Thứ sáu, 29/03/2024, 03:46 [GMT+7]
GỢI Ý TRẢ LỜI

Câu hỏi Cuộc thi “Tìm hiểu 110 năm thành lập tỉnh, 70 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, 15 năm chia tách, thành lập tỉnh Lai Châu mới”

Thứ sáu, 26/04/2019 - 11:21'
(Kèm theo Công văn số 822-CV/BTGTU, ngày 18/4/2019 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

Câu 1. Tỉnh Lai Châu được thành lập vào ngày, tháng, năm nào? Nêu những thay đổi về địa giới hành chính của tỉnh Lai Châu từ năm 1909 đến nay?

Gợi ý trả lời:

Lai Châu là tỉnh nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, nơi đây là địa bàn có con người cư trú từ rất sớm. Cũng như nhiều vùng đất khác trên cả nước, trải qua thời gian, Lai Châu đã có những thay đổi về địa giới hành chính.

- Ngày 28/6/1909, Toàn quyền Đông Dương Klobukowski ra Nghị định thành lập tỉnh Lai Châu (gồm Đạo Lai và châu Điện Biên), dân số ước khoảng 4 vạn người. Từ đó, địa danh Lai Châu mới được xác định chính thức là đơn vị hành chính với đầy đủ chế độ dân sự, có bộ máy hành chính và chế độ ngân sách ở hàng cấp tỉnh, ngang với các tỉnh khác trong cả nước.

- Ngày 27/3/1916, thực dân Pháp lại quyết định nhập tỉnh Lai Châu vào Đạo Quan binh thứ Tư, thực hiện quản lý hành chính theo chế độ quân quản, kéo dài đến ngày 04/9/1943.

- Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới chính thể mới của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Lai Châu có một số thay đổi về địa giới hành chính. Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Lai Châu nằm trong chiến khu 2 cùng với Sơn Tây, Hà Đông, Hà Nam, Nam Định, Hòa Bình, Ninh Bình, Sơn La. Sau đó Lai Châu nhập vào chiến khu 10 và một phần chiến khu 1 thành liên khu Việt Bắc. Năm 1948, Lai Châu và Sơn La hợp nhất thành tỉnh Sơn Lai.

- Ngày 12/01/1952, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 145-TTg tái lập lại hai tỉnh Lai Châu và Sơn La. Ngày 26/01/1953, để củng cố căn cứ địa Tây Bắc mới giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 134-SL thành lập Khu Tây Bắc gồm các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu tách khỏi Liên khu Việt Bắc. Đồng thời, Khu ủy Tây Bắc cũng ra Quyết định chuyển huyện Thuận Châu từ tỉnh Sơn La sang tỉnh Lai Châu.

- Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, Lai Châu được giải phóng, hòa bình được lập lại trên miền Bắc Việt Nam. Ngày 29/4/1955, Chủ tịch nước ký Sắc lệnh về việc thành lập Khu tự trị Thái - Mèo, theo đó, Chính quyền Khu tự trị là một cấp chính quyền địa phương, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chính phủ Trung ương, không còn tổ chức chính quyền cấp tỉnh, 6 châu của tỉnh Lai Châu (Mường Tè, Mường Lay, Sình Hồ, Điện Biên, Quỳnh Nhai, Tuần Giáo) trực thuộc Khu tự trị Thái Mèo.

- Ngày 27/10/1962, kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa II đã ra Nghị quyết đổi tên Khu tự trị Thái - Mèo thành Khu tự trị Tây Bắc và thành lập lại 3 tỉnh trong khu là: Lai Châu, Nghĩa Lộ và Sơn La. Tỉnh Lai Châu lúc đó gồm 7 huyện: Điện Biên, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Tè, Mường Lay, Phong Thổ, Sình Hồ và thị trấn Lai Châu.

- Ngày 27/12/1975, Khu tự trị Tây Bắc giải thể. Tháng 12/1977, thành lập thị trấn Mường Lay và Sìn Hồ. Ngày 18/4/1992, thành lập thị xã Điện Biên Phủ. Ngày 07/10/1995, thành lập huyện Điện Biên Đông. Ngày 26/9/2003 Chính phủ ra Nghị định thành lập thành phố Điện Biên Phủ. Ngày 14/01/2002 Chính phủ ra Nghị định số 08-2002/NĐ-CP về việc “Điều chỉnh địa giới hành chính huyện Mường Tè, huyện Mường Lay để thành lập huyện Mường Nhé”.

