Niềm tự hào của đồng bào dân tộc Mông
Bài 1: A Phử vượt khó
Gian nan đi tìm “con chữ”
Đến xã Nùng Nàng - nơi anh Phử sinh ra và lớn lên vào mùa mưa, nước đổ về đúng lúc cây lúa đang bén rễ. Trên những thửa ruộng bậc thang trải dài một màu xanh ngát, chúng tôi cảm nhận được sự ấm no, yên bình đang hiện hữu nơi đây. Cơ duyên tôi gặp A Phử khi anh xuống cơ sở “thị sát” năng suất, chất lượng quả lê vào thời điểm thu hoạch chính vụ. Vẻ ngoài của anh khác xa so với những gì tôi tưởng tượng. A Phử giản dị, quần xắn quá gối, chân đi dép tổ ong, áo sơ mi tối màu. Anh thu hút tôi bởi thái độ niềm nở, cử chỉ ôn hòa, nhã nhặn. Đưa tay hái trái lê căng tròn mọng nước, A Phử kể về những năm, tháng tuổi thơ của mình cùng bố mẹ và 8 anh, chị, em, vất vả gieo trồng ngô, lúa giống địa phương năng suất thấp, cuộc sống quanh năm túng thiếu.
Sau khi học xong bậc tiểu học, A Phử trèo đèo vượt quãng đường hàng chục cây số từ nhà đến điểm Trường THCS Nùng Nàng ở bản Phan Chu Hoa học chữ Bác Hồ. Bấy giờ, đường gồ ghề, nhiều lúc anh vấp ngã bật cả máu chân. Vậy mà đều đặn sáng nào cũng vậy khi con gà rừng vừa cất tiếng gáy, A Phử ăn vội củ khoai hay bát cơm muối trắng, có hôm ôm bụng đói đến lớp.
Là học sinh khá giỏi của trường Trung học cơ sở Nùng Nàng nên năm học 2005 - 2006, A Phử được xét tuyển thẳng vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (thành phố Lai Châu). Nhưng do cuộc sống gia đình quá khó khăn, A Phử phải nghỉ học để phụ giúp gia đình. Mặc dù vậy, niềm đam mê được đến trường luôn thôi thúc, anh đã mày mò tự học trên sách giáo khoa. Cảm nhận được sự hiếu học của Phử, năm học 2006 - 2007, được gia đình tạo điều kiện anh tiếp tục thi vào Trường THPT thành phố Lai Châu. Kết thúc năm học lớp 11, biến cố ập đến với gia đình, bố ốm nặng, anh trở thành trụ cột chính của gia đình. A Phử lại lần nữa phải nghỉ học, tăng gia sản xuất cùng mẹ chăm sóc bố và nuôi các em.
Những tưởng sẽ không còn cơ hội học tập, song với ý chí quyết tâm theo đuổi con chữ, năm 2011, anh lại quyết tâm đăng ký học lớp 12 tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên - Hướng nghiệp tỉnh. Thay vì 3 năm như thường lệ, thì A Phử phải mất 6 năm gian nan đi tìm “con chữ” ở bậc THPT mới nhận được bằng tốt nghiệp. Nhưng đó chính là nền tảng để đến năm 2012 anh đủ điều kiện thi đỗ trường Đại học Nông - Lâm Thái Nguyên. Trở về địa phương với sự nỗ lực cố gắng không mệt mỏi, tích cực tham gia đầy đủ hoạt động đoàn thể, được cấp uỷ tín nhiệm làm công an viên. Nhiệt tình, trách nhiệm, tháng 7 năm 2014, anh vinh dự được kết nạp Đảng, trở thành đảng viên trẻ tuổi nhất của bản Sáy San 3. Từ năm 2018 đến nay, anh lần lượt được bổ nhiệm, giữ chức Phó Trưởng Công an, Phó Chủ tịch HND và Chủ tịch HND xã Nùng Nàng.
Câu chuyện với ông Má A Cha ở bản Sáy San 3 phần nào giúp chúng tôi hiểu hơn về anh Ma A Phử. Ông Cha nói: “Chứng kiến A Phử từ khi sinh ra cho đến khi lớn lên trưởng thành như hôm nay, trong tôi luôn khâm phục ý chí, nghị lực của cậu bé này. Để rồi hôm nay, A Phử chính là người “truyền lửa” cho cán bộ, hội viên và nhân dân đoàn kết, xây dựng cuộc sống ấm no. Nhờ A Phử tiên phong, đi đầu, định hướng cho người dân biết đầu tư vỗ béo trâu thịt, nuôi ngựa sinh sản theo hướng hàng hóa; chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây đương quy, chanh leo, chè, lê và đào chín sớm. Nghe và làm theo A Phử, nhiều hộ vươn lên làm giàu chính đáng”.
