Thứ sáu, 26/04/2024, 00:09 [GMT+7]

Lai Châu trên đà phát triển và hội nhập

Thứ năm, 03/10/2019 - 09:37'
(L.T.S) - Nhân dịp kỷ niệm 110 năm thành lập tỉnh, 70 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, 15 năm chia tách, thành lập tỉnh Lai Châu, phóng viên Báo Lai Châu đã phỏng vấn đồng chí Trần Tiến Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả thực hiện trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh sau 15 năm xây dựng và phát triển tỉnh, định hướng phát triển trong những năm tới.

Đồng chí Trần Tiến Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra thực địa quy hoạch chi tiết du lịch Sì Thâu Chải - thác Tác Tình (huyện Tam Đường). Ảnh: Kim Oanh

Phóng viên: Sau 15 năm xây dựng và phát triển, tỉnh Lai Châu đang trên đà khởi sắc. Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật mà tỉnh đã đạt được?

Đồng chí Trần Tiến Dũng: Được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng, Nhà nước, sự phối kết hợp kịp thời của các Bộ, ngành Trung ương; phát huy truyền thống, tinh thần đoàn kết, nhất trí một lòng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh nhà đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, đạt được nhiều kết quả, có thể kể đến:

Thứ nhất, kinh tế có sự phát triển rất tích cực, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2004 - 2018 đạt cao 11,75%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng hướng, tăng tỷ trọng về công nghiệp, thương mại dịch vụ và giảm tỷ trọng nông nghiệp (năm 2004: nông, lâm nghiệp 49,7%; công nghiệp và xây dựng 22,7%; thương mại, dịch vụ 27,6%; năm 2018: nông, lâm nghiệp chiếm 15,63%; công nghiệp, xây dựng 49,04%; thương mại, dịch vụ 35,33%); GRDP bình quân đầu người đến nay đạt khoảng 33 triệu đồng (tăng gấp 13 lần so với 15 năm trước), thu ngân sách trên địa bàn tăng cao, năm 2018 đạt 2.247 tỷ đồng, gấp 62,4 lần so với năm 2004.

Đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: chè 6.200ha, cao su 13.000ha, mắc-ca 1.700ha... Nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 14% (năm 2004) lên 49,3%, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, đặc biệt là bảo vệ nguồn nước cho các tỉnh hạ lưu.
Xây dựng nông thôn mới tạo được sự đồng thuận và quyết tâm thực hiện, đến nay đã có 29/96 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Thứ hai, các mặt văn hóa - xã hội được quan tâm phát triển đồng bộ; chất lượng công tác giáo dục - đào tạo và công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân từng bước được nâng lên; các chính sách dân tộc - tôn giáo được quan tâm thực hiện tốt.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư và cải thiện rõ rệt, nhất là hệ thống giao thông, y tế, giáo dục... Đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 100% xã có đường ôtô đến trung tâm xã, 100% xã có điện lưới quốc gia; trên 93,9% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, tăng 55 điểm% so với năm 2004.

Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục, y tế được quan tâm đầu. Đến nay, tỷ lệ phòng học kiên cố và bán kiên cố đạt gần 90%; 134 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 37,2%, tăng 33,81 điểm % so với năm 2004. Đã xây dựng mới 2 Bệnh viện tuyến tỉnh, 9 Trung tâm chuyên khoa, chuyên ngành tuyến tỉnh; 5 trung tâm y tế huyện, 8 phòng khám đa khoa khu vực; 8 trung tâm dân số huyện; 94 trạm y tế xã. 100% số trạm y tế được xây dựng kiên cố.

Thứ ba, hoàn thành công tác tái định cư các dự án thủy điện lớn với trên 9.000 hộ dân, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành phát điện sớm trước thời hạn của thuỷ điện Lai Châu, Huội Quảng và Bản Chát, góp phần làm lợi hàng chục nghìn tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước.

Thứ tư, quốc phòng - an ninh được củng cố và giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, an ninh trật tự trên tuyến biên giới Việt Trung cơ bản ổn định tạo môi trường hòa bình để phát triển.

Phóng viên: Đâu là nguyên nhân cơ bản của những thành tựu trên, thưa đồng chí?

Đồng chí Trần Tiến Dũng: Có được những thành tựu như trên là do: Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ luôn kế thừa, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất cả trong tư tưởng lẫn hành động, tạo sự đồng thuận trong toàn Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân; phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra.

Tỉnh đã vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để xây dựng cơ chế, chính sách cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; xác định đúng tiềm năng, thế mạnh để tập trung mọi nguồn lực thực hiện; chú trọng thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch làm cơ sở cho việc chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành tổ chức thực hiện.