- Thực hiện Nghị quyết số 22/2003/QH11, ngày 26/11/2003 của Quốc hội khoá XI nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, tỉnh Lai Châu (cũ) được chia tách thành tỉnh Lai Châu (mới) và tỉnh Điện Biên. Ngày 01/01/2004, tỉnh Lai Châu (mới) chính thức được thành lập, gồm 4 huyện của tỉnh cũ (Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ, Tam Đường) và sáp nhập thêm huyện Than Uyên của tỉnh Lào Cai. Ngày 10/10/2004, Thị xã Lai Châu được thành lập theo Nghị định số 176/2004/NĐ-CP của Chính phủ. Ngày 30/10/2008, Chính phủ ra Nghị định số 04/2008/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Than Uyên để thành lập huyện Tân Uyên. Ngày 02/11/2012, huyện Nậm Nhùn được thành lập theo Nghị quyết số 71/NQ-CP của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập đơn vị hành chính cấp xã, huyện thuộc tỉnh Lai Châu. Ngày 27/12/2013, Chính phủ ra Nghị quyết số 131/NQ-CP về việc thành lập thành phố Lai Châu thuộc tỉnh Lai Châu trên cơ sở 7 đơn vị hành chính xã, phường của thị xã Lai Châu.

Câu 2. Ban Cán sự Đảng Lai Châu được thành lập ngày, tháng, năm nào? Nêu bối cảnh lịch sử và ý nghĩa ra đời của Ban Cán sự Đảng Lai Châu? Nhiệm vụ cấp bách của Ban Cán sự Đảng Lai Châu sau khi được thành lập là gì?

Gợi ý trả lời:

2.1. Bối cảnh ra đời và ngày tháng thành lập Ban Cán sự Đảng Lai Châu

- Tháng 8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thành công trên phạm vi cả nước, nhưng ở Lai Châu duy nhất chỉ có châu Quỳnh Nhai (lúc đó thuộc Lai Châu) do có sự lãnh đạo của Đảng và hướng dẫn của cán bộ Việt Minh nên nhân dân địa phương đã đứng lên khởi nghĩa giành được chính quyền.

- Tháng 11/1945, thực dân Pháp đưa quân quay trở lại đánh chiếm Lai Châu và phá hoại phong trào cách mạng ở Quỳnh Nhai.

- Tháng 3/1948, Liên khu ủy 10 đã cử “Đội xung phong Quyết Tiến” vào địa bàn Lai Châu để gây dựng cơ sở cách mạng. Sau 02 năm tích cực bám đất, bám dân, bám cơ sở, gây dựng, phát động phong trào, “Đội xung phong Quyết Tiến” đã gây dựng được một loạt cơ sở cách mạng kéo dài từ Quỳnh Nhai sang Tuần Giáo, Điện Biên và Bắc Lào khiến cho phong trào cách mạng ngày một phát triển rộng lớn trong nhân dân các dân tộc vùng cao. Để tổ chức quần chúng nhân dân thành một khối thống nhất và đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi, Lai Châu cần có một tổ chức Đảng Cộng sản để làm hạt nhân lãnh đạo - Đây là vấn đề cấp bách đặt ra đối với địa phương lúc này.

- Để chuẩn bị cho sự ra đời của tổ chức Đảng tại Lai Châu, Liên khu ủy 10 đã trực tiếp chỉ đạo toàn diện đối với Lai Châu, thành lập “Tiểu ban Miền núi vận” để nghiên cứu tình hình kinh tế - chính trị - xã hội của tỉnh Lai Châu. Tháng 7/1949, Bộ Tư lệnh Liên khu 10 đã tập hợp những thanh niên của châu Quỳnh Nhai tại Đan Hà, tỉnh Phú Thọ để thành lập Đội xung phong Lai Châu (Còn gọi là Đội vũ trang tuyên truyền tỉnh Lai Châu) và cử đồng chí Hoàng Đông Tùng làm Đội trưởng.

- Ngày 27/8/1949, Ban Chấp hành Liên khu 10 ra quyết định điều động một số cán bộ đang công tác tại hai tỉnh Yên Bái, Lào Cai vào hoạt động tại Lai Châu.

- Ngày 01/10/1949, Chính ủy Liên khu 10 quyết định thành lập Chi bộ vũ trang tuyên truyền Lai Châu, gồm các đồng chí đảng viên của Đội xung phong Lai Châu, do đồng chí Hoàng Đông Tùng làm Bí thư Chi bộ.

- Ngày 10/10/1949, Ban Cán sự Lai Châu chính thức được thành lập. Đồng chí Nguyễn Bá Lạc (bí danh Trần Quốc Mạnh), Tỉnh ủy viên tỉnh Yên Bái làm Trưởng Ban; đồng chí Hoàng Đông Tùng, Đội trưởng Đội xung phong Lai Châu và đồng chí Tạ Nhật Tựu (bí danh Hoàng Hoa Thưởng) - Ủy viên Văn phòng Khu ủy 10 làm Ủy viên.

2.2. Ý nghĩa

- Sự kiện thành lập Ban Cán sự Lai Châu (tiền thân của Đảng bộ tỉnh Lai Châu ngày nay) khẳng định sự trưởng thành của phong trào cách mạng ở Lai Châu. Từ đây, phong trào đấu tranh của nhân dân địa phương đã có tổ chức Đảng trực tiếp lãnh đạo, đánh dấu bước ngoặt trong đời sống chính trị của nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu và là bước trưởng thành rất lớn của phong trào cách mạng ở Lai Châu đi từ không đến có, từ ít đến nhiều, từ yếu đến mạnh.

