từ 12 bước xuống 7 bước, từ 8 tiếng xuống còn 4 tiếng (bao gồm cả việc nhận và trả kết quả xét nghiệm, cận lâm sàng, Xquang) và tăng thêm thời gian tiếp xúc giữa bệnh nhân và bác sỹ. Do đó, việc khám chữa bệnh sẽ chuẩn xác hơn. Đồng thời giúp tiết kiệm một số lượng lớn giấy tờ và công tác lưu trữ.

Chị Tao Thị Xen ở xã Bản Hon (huyện Tam Đường) tâm sự: “Tôi đưa mẹ con cháu Lò Thanh Tùng (3 tháng tuổi), bị viêm phổi phải chuyển tuyến lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám. Tại đây, tôi được hướng dẫn đưa các giấy tờ cần thiết rồi các bác sỹ làm thủ tục khám, nhập viện cho cháu”. Cũng như chị Xen, nhiều bệnh nhân, người nhà bệnh nhân thấy hài lòng về việc đơn giản thủ tục hành chính vì không phải đi lại, làm thủ tục nhiều như trước.

Được biết, cùng với việc áp dụng phần mềm, bệnh viện còn cắt cử hướng dẫn viên thường trực ở phòng đón bệnh nhân để hướng dẫn người bệnh xuất trình thẻ bảo hiểm, đến các phòng khám chuyên khoa; có ghế ngồi, nước uống tại nơi chờ khám bệnh. Bệnh viện còn đưa ra quy định về cải cách chữ viết của bác sỹ điều dưỡng: viết phải dễ đọc, rõ ràng, đủ nét, đủ dấu, không viết ngoáy, viết ẩu, cẩu thả và sẽ tính vào bình xét thi đua hàng tháng của mỗi cán bộ. Bệnh viện đang hướng tới sẽ có đơn thuốc điện tử và bệnh án điện tử, lưu chữ ký, dấu vân tay của mỗi bệnh nhân để dễ quản lý.

Áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý không chỉ góp phần cải cách thủ tục hành chính của bệnh viện mà còn đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân. Đồng thời giúp bệnh viện kiểm soát việc sử dụng thuốc hợp lý, an toàn cho mỗi ca chữa trị cũng như quản lý được viện phí.

Hải Yến

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...