Tỉnh nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành Trung ương có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.

Phóng viên: Thưa đồng chí, tỉnh đã ban hành cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút đầu tư; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư trong hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh như thế nào?

Đồng chí Trần Tiến Dũng: Những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; tạo ra nhiều việc làm, đóng góp ngân sách Nhà nước, bảo đảm an sinh xã hội. Để khai thác những tiềm năng và lợi thế sẵn có, ngoài những chính sách áp dụng chung của Trung ương, Hội đồng Nhân dân tỉnh rất quan tâm, ban hành nhiều nghị quyết quan trọng tạo hành lang, khuôn khổ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt, năm 2019, Hội đồng Nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 12/2019/NQ-HĐND quy định chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Lai Châu và Nghị quyết số 13/2019/NQ-HĐND quy định về chính sách liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, trên cơ sở chỉ đạo sâu sát của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, thì các cấp, các ngành đã và đang rất tích cực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư, có thể kể đến một số việc như: Đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công đi vào hoạt động, thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lai Châu, thành lập Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Lai Châu; tổ chức Diễn đàn đối thoại doanh nghiệp tỉnh Lai Châu năm 2019 với chủ đề “Vì sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Lai Châu”; thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ các doanh nghiệp, nhà đầu tư để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc hoạt động đầu tư.

Với sự quyết tâm và các giải pháp đi kèm nhằm tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư trên địa bàn, trong những năm gần đây đã có các nhà đầu tư là các công ty lớn, tập đoàn lớn có uy tín đến xúc tiến, khảo sát tìm hiểu cơ hội đầu tư như: Hiệp hội MắcCa Việt Nam, Hiệp hội Kinh tế - Văn hóa Hàn Quốc, Tập đoàn Quế Lâm, Công ty NaFood Tây Bắc, Tập đoàn Sun Group...

Nếu doanh nghiệp phát tài thì đương nhiên Lai Châu được hưởng lợi và phát triển; do đó, thời gian tới, với sự đồng thuận và quyết tâm cao của các cấp, các ngành như thời gian vừa qua, tỉnh sẽ cùng với các doanh nghiệp và nhà đầu tư giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh để các doanh nghiệp có môi trường đầu tư thuận lợi, yên tâm bỏ vốn đầu tư thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Phóng viên: Phấn đấu xây dựng Lai Châu trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc vào những giai đoạn tới, xin đồng chí cho biết những định hướng mang tính đột phá của tỉnh trong thời gian tới?

Đồng chí Trần Tiến Dũng: Để đạt được mục tiêu có thể nói là khá thách thức như phóng viên nêu thì rõ ràng cần xác định và thực hiện đồng bộ nhiều nhóm nhiệm vụ và giải pháp, trong đó có thể kể đến:

Một là, xây dựng và hoàn thành quy hoạch tỉnh Lai Châu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hai là, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng về thương mại, dịch vụ, nhất là phát triển du lịch gắn với bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc, gắn với nông nghiệp; tập trung phát triển kinh tế mậu biên, nâng cấp cửa khẩu Ma Lù Thàng thành cửa khẩu quốc tế.

Ba là, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội và đầu tư tại tỉnh. Tăng cường quảng bá, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nguồn vốn đầu tư vào các lĩnh vực mà tỉnh có thế mạnh.

Bốn là, ưu tiên phát triển một số ngành kinh tế có lợi thế của tỉnh trong giai đoạn tới gồm: Phát triển nông nghiệp hàng hóa hướng tới xuất khẩu, gắn với bao tiêu sản phẩm của các doanh nghiệp, trong đó trọng tâm là hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, tập trung khai thác các loại cây có lợi thế như: Chè, quế, mắc-ca, cây ăn quả... Tập trung thu hút đầu tư phát triển công nghiệp năng lượng, sớm hoàn thành các dự án tiềm năng.

Năm là, tiếp tục phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên đột phá về giao thông để tạo kết nối khai thác lợi thế của vùng, trọng tâm là xây dựng tuyến đường nối thành phố Lai Châu với cao tốc Hà Nội - Lào Cai.

Cuối cùng, quan tâm đầu tư nguồn nhân lực, nhất là thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút nhân tài; đồng thời, phải chăm lo đào tạo nghề.

Khơi dậy tinh thần, bản sắc của 20 đồng bào các dân tộc trong tỉnh cùng với Đảng bộ và Chính quyền quyết tâm, có khát vọng làm giàu, có niềm tin đạt tới sự phát triển kinh tế - xã hội như phóng viên mong muốn.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí! 

Hương Thủy (thực hiện)

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...