 - Khẳng định phong trào cách mạng của nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, Bác Hồ đã phát triển không ngừng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của dân tộc.

2.3. Nhiệm vụ cấp bách của Ban Cán sự Lai Châu sau khi được thành lập

- Theo Nghị quyết 34/NQ-LK10, ngày 07/10/1949 của Ban Thường vụ Liên khu ủy 10, Ban Cán sự Lai Châu có nhiệm vụ “gây dựng cơ sở quần chúng tiến tới tập hợp lực lượng, lãnh đạo nhân dân Lai Châu võ trang, đấu tranh, thu phục lại toàn bộ đất đai thực dân Pháp và tay sai chiếm đóng”.

Nghị quyết cũng nêu rõ “Ban Cán sự thuộc quyền trực tiếp chỉ huy của Liên khu ủy 10, nhưng phải mật thiết liên lạc với các Ban Tỉnh ủy Sơn La, Lào Cai, Yên Bái để được sự giúp đỡ trong khi tiến hành công tác và phối hợp kế hoạch hành động với các đội xung phong hiện đang hoạt động trong đất hoặc giáp giới với Lai Châu”.

- Ngày 12/10/1949, Liên khu ủy 10 ban hành Chỉ thị “Kế hoạch công tác Lai Châu”, trong đó đề ra 06 nhiệm vụ mà Ban Cán sự Lai Châu cần thiết phải nắm vững và triển khai ngay, đó là:

1. Gây dựng và phát triển cơ sở quần chúng mạnh mẽ, lúc đầu từ rẻo cao lan xuống vùng thấp.

2. Phá ngụy quyền, thành lập chính quyền dân chủ.

3. Làm tốt công tác địch vận.

4. Đào tạo cán bộ người địa phương.

5. Gây dựng cơ sở Đảng, bồi dưỡng kết nạp đảng viên người địa phương.

6. Tổ chức tốt công tác giao thông liên lạc.

Câu 3. Chi bộ Lai Châu được thành lập ngày, tháng, năm nào? Ở đâu? Gồm bao nhiêu đảng viên? Những đồng chí nào được chỉ định vào Ban Chi ủy? Đồng chí nào được cử làm Bí thư Chi bộ? Hãy cho biết số lượng tổ chức Đảng và đảng viên của Đảng bộ tỉnh Lai Châu tính đến 31/12/2018?

Gợi ý trả lời:

- Chi bộ Lai Châu được thành lập ngày 02/12/1949, tại Bản Lướt, xã Mường Kim, huyện Than Uyên. Chi bộ gồm 20 đảng viên (18 đảng viên chính thức và 2 đảng viên dự bị). Ban Cán sự Lai Châu đã chỉ định 03 đồng chí vào Ban Chi ủy là: Trần Quốc Mạnh, Hoàng Hoa Thưởng và Nguyễn Hữu Chí. Đồng chí Trần Quốc Mạnh được cử làm Bí thư Chi bộ.

- Tính đến ngày 31/12/2018, Đảng bộ tỉnh Lai Châu có 13 đảng bộ trực thuộc, 558 tổ chức cơ sở Đảng (đảng bộ cơ sở 182, chi bộ cơ sở 376), 02 đảng bộ bộ phận, 2.109 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở; 28.026 đảng viên (trong đó, đảng viên dự bị là 2.194, đảng viên nữ là 8.987, đảng viên người dân tộc thiểu số là 14.429).

Câu 4. Từ khi được thành lập đến nay, Đảng bộ tỉnh Lai Châu đã tổ chức bao nhiêu kỳ đại hội? Hãy nêu thời gian, địa điểm tổ chức, số lượng đại biểu tham dự từng kỳ đại hội và họ, tên các đồng chí Bí thư Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ?

Gợi ý trả lời:

Kể từ khi thành lập (10/10/1949) đến nay, Đảng bộ tỉnh Lai Châu đã trải qua 13 kỳ đại hội. Mỗi kỳ đại hội là một mốc son lịch sử quan trọng ghi nhận những thắng lợi, thành tựu trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội và an ninh - quốc phòng, thể hiện ý chí, nguyện vọng và tâm huyết của đảng viên, cán bộ và đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu.

1. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ I được tiến hành từ ngày 15 đến ngày 21/10/1963, tại Hội trường của tỉnh (khu Đồi Cao). Về dự Đại hội có 118 đại biểu. Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 22 đồng chí (19 ủy viên chính thức, 03 uỷ viên dự khuyết). Ban Chấp hành bầu 07 đồng chí vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đồng chí Trần Quốc Mạnh được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

2. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ II được tiến hành từ ngày 28/3 đến ngày 05/4/1970, tại Hội trường lớn của tỉnh. Về dự Đại hội có 156 đại biểu. Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 23 đồng chí (20 uỷ viên chính thức, 03 uỷ viên dự khuyết). Ban Chấp hành bầu 07 đồng chí vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đồng chí Nguyễn Văn Xã được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

3. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ III được tiến hành từ ngày 26/4 đến ngày 01/5/1975, tại Hội trường lớn của tỉnh. Về dự Đại hội có 162 đại biểu. Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 28 đồng chí (23 uỷ viên chính thức, 05 uỷ viên dự khuyết). Ban Chấp hành bầu 07 đồng chí vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đồng chí Nguyễn Văn Xã tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

4. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IV được tiến hành thành 02 vòng:

- Vòng 1: Diễn ra từ ngày 11 đến ngày 20/11/1976, tại Hội trường Ủy ban nhân dân tỉnh (thị xã Lai Châu). Về dự Đại hội có 209 đại biểu.

- Vòng 2: Diễn ra từ ngày 07 đến ngày 12/3/1977, tại Hội trường Ủy ban nhân dân tỉnh (thị xã Lai Châu). Về dự Đại hội có 220 đại biểu. Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 35 đồng chí (31 uỷ viên chính thức, 04 uỷ viên dự khuyết). Ban Chấp hành bầu 11 đồng chí vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đồng chí Hoàng Tinh được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

5. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ V diễn ra từ ngày 27 đến ngày 29/10/1980, tại Hội trường của tỉnh. Về dự Đại hội có 181 đại biểu. Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 39 đồng chí (37 uỷ viên chính thức, 02 uỷ viên dự khuyết). Ban Chấp hành bầu 13 đồng chí vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đồng chí Hoàng Tinh tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

6. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VI được tiến hành thành 02 vòng:

- Vòng 1: Diễn ra từ ngày 08 đến ngày 15/01/1982.

- Vòng 2: Diễn ra từ ngày 20 - 24/01/1983, tại Hội trường của tỉnh. Về dự Đại hội có 202 đại biểu. Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 41 đồng chí (39 uỷ viên chính thức, 02 uỷ viên dự khuyết). Ban Chấp hành bầu 13 đồng chí vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đồng chí Nguyễn Niệm được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

7. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VII được diễn ra từ ngày 08 đến ngày 14/10/1986, tại Hội trường Ủy ban nhân dân tỉnh. Về dự Đại hội có 240 đại biểu. Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 49 đồng chí (41 uỷ viên chính thức, 08 uỷ viên dự khuyết). Ban Chấp hành bầu 12 đồng chí vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đồng chí Nguyễn Niệm tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

8. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII được tiến hành thành 02 vòng:

- Vòng 1: Diễn ra từ ngày 24 đến ngày 27/4/1991.

- Vòng 2: Diễn ra từ ngày 23 đến ngày 27/9/1991. Về dự Đại hội có 248 đại biểu. Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 45 ủy viên. Ban Chấp hành bầu 13 đồng chí vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đồng chí Nguyễn Niệm tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

9. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX diễn ra từ ngày 03 đến ngày 06/5/1996. Về dự Đại hội có 249 đại biểu. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 47 ủy viên. Ban Chấp hành đã bầu 13 đồng chí vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đồng chí Lò Văn Puốn được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

10. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X diễn ra từ ngày 02 đến ngày 05/01/2001 tại Trung tâm Văn hóa thanh thiếu niên tỉnh. Về dự Đại hội có 270 đại biểu. Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 47 ủy viên. Ban Chấp hành đã bầu 13 đồng chí vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đồng chí Trịnh Long Biên được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

11. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI diễn ra từ ngày 14 đến ngày 17/12/2005, tại Trung tâm Hội nghị - Văn hóa tỉnh. Về dự Đại hội có 249 đại biểu. Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 47 ủy viên. Ban Chấp hành đã bầu 12 đồng chí vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đồng chí Nguyễn Minh Quang được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

12. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII diễn ra từ ngày 22 đến ngày 24/9/2010, tại Trung tâm Hội nghị - Văn hóa tỉnh. Về dự Đại hội có 300 đại biểu. Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 55 ủy viên. Ban Chấp hành đã bầu 15 đồng chí vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đồng chí Lò Văn Giàng được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

13. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII diễn ra từ ngày 13 đến ngày 15/10/2015, tại Trung tâm Hội nghị - Văn hóa tỉnh. Về dự Đại hội có 300 đại biểu. Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 50 ủy viên. Ban Chấp hành đã bầu 16 đồng chí vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đồng chí Nguyễn Khắc Chử được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy (Đồng chí Nguyễn Khắc Chử được nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 01/9/2018). Từ tháng 9/2018, đồng chí Giàng Páo Mỷ, Ủy viên BCH Trung ương Đảng giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy.

Câu 5. Hãy nêu vị trí địa lý, diện tích tự nhiên, chiều dài đường biên giới? Tính đến ngày 31/12/2018, tỉnh có bao nhiêu dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn; có bao nhiêu huyện, thành phố; xã, phường, thị trấn; thôn, bản, tổ dân phố? Tên các huyện, xã biên giới của tỉnh Lai Châu?

