Thứ ba, 16/04/2024, 15:32 [GMT+7]

Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò.

Thứ sáu, 07/05/2021 - 20:47'
(BLC) - UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 1183/UBND-KTN về tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò.

Từ đầu tháng 10/2020 đến ngày 18/4/2021, bệnh VDNC trên trâu, bò đã xảy ra 1.124 ổ dịch, tại 1.097 xã, 170 huyện của 25 tỉnh, thành phố, trong đó có các tỉnh giáp ranh với tỉnh Lai Châu như:  Sơn La, Lào Cai, Điện Biên, Yên Bái; số gia súc mắc bệnh là 28.725 con, trong đó có 2.432 con chết và tiêu hủy.

Tại tỉnh ta, từ ngày 30/4/2021 trên địa bàn bản Tổng Pịt, xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn đã xảy ra ổ dịch bệnh VDNC làm 3 con bò mắc bệnh. Nguyên nhân ban đầu được xác định có thể do người dân địa phương mua bò đã nhiễm mầm bệnh từ các tỉnh đã có dịch nhưng không được kiểm dịch thú y theo quy định. Ngoài ra, qua công tác kiểm tra của cơ quan chuyên môn tại một số địa phương khác trên địa bàn huyện Nậm Nhùn cũng có triệu chứng tương tự, hiện đang được lấy mẫu xét nghiệm xác định bệnh. Trong thời gian tới, dự báo nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lây lan trên địa bàn tỉnh do bệnh chưa có thuốc điều trị, chưa được tiêm phòng vắc xin, nhiều người chăn nuôi chưa nắm được thông tin về dịch bệnh. Đồng thời, hiện đang là giai đoạn thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều thuận lợi cho ruồi, muỗi, ve, mòng sinh sôi (là véc tơ lây truyền chính) và qua việc vận chuyển, giết mổ gia súc bệnh, mang mầm bệnh nên nguy cơ dịch bệnh lây lan sang các địa bàn khác của tỉnh là cao nếu không có các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn kịp thời.

cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Than Uyên hướng dẫn bà con bản Muông, xã Mường Cang biểu hiện bệnh viêm da nổi cục. Vùng tệp đính kèm

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Than Uyên hướng dẫn bà con bản Muông, xã Mường Cang biểu hiện bệnh VDNC. Ảnh: Hương Ly

Để chủ động ngăn chặn, khống chế dịch bệnh VDNC ngay trong diện hẹp, hạn chế lây lan, giảm thiểu thiệt hại cho chăn nuôi, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành, đơn vị có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các biện pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh VDNC theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh như: Công văn số 2271/BNN-TY ngày 19/4/2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tập trung nguồn lực kiểm soát dịch bệnh VDNC trên trâu, bò; các Công văn của UBND tỉnh: Số 2556/UBND-KTN ngày 09/11/2020 về việc tăng cường triển khai các biện pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh VDNC; số 697/UBND-KTN ngày 23/3/2021; số 1054/UBND-KTN ngày 23/4/2021 v/v tăng cường triển khai các biện pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh VDNC trên trâu, bò. Đồng thời, tập trung triển khai ngay các nội dung sau:

1. Ủy  ban nhân dân các huyện, thành phố

a) Đối với địa phương đang có dịch:

-  Thực hiện công bố dịch và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh kịp thời theo đúng quy định của Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y nhằm khống chế ổ dịch ngay trong diện hẹp, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi.

-  Tập trung các nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch; không để dịch bệnh dây dưa kéo dài, lây lan và phát sinh các ổ dịch mới; ưu tiên bố trí nhân lực, kinh phí thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh như: tiêm phòng vắc xin, tiêu độc khử trùng, hỗ trợ tiêu hủy gia súc chết (nếu có), hoạt động của các chốt kiểm dịch động vật tạm thời (nếu cần thiết phải thành lập để ngăn chặn dịch bệnh lây lan)… Hằng ngày, báo cáo đầy đủ tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống về Chi cục Chăn nuôi – Thú y tỉnh.

- Điều tra xác định nguyên nhân gây ra ổ dịch, đánh giá nguy cơ lây nhiễm trên địa bàn, cảnh báo cho các địa phương khác.

- Hướng dẫn người dân nuôi nhốt toàn bộ trâu, bò bệnh; hằng ngày vệ sinh, sát trùng, tiêu độc nơi nuôi, nhốt gia súc và khu vực xung quanh; có biện pháp ngăn chặn, tiêu diệt vật chủ trung gian truyền bệnh

b)  Đối với các địa phương chưa có dịch VDNC

-  Tăng cường kiểm tra giám sát, phát hiện kịp thời các trường hợp trâu, bò có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh; triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định; xử lý, tiêu hủy gia súc tại địa phương mới phát dịch ở diện hẹp.

-  Hướng dẫn chủ chăn nuôi trâu, bò tăng cường áp dụng các biện pháp chủ động phòng dịch; tổ chức tổng vệ sinh, sát trùng.

-  Tiếp tục tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến cộng đồng dân cư để người dân không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch thú y; Thông báo tới người dân trên địa bàn tình hình dịch bệnh VDNC, những nguy cơ có thể làm dịch bùng phát, lây lan để người dân chủ động phòng chống dịch.

-  Kiện toàn và tăng cường hoạt động của các tổ, đội liên ngành trong việc kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh doanh, vận chuyển động vật và sản phẩm của động vật trên địa bàn, nhất là việc buôn bán, vận chuyển trâu, bò ra, vào vùng dịch; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

-  Chủ động cân đối, bố trí kinh phí, tổ chức triển khai tiêm phòng vắc xin VDNC đối với địa phương có nguy cơ cao (trong phạm vi bán kính 100 km tính từ địa phương có dịch VDNC).

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

-  Hướng dẫn và chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp ngay với UBND huyện Nậm Nhùn tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch; không để dịch bệnh dây dưa kéo dài, lây lan và phát sinh các ổ dịch mới.

-  Theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh trên đàn trâu, bò; tổng hợp tình hình dịch bệnh và công tác tổ chức triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh của các huyện, thành phố; đánh giá nguy cơ lây lan của bệnh VDNC, kịp thời tham mưu chỉ đạo các biện pháp ngăn chặn sự xâm nhiễm, lây lan của dịch bệnh.

-  Phối hợp với UBND các huyện, thành phố trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; tổ chức thực hiện lấy mẫu giám sát phát hiện vi rút VDNC; tiếp tục phối hợp với các huyện, thành phố trong tổ chức lấy mẫu chẩn đoán, xác minh dịch bệnh.

-  Thành lập ngay đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện việc phòng chống, dịch bệnh tại khu vực có dịch và các địa bàn có nguy cơ cao.

3. Các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh

Tăng cường thực hiện công tác chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh VDNC tại huyện, thành phố được phân công phụ trách, nhất là tại địa phương đang có dịch.

Căn cứ nội dung Công văn, UBND các huyện, thành phố; các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan chủ động triển khai thực hiện, báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp, báo cáo, tham mưu UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo./.

B.T

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...