Thứ ba, 23/04/2024, 19:02 [GMT+7]

Nâng cao chất lượng lao động vùng dân tộc thiểu số

Thứ tư, 17/08/2022 - 10:17'
Huyện Mường Tè có 14 xã, thị trấn, dân số trên 47.000 người, số người trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ gần 62%, chủ yếu là lao động vùng nông thôn và là dân tộc thiểu số nên chất lượng lao động thấp. Xác định nâng cao chất lượng lao động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu; huyện đã triển khai, thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, qua đó, tạo những chuyển biến tích cực trong nhận thức của người lao động, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội và giảm nghèo bền vững.

Đến bản Ngà Chồ (xã Tà Tổng) khi bà con nơi đây vừa hoàn thành trồng mới diện tích quế đăng ký năm 2022. Nở nụ cười đầy phấn khởi, Vàng A Nính (ở bản Ngà Chồ) chia sẻ: Tôi và dân bản vừa hoàn thành lớp đào tạo trồng quế do UBND xã và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện tổ chức. Đợt này cũng là dịp dân bản được Nhà nước hỗ trợ giống triển khai trồng 10ha quế theo kế hoạch năm 2022.

Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật làm đất, trồng cây nên chúng tôi không bỡ ngỡ khi triển khai trồng, chăm sóc cây quế. Qua những giờ học, tìm hiểu trên các phương tiện thông tin, chúng tôi được biết quế là cây có giá trị kinh tế cao, phù hợp với vùng đất có độ cao dưới 800m so với mặt nước biển. Vụ trồng rừng năm sau, chúng tôi sẽ tiếp tục đăng ký, triển khai trồng quế vào những diện tích đất sản xuất không hiệu quả của gia đình có độ cao và thổ nhưỡng phù hợp.

Người dân bản Ngà Chồ (xã Tà Tổng, huyện Mường Tè) thực hành làm đất trồng quế.

Người dân bản Ngà Chồ (xã Tà Tổng, huyện Mường Tè) thực hành làm đất trồng quế.

Việc người lao động ở nông thôn đã làm chủ kỹ thuật trồng cây, chủ động chuyển đổi cây trồng là kết quả đáng khích lệ trong công tác đào tạo nghề. Trong đó, trung tâm GDNN-GDTX huyện đã phát huy vai trò là đơn vị chủ lực thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề trên địa bàn. Trao đổi với chúng tôi, bà Cao Thu Hằng - Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Mường Tè cho biết: Huyện có 10 dân tộc cùng chung sống, trong đó có nhiều dân tộc đặc biệt ít người như: Cống, Mảng, La Hủ, Si La… Thực hiện các văn bản chỉ đạo của UBND huyện, đặc biệt là định hướng nâng cao chất lượng đào tạo nghề trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trung tâm chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn và các cơ quan chuyên môn xác định nhu cầu đào tạo nghề; chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo cho lao động vùng đồng bào dân tộc ít người.
Năm 2022, trên cơ sở thực tế của địa phương, Trung tâm GDNN-GDTX xây dựng kế hoạch mở 30 lớp, đào tạo nghề cho 1.000 học viên trên địa bàn huyện. Trong đó, có tới 27 lớp tại xã và tập trung vào nhóm nghề nông nghiệp (trồng cây dược liệu, quế, nấm; chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, ong mật) và nhóm nghề phi nông nghiệp (sửa chữa máy nông nghiệp, xây dựng). Đây là những lĩnh vực nghề nghiêp phù hợp với định hướng phát triển kinh tế và nhu cầu sử dụng lao động của huyện. Cùng với đó, trung tâm tập trung đổi mới nâng cao chất đội ngũ cán bộ, giáo viên; thường xuyên cập nhật kỹ thuật, công nghệ mới, bảo đảm yêu cầu về kiến thức, kỹ năng nghề cho học viên.

Đồng thời, phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn chủ động tạo mối liên hệ với các doanh nghiệp đang hoạt động tại địa bàn như: thủy điện, trồng rừng, trồng dược liệu, rà soát nhu cầu sử dụng lao động, xây dựng chương trình liên kết đào tạo. Trung tâm đã chủ động liên kết với Trường Cao đẳng Cộng đồng Lai Châu mở 2 lớp: Trung cấp Khuyến nông - Khuyến lâm; Trung cấp Điện Công nghiệp với trên 30 học viên.
Pa Ủ là xã vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Mường Tè, dân số 100% là dân tộc La Hủ. Nhiệm vụ nâng cao chất lượng lao động đã được cấp ủy, chính quyền xã đặc biệt quan tâm. Ông Lỳ Phí Giá - Chủ tịch UBND xã Pa Ủ cho biết: Xác định rõ vai trò của công tác đào tạo nghề, UBND xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức điều tra, khảo sát và thống kê nhu cầu học nghề của lao động trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm GDNN - GDTX huyện xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn từng năm.

Theo đó, năm 2022 trên địa bàn sẽ tổ chức mở 2 lớp dạy nghề cho người dân như: trồng cây quế và điện dân dụng. Hiện, trên địa bàn có 4 nhà máy thủy điện đang thi công. Xã cũng đã quy hoạch vùng trồng quế tại những khu vực có điều kiện phù hợp. Những lớp đào tạo nghề được mở ra rất phù hợp với nhu cầu của địa phương. UBND xã sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác tổ chức lớp học đảm bảo việc dạy học phải theo đúng thời gian, giáo trình, đối tượng.
Quyết tâm nâng cao chất lượng lao động nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Mường Tè đã được thể hiện qua Kế hoạch “Nâng cao chất lượng đào tạo cho lao động nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2021-2025” của UBND huyện với mục tiêu đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên cho 5.000 lao động nông thôn (bình quân mỗi năm đào tạo 1.000 người). Với mục tiêu, giải pháp cụ thể và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác đào tạo nghề có nhiều chuyển biến tích cực. Đây là cơ sở vững chắc để tin rằng, người lao động nông thôn sẽ đóng góp tích cực vào công cuộc tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội của huyện Mường Tè.

Hà Dũng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...