Gợi ý trả lời:

- Lai Châu là tỉnh miền núi phía Tây Bắc của Tổ quốc, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 400 km về phía Đông Nam, có tọa độ địa lý từ 21051’ đến 22049’ vĩ độ Bắc và 102019’ đến 103059’ kinh độ Đông; phía Bắc và Tây Bắc giáp tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, phía Tây giáp tỉnh Điện Biên, phía Đông và phía Đông Nam tiếp giáp với hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái, phía Nam tiếp giáp với tỉnh Sơn La.

- Tỉnh có diện tích tự nhiên là 9.068,8 km2, chiếm khoảng 3,7% diện tích cả nước, đứng thứ 10 trong số 63 tỉnh, thành phố. Toàn tỉnh có 20 dân tộc cùng sinh sống.

- Tổng chiều dài đường biên giới thuộc địa bàn tỉnh Lai Châu quản lý là 265,165km. Trong đó, chiều dài đường biên giới trên đất liền là 191,740 km; trên sông, suối là 73,425 km.

- Tính đến ngày 31/12/2018, tỉnh có 20 dân tộc anh em cùng sinh sống gồm: Thái, Mông, Dao, Hà Nhì, Kinh, Tày, Nùng, Giáy, Lào, Lự, Mường, Khơ Mú, Kháng, Mảng, Si La, La Hủ, Phù Lá, Cống, Lô Lô, Hoa.

- Đến nay, tỉnh Lai Châu có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: Thành phố Lai Châu và 07 huyện: Mường Tè, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Tam Đường, Phong Thổ, Tân Uyên, Than Uyên; 108 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 96 xã, 05 phường và 07 thị trấn; 1.140 thôn, bản, tổ dân phố.

- Tỉnh có 04 huyện biên giới với 23 xã biên giới, gồm:

+ Huyện Phong Thổ có 13 xã: Huổi Luông, Ma Ly Pho, Mù Sang, Vàng Ma Chải, Ma Ly Chải, Sì Lở Lầu, Mồ Sì San, Pa Vây Sử, Tung Qua Lìn, Dào San, Bản Lang, Nậm Xe, Sin Suối Hồ.

+ Huyện Sìn Hồ có xã Pa Tần.

+ Huyện Nậm Nhùn có 03 xã: Hua Bum, Nậm Ban, Trung Chải.

+ Huyện Mường Tè có 06 xã: Mù Cả, Ka Lăng, Thu Lũm, Tá Bạ, Pa Ủ, Pa Vệ Sủ.

Câu 6. Tính đến ngày 31/12/2018, tỉnh Lai Châu có bao nhiêu tập thể, cá nhân được phong tặng hoặc truy tặng danh hiệu: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, Bà mẹ Việt Nam anh hùng? Hãy nêu tên các tập thể, cá nhân đã được phong tặng hoặc truy tặng danh hiệu.

Gợi ý trả lời:

Tính đến ngày 31/12/2018, tỉnh Lai Châu có 02 tập thể, 04 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động; 24 tập thể, 21 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 15 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Cụ thể:

I. DANH HIỆU ANH HÙNG LAO ĐỘNG

* Tập thể

1. Công ty Thương nghiệp Sìn Hồ, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.

2. Công ty cổ phần trà Than Uyên, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu.

* Cá nhân:

1. Ông Nguyễn Văn Bôn, dân tộc Kinh, giáo viên xã Mù Cả, huyện Mường Tè.

2. Ông Quàng Văn Dinh, dân tộc Thái, xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo, tỉnh Lai Châu.

3. Ông Quàng Văn Hao, dân tộc Thái, xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo, tỉnh Lai Châu.

4. Bà Hoàng Thị Nhâm, Giám đốc Doanh nghiệp XDTN Hoàng Nhâm, thị trấn Mường Tè, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

II. DANH HIỆU ANH HÙNG LLVT NHÂN DÂN

* Tập thể

1. Đồn Biên phòng số 5, Leng Xu Xìn, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu (nay là Đồn Biên phòng số 405, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên).

2. Đồn Biên phòng số 15 (nay là Đồn Biên phòng số 429, Tây Trang, Điện Biên).

3. Dân quân du kích xã Trung Chải, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu (nay thuộc huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên).

4. Ban Công an xã Xín Thầu, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu (nay thuộc huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên).

5. Đồn biên phòng số 13, Mường Mươn, huyện Điện Biên, tỉnh Lai Châu (nay là Đồn Biên phòng số 421, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên).

6. Xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo, tỉnh Lai Châu (nay là huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên).

7. Lực lượng vũ trang huyện Điện Biên, tỉnh Lai Châu (nay là huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên).

8. Lực lượng vũ trang thị xã Điện Biên Phủ, tỉnh Lai Châu (nay là thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên).

9. Lực lượng vũ trang huyện Điện Biên Đông, tỉnh Lai Châu (nay là huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên).

10. Cán bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang huyện Tuần Giáo, tỉnh Lai Châu (nay là huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên).