Ông Vàng A Sùng - Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Phan Chu Hoa khi nhắc đến anh Ma A Phử, khuôn mặt ông ánh lên sự tự hào. Ông khâm phục A Phử khiêm tốn, tự học tập, rèn luyện, phấn đấu, miệng nói, tay làm theo gương Bác; nhiệt tình hướng dẫn bà con phát triển kinh tế bền vững. Khi người dân cần hỏi kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt hay băn khoăn về chế độ chính sách của Nhà nước, A Phử đều nhẹ nhàng giải thích thỏa đáng, bà con ai cũng tin yêu, quý mến.
Mạnh dạn đổi mới, sáng tạo
Ở cương vị công tác nào, anh cũng khẳng định vai trò tiên phong, gương mẫu, đi đầu, tuyên truyền cho nông dân nâng cao ý thức tự học tập xóa mù chữ, không trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của nhà nước mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đầu tư, máy móc, vật tư nông nghiệp theo hướng hàng hóa.
Minh chứng rõ nét nhất trong đổi mới, sáng tạo, là vào năm 2018, anh là người đầu tiên của xã mạnh dạn liên kết với Công ty Cổ phần đầu tư Phát triển Chè Tam Đường chuyển đổi hơn 5.000m2 đất ruộng kém hiệu quả sang trồng thử nghiệm cây đương quy. Anh tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, cây đương quy sinh trưởng, phát triển tốt. Mỗi vụ, anh thu hoạch từ 3 - 3,5 tấn, trừ chi phí cho thu nhập trên 100 triệu đồng.
Nhờ diện tích cây đương quy của gia đình anh đem lại hiệu quả kinh tế cao, người dân tin tưởng đến tham quan, học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Hiện, xã có 12 hộ trồng hơn 3ha cây đương quy, nâng cao thu nhập cải thiện cuộc sống gia đình.
Không dừng lại, anh còn là người đầu tiên trên địa bàn chuyển đổi nương ngô kém hiệu quả sang trồng thí điểm 50 cây lê. Để cây lê quả to, đẹp mã, anh áp dụng khoa học kỹ thuật vào bón phân, phòng trừ sâu, bệnh, tỉa lá, quả. Một số diện tích, anh mua túi nilon về bọc quả để không bị ong, ruồi vàng chích. Đến nay, anh có 1ha với 250 cây lê đang thu hoạch quả, đem lại thu nhập cho gia đình trên 30 triệu đồng mỗi năm.
Từ mô hình trồng cây lê của gia đình anh, thấy hiệu quả kinh tế mang lại cao người dân trong bản đã học và làm theo. Hiện, xã có 254 hộ trồng hơn 47ha lê, trong đó 23,24ha cho thu hoạch quả. Không ít người dân khá lên từ trồng cây lê. Điển hình, anh Ma A Kỷ ở bản Sáy San 3, Anh Kỷ nói: “Nếu A Phử không chuyển đổi trước có lẽ chẳng ai dám làm. Tôi học A Phử trồng 350 cây lê, trong đó, 200 cây đã cho thu hoạch quả, mấy vụ vừa rồi gia đình tôi thu về trên 40 triệu đồng”.
Ngoài ra, A Phử còn nuôi trâu thịt, 120 đôi chim bồ câu pháp sinh sản, chăm sóc 70 gốc cây ổi, trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh thu lãi 300 triệu đồng và lan tỏa, giúp đỡ trên 30 hộ dân học tập, làm theo. Mô hình nông nghiệp của gia đình anh có cây, con gì mới, bà con trong xã đều đến thăm quan, học hỏi và làm theo.
Cần cù, ham học hỏi, anh Phử khẳng định vai trò tiên phong, mạnh dạn đổi mới, sáng tạo, đưa giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất, giúp gia đình và người dân thay đổi cách thức sản xuất nông nghiệp bền vững. Anh xứng đáng là tấm gương sáng trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh.
(Còn nữa)
Thu Minh
Bình luận