Thứ sáu, 29/03/2024, 11:44 [GMT+7]

Đồng chí Phạm Văn Đồng - Nhà lãnh đạo tài năng, tấm gương đạo đức trong sáng

Thứ ba, 02/03/2021 - 09:12'
(ĐCSVN) - 94 năm tuổi đời, 75 năm hoạt động cách mạng liên tục, 41 năm là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 35 năm là Ủy viên Bộ Chính trị, 32 năm là Thủ tướng Chính phủ, 10 năm là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí Phạm Văn Đồng đã có những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc.

Kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí Phạm Văn Đồng (1/3/1906-1/3/2021), chiều 1/3 tại Hà Nội, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức Tọa đàm khoa học: “Đồng chí Phạm Văn Đồng - Nhà lãnh đạo tài năng, tấm gương đạo đức trong sáng”. 

Đồng chí Phạm Văn Đồng sinh ngày 1/3/1906 trong một gia đình trí thức phong kiến tại xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Kế thừa truyền thống yêu nước của quê hương, gia đình, trong những năm 1925-1926, Phạm Văn Đồng đã tham gia phong trào đấu tranh đòi thả nhà chí sĩ Phan Bội Châu và tổ chức lễ truy điệu nhà chí sĩ Phan Châu Trinh. Đầu năm 1927, đồng chí được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tháng 3/1929, đồng chí được bầu là Bí thư Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Nam Kỳ. Tháng 5/1929, tại Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Tổng bộ. Tháng 7/1929, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam vào Khám Lớn - Sài Gòn, rồi bị kết án 10 năm tù, đày ra Côn Đảo.

Quang cảnh Tọa đàm khoa học: “Đồng chí Phạm Văn Đồng - Nhà lãnh đạo tài năng, tấm gương đạo đức trong sáng”

Quang cảnh Tọa đàm khoa học: “Đồng chí Phạm Văn Đồng - Nhà lãnh đạo tài năng, tấm gương đạo đức trong sáng” 

Sau khi ra tù (tháng 7/1936), bị đưa về quản thúc ở quê nhà, đồng chí bí mật bắt liên lạc với tổ chức Đảng. Đầu năm 1937, đồng chí trở ra Hà Nội hoạt động cách mạng. Tháng 5/1940, đồng chí sang Côn Minh (Trung Quốc), gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, rồi tham gia hoạt động cách mạng ở Tĩnh Tây. Năm 1941, đồng chí được giao nhiệm vụ về nước xây dựng căn cứ cách mạng ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn. Tháng 8/1945, tại Đại hội Quốc dân Tân Trào, đồng chí được bầu vào Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam.

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đồng chí Phạm Văn Đồng được cử làm Bộ trưởng Tài chính, rồi Phó Trưởng Ban Thường trực Quốc hội khóa I. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, đồng chí được cử làm Đặc phái viên của Trung ương Đảng và Chính phủ tại Nam Trung Bộ. Tháng 1/1947, đồng chí được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đầu năm 1949 là Ủy viên chính thức. Tháng 7/1949, đồng chí được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 2/1951), đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Ngày 20/9/1955, tại Quốc hội khóa I, Kỳ họp thứ 5, đồng chí được bầu là Thủ tướng Chính phủ và liên tục đảm nhiệm cương vị này trong 32 năm (1955-1987).

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng các khóa VI, VII, VIII, đồng chí được cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí là đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII (từ năm 1946 - 1987). Do có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương, huy chương cao quý khác.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh báo cáo đề dẫn tại Tọa đàm

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh báo cáo đề dẫn tại Tọa đàm.

Báo cáo đề dẫn tại Tọa đàm do Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện nêu rõ, đồng chí Phạm Văn Đồng là tấm gương ngời sáng của một người cộng sản kiên trung, bất khuất. Sớm dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng, trong những năm tháng hoạt động bí mật, trước những thử thách khắc nghiệt trong nhà tù thực dân; trải qua nhiều khó khăn, thiếu thốn và sự ác liệt của chiến tranh, đồng chí Phạm Văn Đồng đã khẳng định ý chí sắt đá của người cộng sản, kiên định với con đường đã chọn, vững tin vào sự nghiệp của Đảng, vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng, vào tương lai tươi sáng của dân tộc.