11. Xã Sa Dung, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Lai Châu (nay là xã Sa Dung, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên).

12. Công an nhân dân vũ trang Lai Châu (nay là Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu).

13. Phòng Bảo vệ Chính trị Công an tỉnh Lai Châu (nay đổi tên thành Phòng An ninh đối nội) 02 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT.

14. Đại đội 2, Công an nhân dân vũ trang Lai Châu  (nay là Đại đội 5 Cơ động Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu).

15. Đồn Biên phòng số 1, Sì Lờ Lầu, Công an nhân dân vũ trang Lai Châu (nay là Đồn Biên phòng 289 Sì Lờ Lầu, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu).

16. Đồn Biên phòng số 33, Ma Lù Thàng, Công an nhân dân vũ trang Lai Châu (nay là Đồn Biên phòng số 297, Ma Lù Thàng, BĐBP tỉnh Lai Châu).

17. C2/Đại đội cơ động (Nay là C5/Đại đội cơ động Bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu).

18. Lực lượng vũ trang Huyện Mường Tè.

19. Đại đội 3 - Tiểu đoàn 901 - Trung đoàn 741 - Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lai Châu.

20. Công an xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo, tỉnh Lai Châu.

21. Xã Bình Lư - huyện Phong Thổ (nay là huyện Tam Đường).

22. Cán bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang huyện Phong Thổ.

23. Nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Lai Châu.

24. Công an xã Sín Thầu, huyện Mường Tè (nay thuộc huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên).

* Cá nhân

1. Đ/c Mùa A Páo, sinh năm 1928; dân tộc Mông; quê quán: Xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.

2. Đ/c Lừu A Phừ, sinh năm 1953; quê quán: Xã Tả Phìn, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.

3. Đ/c Vàng A Sình; quê quán: Xã Phìn Hồ, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.

4. Đ/c Tòng A Chô, sinh 1954; quê quán: Xã Nà Cang, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu.

5. Đ/c Tòng Văn Kim; chức vụ: Trung sĩ, Tiểu đội trưởng công binh Đồn 33 Công an nhân dân vũ trang Lai Châu (Đồn Biên phòng Cửa khẩu Ma Lù Thàng Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu).

6. Liệt sĩ Nguyễn Văn Hiền; chức vụ: Thiếu úy, Đồn 33 Công an nhân dân vũ trang Lai Châu. (Đồn Biên phòng Cửa khẩu Ma Lù Thàng Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu).

7. Liệt sĩ Nguyễn Vũ Tráng; chức vụ: Trung úy, Chính trị viên phó Đồn 1 Công an nhân dân vũ trang Lai Châu (Đồn Biên phòng Sì Lờ Lầu, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu).

8. Đ/c Tao Văn Tem; chức vụ: Thượng sĩ, Trinh sát viên Đồn 1 Công an nhân dân vũ trang Lai Châu (Đồn Biên phòng Sì Lờ Lầu, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu).

9. Đ/c Hoàng Trọng Sén; quê quán: Tân Việt - Văn Lãng - Lạng Sơn; chức vụ: Tiểu đoàn phó, Tiểu đoàn 41 đặc công - Quân khu Tây Bắc (Tiểu đoàn đóng quân tại Lai Châu cũ).

10. Đ/c Triệu Xuân Tâng; quê quán: Quốc Dân - Quảng Hòa - Cao Bằng; chức vụ: Trung đội trưởng BB Đoàn 28 - Quân khu Tây Bắc.

11. Đ/c Hoàng Minh Phương; quê quán: Phong Du Hạ, Bảo Yên, Lào Cai; chức vụ: Tiểu đội phó C5, D64, E741 bộ đội địa phương tỉnh Lai Châu.

12. Đ/c Nguyễn Văn Nhâm; quê quán: Thạch Điền, Thạch Hà, Hà Tĩnh; chức vụ: Đại đội trưởng C3/D2, bộ đội địa phương huyện Sìn Hồ.

13. Đ/c Trần Xuân Vinh; quê quán: Đức Lập, Đức Thọ, Hà Tĩnh; chức vụ: Trung đội trưởng C10/D3/E193.

14. Liệt sỹ Sùng Phái Sinh; quê quán: Pú Nhung, Tuần Giáo, Điện Biên; chức vụ: Xã đội trưởng Pú Nhung.

15. Liệt sỹ Quàng Văn Liến; quê quán: Phường Đoàn Kết, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên; chức vụ: Đội phó công tác cơ sở Đồn Biên phòng số 17.

16. Liệt sỹ Vừ A Dính; quê quán: Phú Nhung, Tuần Giáo, Điện Biên; Chức vụ: Chiến sỹ liên lạc Ban Cán sự huyện Tuần giáo.

17. Đ/c Khoàng Văn Tấm, sinh năm 1958; quê quán: Lay Nưa, Mường Lay, Điện Biên.

18. Đ/c Hà Ngọc Thao, sinh năm 1965; quê quán Thiệu Minh, Thiệu Hóa, Thanh Hóa.

