Thứ tư, 17/04/2024, 04:00 [GMT+7]

Nậm Xe phát triển kinh tế

Thứ sáu, 11/06/2021 - 19:06'
(BLC) - Thực hiện lời Bác dạy “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, cấp ủy, chính quyền xã Nậm Xe (huyện Phong Thổ) đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực thi đua lao động, tăng gia sản xuất phát triển kinh tế. Nhờ đó, chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng lên rõ rệt; bộ mặt nông thôn Nậm Xe nhiều khởi sắc.

Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Đoàn Văn Hoàng - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nậm Xe cho biết: Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã chủ động xây dựng các kế hoạch; chỉ đạo các đoàn thể phối hợp với chi bộ các bản thực hiện nhiều phong trào thi đua yêu nước, trong đó lấy trọng tâm là phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho Nhân dân. Để thực hiện được mục tiêu đó, chúng tôi cụ thể hóa bằng việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề tại chi bộ các bản. Ví dụ như: chuyên đề sinh hoạt quý II của bản Dền Thàng tập trung vào phát triển vùng trồng chè; bản Pà Chải phát triển vùng trồng cây ăn quả… Trên cơ sở ý kiến thống nhất của đảng viên trong từng chi bộ, cấp ủy, chính quyền xã sẽ giao chỉ tiêu cụ thể cho bản.

Đồng thời, gắn phong trào thi đua của các đoàn thể chính trị địa phương như: nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, thanh niên lập thân lập nghiệp. Từ đó, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phát triển kinh tế, giúp người dân tăng thu nhập, thoát nghèo.

Lãnh đạo xã Nậm Xe (huyện Phong Thổ) thường xuyên xuống các bản kiểm tra, hướng dẫn bà con chăm sóc, phòng bệnh cho khoai sọ.

Lãnh đạo xã Nậm Xe (huyện Phong Thổ) thường xuyên xuống các bản kiểm tra, hướng dẫn bà con chăm sóc, phòng bệnh cho cây trồng.

Xã Nậm Xe có 17 bản, 1.459 hộ, trên 6.700 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Dao, Mông… sinh sống. Nhằm thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, cấp ủy, chính quyền xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, trong đó đưa các cây có giá trị kinh tế cao như: chè, chuối, lúa tẻ râu vào gieo trồng; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Vận động bà con các bản tham gia mô hình kinh tế: vùng sản xuất chè, vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung… theo hình thức chuỗi liên kết; duy trì tốc độ tăng trưởng đàn vật nuôi.

Anh Tẩn A Dương ở bản Dền Thàng chia sẻ: Mấy năm nay, được cán bộ xã, bản tuyên truyền, vận động, vợ chồng tôi tích cực lao động sản xuất nông nghiệp để tăng thu nhập. Ngoài cấy lúa, trồng ngô đảm bảo lương thực cho gia đình và phục vụ chăn nuôi gia cầm, vợ chồng tôi khai hoang diện tích trồng cây ăn quả, riềng. Hai năm nay, khoai sọ được mùa, được giá nên tôi chuyển đổi ít diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng khoai sọ. Vụ năm trước, gia đình tôi bán được 40 triệu tiền khoai. Hiện nay, gia đình tôi đang chăm sóc 2ha chuối, 4 sào khoai sọ, 1 sào riềng, 2 sào ngô, 150 cây xoài, gần 8 sào sắn. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu về trên 100 triệu đồng, nhờ vậy cuộc sống khá hơn trước, có của ăn, của để.

Được biết, toàn xã có 558ha lúa, 312ha ngô, 211ha sắn, trên 60ha đậu, khoai các loại; hơn 500ha cây ăn quả, 89ha cây dược liệu, 172ha cây cao su. Tổng sản lượng lương thực hàng năm đạt trên 3.800 tấn. Tổng đàn gia cầm trên 10 nghìn con, đàn gia súc gần 2 nghìn con. Hiện tại, xã đang chỉ đạo các bản đôn đốc Nhân dân tiến hành thu hoạch lúa đông xuân, làm đất cấy lúa vụ mùa đảm bảo khung lịch thời vụ; làm đường băng, đào hố trồng gần 160ha chè; chăm sóc và bảo vệ hơn 5.000ha rừng tự nhiên.

Đồng chí Đặng Xuân Thanh - Chủ tịch UBND xã Nậm Xe cho biết: Cùng với đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xã chú trọng triển khai nhiều chính sách hỗ trợ giống, máy sản xuất nông nghiệp cho bà con theo các chương trình, dự án của Chính phủ, tỉnh. Bên cạnh đó, xã chỉ đạo các tổ chức Hội, Đoàn thanh niên tạo điều kiện thuận lợi để hội viên, đoàn viên tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi, mạnh dạn xây dựng các mô hình kinh tế mới, nâng cao thu nhập.

Hiện nay, nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện qua ủy thác của 4 tổ chức hội, đoàn thể là trên 42 tỷ đồng, tạo điều kiện cho gần 1 nghìn hộ vay vốn thông qua 26 tổ tiết kiệm và vay vốn. Ngoài ra, lồng ghép các nguồn vốn từ nhiều chương trình hỗ trợ giảm nghèo, nông thôn mới, xã chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống giao thông đường nội đồng, đường lên khu sản xuất ở các bản; sửa chữa, nâng cấp, làm mới kênh mương thủy lợi. Đến nay, toàn xã có 11 kênh thủy lợi đã được cứng hóa, có tổng chiều dài 25,6km đảm bảo nước tưới tiêu cho gần 250ha đất cấy lúa, trồng ngô.  

Với sự nỗ lực vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền xã bằng nhiều giải pháp cụ thể gắn phong trào thi đua, học tập và làm theo Bác; sự đồng thuận, nhất trí cao trong Nhân dân, đến nay nền kinh tế của Nậm Xe có bước tiến rõ rệt. Xã từng bước hình thành các khu sản xuất tập trung với các cây trồng có giá trị kinh tế cao. Đơn cử như xã triển khai thực hiện vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tẻ râu có diện tích 30ha ở bản Van Hồ 1, 2; vùng sản xuất chè, cây ăn quả ở bản Dền Thàng, Pà Chải…

Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân trong xã từng bước nâng lên. Năm 2020, xã Nậm Xe đạt thu nhập bình quân 20 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 35,3%.

Đinh Đông

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...