Đồng chí Phạm Văn Đồng thuộc lớp người đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh đào tạo, bồi dưỡng về lý tưởng cách mạng, về lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường cách mạng Việt Nam, có thời gian làm việc bên Người nhiều năm. Đồng chí đã học tập, rèn luyện và phấn đấu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trở thành một trong những học trò xuất sắc, gần gũi của Người. Đồng chí là tấm gương mẫu mực của người cán bộ lãnh đạo, tận tâm tận lực, vì dân, vì nước, liêm khiết, khiêm tốn, giản dị, gần gũi với nhân dân; luôn chăm lo vun trồng những tấm gương người tốt, việc tốt để lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong đời sống xã hội. 

"94 năm tuổi đời, 75 năm hoạt động cách mạng liên tục, 41 năm là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 35 năm là Ủy viên Bộ Chính trị, 32 năm là Thủ tướng Chính phủ, 10 năm là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí Phạm Văn Đồng đã có những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc. Trong không khí cả nước phấn khởi thi đua chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, noi gương đồng chí Phạm Văn Đồng, quyết tâm phấn đấu, nêu cao tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước, tình nhân ái, ý chí kiên cường, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, sớm đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, phấn đấu xây dựng đất nước ta phát triển ngày càng giàu đẹp, văn minh", Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Lợi nói.

 Đại biểu tham luận tại Tọa đàm

 Đại biểu tham luận tại Tọa đàm

Đề cập đến những đóng góp của đồng chí Phạm Văn Đồng trong chỉ đạo phát triển kinh tế trên cương vị Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng những năm 1975-1986, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, ở cương vị này, đồng chí Phạm Văn Đồng đã dành nhiều thời gian và công sức để lãnh đạo đất nước. Những đổi mới từng phần trên lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp là kinh nghiệm quý để Đảng và Chính phủ từng bước hoạch định đường lối đổi mới, tạo bước phát triển của đất nước trong giai đoạn tiếp theo. Trên bất cứ cương vị nào, đồng chí cũng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Tại Tọa đàm, Tiến sỹ Trần Văn Hải, nguyên giảng viên Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng đã kể lại câu chuyện cho thấy tính cách giản dị của đồng chí Phạm Văn Đồng: “Ghét thói phô trương, hình thức, không bao giờ có ý nghĩ dành riêng cho mình, ngôi nhà hai tầng cạnh khuôn viên Phủ Chủ tịch và Văn phòng Chính phủ - nơi ông sống, làm việc 27 năm liền, ông xin trả cho Nhà nước và nói đây là nhà công vụ. Có ý kiến đề nghị lấy ngôi nhà này là nhà lưu niệm, ông không đồng ý và cười, nói: Thật lãng phí! Nếu được gắn biển ghi mấy chữ: Đồng chí Phạm Văn Đồng đã sống và làm việc tại đây từ… đến … là quý lắm rồi”.

Ý kiến của các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ một số nội dung về cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến nổi bật của đồng chí Phạm Văn Đồng như: Ảnh hưởng của truyền thống quê hương và gia đình đối với đồng chí Phạm Văn Đồng; Dấu ấn của Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong công cuộc xây dựng hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa; Đồng chí Phạm Văn Đồng - người cộng sản kiên trung trong nhà tù thực dân; Đồng chí Phạm Văn Đồng với nhà nước của dân, do dân, vì dân; Phạm Văn Đồng - tấm gương đạo đức mẫu mực…

Các ý kiến cũng đã làm rõ một số vấn đề trọng tâm trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Phạm Văn Đồng, nhà hoạt động chính trị có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam; nhà lãnh đạo kinh tế giàu kinh nghiệm; nhà ngoại giao tài năng; nhà văn hóa lớn; người học trò xuất sắc, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.

Cập nhập thứ ba, ngày 2/2/2021, 8:24/Minh Châu/dangcongsan.vn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...