19. Đ/c Phạm Thanh Bình (Nguyễn Thanh Bình), sinh năm 1954; quê quán: Trùng Khánh, Tứ Lộc, Hải Dương.

20. Đ/c Phạm Văn Cường, sinh năm 1976; quê quán: Thanh Miện, Tứ Kỳ, Hải Dương.

21. Liệt sỹ Trần Văn Thọ; quê quán: Nỗ Lực, Cẩm Khê, Phú Thọ; đơn vị công tác: Đồn Biên phòng Leng Xu Sìn.

III. BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG

1. Mẹ Lý Khờ Pớ, sinh năm 1921; dân tộc Hà Nhì; quê quán: Xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

2. Mẹ Lý Nhừ Xó, sinh năm 1919; dân tộc Hà Nhì; quê quán: Xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

3. Mẹ Lý Thị Thằm, sinh năm 1913; dân tộc Cống; quê quán: Xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu.

4. Mẹ Mạ Chế Bỏ, sinh năm 1907; dân tộc Hà Nhì; quê quán: Xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

5. Mẹ Phìn Thị Trưng (Chưng - Thâng), sinh năm 1915; dân tộc Thái; quê quán: Xã Mường Tè, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

6. Mẹ Lý (Lỳ) Hu Sự, sinh năm 1916; dân tộc Hà Nhì; quê quán: Xã Mù Cả, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

7. Mẹ Nguyễn Thị Ngân, sinh năm 1901; dân tộc Kinh; quê quán: Xã Khun Há, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu (nay là xã Khun Há, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu).

8. Mẹ Trương Thị Huệ, sinh năm 1920; dân tộc Kinh; quê quán: Huyện Trắc Văn, tỉnh Nam Định (trú quán tại Lai Châu).

9. Mẹ Tẩn Thị Pằng (Pàng - Giằng), sinh năm 1897; dân tộc Mông; quê quán: Xã Trung Chải, huyện Phong Thổ, khu Thái Mèo (nay là xã Trung Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu).

10. Mẹ Giàng Thị Chom, sinh năm 1910; quê quán: Xã Mường Tùng, huyện Mường Lay (nay là huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên).

11. Mẹ Lò Thị Inh, sinh năm 1909, dân tộc Thái; quê quán: Xã Nà Sáy, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên.

12. Mẹ Mào Thị Khằm, sinh năm 1906, dân tộc Thái, quê quán: Xã Mường Toong, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu (nay là xã Mường Toong, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên).

13. Mẹ Cà Thị Sy, sinh năm 1908, dân tộc Thái; quê quán: Xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, tỉnh Lai Châu (nay là huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên).

14. Mẹ Lò Thị Lón, sinh năm 1915, dân tộc Thái; quê quán: Xã Búng Lao, huyện Tuần Giáo, tỉnh Lai Châu (nay là huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên).

15. Mẹ Sùng Thị Phái (Sùng Thị Blây), sinh năm 1894, dân tộc: Mông; quê quán: Xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo, tỉnh Lai Châu (nay là huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên).

Câu 7. Nêu những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu từ khi chia tách, thành lập đến nay (tính đến 31/12/2018)? Theo ông/bà từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Lai Châu cần tập trung đầu tư, phát triển kinh tế xã hội theo hướng nào để giúp tỉnh Lai Châu phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, đảm bảo quốc phòng an ninh và hội nhập quốc tế?

Gợi ý trả lời (đối với nội dung “Những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế xã hội tỉnh Lai Châu từ khi chia tách, thành lập đến nay”):

Ngày 01/01/2004, để tạo điều kiện cho các vùng trong tỉnh cùng phát triển và được sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc, tỉnh Lai Châu được Quốc hội Khoá XI quyết định chia tách thành hai tỉnh: Lai Châu và Điện Biên. Tỉnh Lai Châu bước vào giai đoạn xây dựng và phát triển trong điều kiện mới với nhiều khó khăn, thử thách: Xa các trung tâm kinh tế lớn; nền kinh tế ở điểm xuất phát thấp, quy mô nhỏ bé; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội kém phát triển; tỷ lệ đói nghèo cao, nguồn nhân lực còn thiếu và yếu, trình độ dân trí không đồng đều; các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình" nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Trong bối cảnh đó, được sự quan tâm sâu sắc của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Lai Châu đã phát huy truyền thống đoàn kết, từng bước vượt qua khó khăn, thử thách và đạt được những thành tựu quan trọng: Đến năm 2010 ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, năm 2015 ra khỏi tình trạng kém phát triển. Kinh tế - xã hội phát triển khá toàn diện, trong 15 năm (2004-2018) tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 11%/năm; năm 2018 thu nhập bình quân đầu người đạt gần 33 triệu đồng, tăng 8 lần so với năm 2004; thu ngân sách địa phương đạt trên 2,1 nghìn tỷ đồng. Nông nghiệp, nông thôn phát triển khá, hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung; đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 29/96 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 30,2%; diện tích rừng được khoanh nuôi, trồng mới, bảo vệ, nâng độ che phủ lên gần 50%. Sản xuất công nghiệp có mức tăng trưởng cao, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 32,6%/năm. Hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển rõ nét, doanh thu tăng nhanh qua từng năm.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng với tốc độ khá nhanh, nhất là hệ thống giao thông, điện, nước, trường học, bệnh viện… Đến nay, 100% xã có mặt đường cứng hóa đến trung tâm xã; 88,5% số thôn, bản có đường xe máy đi lại thuận lợi; 100% xã, phường, thị trấn và 93% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, tăng 61 xã so với năm 2004; tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch đạt trên 87%, dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 82%. Sau 15 năm xây dựng, phát triển, đã hình thành hệ thống đô thị khá khang trang, mang bản sắc văn hoá dân tộc như: Thành phố Lai Châu, thị trấn Phong Thổ, Tam Đường, Tân Uyên... bộ mặt đô thị, nông thôn của tỉnh có nhiều khởi sắc.

