Thứ bảy, 20/04/2024, 20:37 [GMT+7]

Tăng cường bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản

Thứ năm, 09/01/2020 - 15:59'
(BLC) - Ngày 31/12/2019, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3094 /UBND-KTN về việc tăng cường công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Trong những năm qua, với sự nỗ lực của các cơ quan chuyên môn, đoàn thể và chính quyền địa phương các cấp, công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, tình trạng sử dụng xung điện, ngư cụ cấm để khai thác vẫn diễn ra, ngày càng tinh vi, khó phát hiện và mang tính hủy diệt, làm cho nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, một số loài thủy sản có giá trị kinh tế có nguy cơ bị tuyệt chủng. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến sản lượng thủy sản khai thác ngoài tự nhiên đang có dấu hiệu suy giảm trong thời gian qua.

Để tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản; đồng thời triển khai thực hiện tốt Luật Thủy sản năm 2017; Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 30/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg ngày 02/01/1998 “Nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản và tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong thời gian tới; Quyết định số 188/QĐ-TTg ngày 13/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020; các văn bản hướng dẫn Luật Thủy sản và Công văn số 9290/BNN-TCTS ngày 12/12/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản bằng nhiều hình thức thiết thực và hiệu quả.

 Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản, nhất là các hành vi khai thác thủy sản có tính hủy diệt như: Sử dụng điện, hóa chất độc hại để khai thác thủy sản; sử dụng lưới đánh bắt cá có kích thước nhỏ hơn quy định. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các quán ăn, nhà hàng, chợ, điểm kinh doanh, khu dân cư, hộ gia đình mua bán, nuôi, nhốt, tàng trữ các loài thủy sản nguy cấp, qúy, hiếm nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Tham mưu UBND tỉnh công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại khu vực thuộc địa bàn từ hai huyện trở lên. Hỗ trợ UBND các cấp, người dân tổ chức thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xây dựng kế hoạch và thực hiện có hiệu quả Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản với Giáo hội phật giáo tỉnh Lai Châu. Huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư tham gia hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản tại các thủy vực tự nhiên.

Tham mưu UBND tỉnh tiếp tục ban hành Kế hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn phù hợp với chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó  tập trung xây dựng thả bổ sung các loài bản địa, loài có giá trị kinh tế, các loài thủy sản quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng nhằm khôi phục nguồn lợi, tăng mật độ quần thể các loài bị khai thác cạn kiệt trên các lưu vực vùng nước tự nhiên trên địa bàn tỉnh.

Xây dựng Kế hoạch và phối hợp với Tổng cục Thủy sản, các Vụ, Viện và các trường Đại học tổ chức điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản theo giai đoạn hoặc theo chuyên đề đưa ra các biện pháp quản lý, khai thác nguồn lợi thủy sản có hiệu quả.

Tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định các vùng cấm và hạn chế khai thác, ngư cụ và nghề cấm khai thác phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.

Xây dựng cơ sở dữ liệu về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện nội dung Công văn này; định kỳ trước ngày 15/11 hằng năm tham mưu UBND tỉnh báo cáo kết quả thực hiện công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh.

UBND các huyện, thành phố:

Chỉ đạo các phòng, ban chức năng, UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng điện, vật liệu nổ, hóa chất độc hại, các ngư cụ, thiết bị bị cấm sử dụng trong khai thác thuỷ sản; chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường công tác tổ chức, tuần tra phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản theo quy định tại Nghị định 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; hỗ trợ các đơn vị chức năng, lực lượng Thanh tra chuyên ngành trong công tác tuần tra, xử lý vi phạm về khai thác thủy sản, đặc biệt là bố trí nơi tạm giữ phương tiện trong việc xử lý vi phạm.

Phối hợp với UBND các huyện giáp ranh của tỉnh bạn trong việc tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản ở các địa bàn giáp ranh.

Chỉ đạo cấp chính quyền cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, lồng ghép trong các cuộc sinh hoạt của tổ dân phố, thôn, bản nhằm nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho người dân. Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân sử dụng điện, vật liệu nổ, hóa chất độc hại để khai thác thủy sản.

Công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại khu vực thuộc địa bàn quản lý theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017, Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ.

Phát động toàn dân tham gia bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản tại các hồ chứa thủy điện, vùng nước trên địa bàn của địa phương nhằm tái tạo, khôi phục phát triển nguồn lợi thủy sản; kêu gọi, huy động nguồn lực từ các tổ chức cá nhân, cộng đồng dân cư tham gia hoạt động thả giống phóng sinh tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Thực hiện tốt công tác phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ban, ngành có liên quan trong công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn.

Tổ chức triển khai thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh trước ngày 10/11 hằng năm (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Công an tỉnh: Chỉ đạo lực lượng trong ngành từ tỉnh đến cơ sở phối hợp với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, trên các sông, hồ để xử lý nghiêm các hành vi tàng trữ, vận chuyển, sử dụng xung điện, chất độc hại, chất nổ bị cấm sử dụng trong khai thác thủy sản theo quy định của pháp luật. Báo cáo kết quả xử lý vi phạm về UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Sở Tài chính: Tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí thực hiện công tác bảo vệ và phát triển tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Lai Châu theo quy định.

Sở Thông tin và Truyền thông:

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng (Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Lai Châu…) bằng nhiều hình thức thiết thực, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản nhằm nâng cao ý thức trong cộng đồng dân cư.

B.T

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...