Cùng với phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội có bước phát triển mới: Sự nghiệp giáo dục đào tạo phát triển khá toàn diện; hệ thống, quy mô trường, lớp, cấp học, ngành học phát triển; đến năm 2018, toàn tỉnh có 152 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 36,3%; chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi được nâng lên. Hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, phát triển; đội ngũ cán bộ y tế được bổ sung, tăng cường, năm 2018, toàn tỉnh có 419 bác sỹ, đạt 9,2 bác sỹ/vạn dân; một số kỹ thuật hiện đại trong chẩn đoán và điều trị được triển khai hiệu quả, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Các hoạt động văn hoá thông tin, báo chí, phát thanh - truyền hình phát triển, góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương; hoạt động văn hoá, thể dục - thể thao có nhiều tiến bộ, phong trào xây dựng làng, bản, khu phố văn hoá phát triển sâu rộng. Công tác giảm nghèo được tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, còn khoảng 25%; có hai huyện Than Uyên và Tân Uyên được Chính phủ công nhận ra khỏi Chương trình 30a.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2015 - 2020), Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh phấn đấu đưa Lai Châu phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, thành tỉnh trung bình trong khu vực miền núi phía Bắc.

Câu 8. Theo ông/bà, trong 70 năm xây dựng và phát triển của Đảng bộ tỉnh, sự kiện tiêu biểu nào có ý nghĩa nhất? Vì sao? (Bài viết không quá 1.500 từ)

Gợi ý một số sự kiện:

- Ngày 10/10/1949, Ban Cán sự Lai Châu (tiền thân của Đảng bộ tỉnh Lai Châu ngày nay) được thành lập.

- Ngày 12/12/1953, thị xã Lai Châu được giải phóng.

- Chiều 07/5/1954, chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

- Ngày 30/9/1954, hơn 4 tháng sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Lai Châu được hoàn toàn giải phóng.

- Ngày 29/4/1955, Chủ tịch nước ký Sắc lệnh về việc thành lập Khu tự trị Thái - Mèo, theo đó, 6 châu của tỉnh Lai Châu (Mường Tè, Mường Lay, Sình Hồ, Điện Biên, Quỳnh Nhai, Tuần Giáo) trực thuộc Khu tự trị Thái Mèo.

- Ngày 27/10/1962, kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa II đã ra Nghị quyết đổi tên Khu tự trị Thái - Mèo thành Khu tự trị Tây Bắc, tỉnh Lai Châu được tái thành lập.

- Ngày 24/12/1962, Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời tỉnh Lai Châu được thành lập, gồm 13 đồng chí. Đồng chí Trần Quốc Mạnh được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời.

- Từ ngày 15 đến ngày 21/10/1963, tại Hội trường của tỉnh (khu Đồi Cao) đã diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất.

- Ngày 26/11/2003, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XI đã ra Nghị quyết về việc chia tách, điều chỉnh địa giới một số tỉnh, tiếp đó, ngày 01/01/2004 tỉnh Lai Châu mới chính thức được thành lập.

- Ngày 25/12/2003, Bộ Chính trị ra quyết định số 878-QĐ/TW về việc thành lập Đảng bộ và chỉ định Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh Lai Châu mới gồm 33 đồng chí, Ban Thường vụ 11 đồng chí; đồng chí Phạm Ngọc Thiểm được chỉ định làm Bí thư Tỉnh uỷ lâm thời; các đồng chí Lò Văn Giàng, Nguyễn Minh Quang được chỉ định làm phó Bí thư Tỉnh uỷ.

- Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII (diễn ra từ ngày 13 đến ngày  15/10/2015) đã ghi nhận Lai Châu thoát khỏi tình trạng tỉnh đặc biệt khó khăn và đặt mục tiêu phấn đấu trở thành tỉnh trung bình trong khu vực miền núi phía Bắc vào năm 2020.

ĐT

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...