Thứ sáu, 29/03/2024, 00:51 [GMT+7]

Tạo đồng thuận từ thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

Thứ tư, 30/12/2020 - 15:07'
(BLC) - Năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thiên tai, tuy nhiên kinh tế - xã hội của Nậm Sỏ (huyện Tân Uyên) vẫn đạt nhiều thành quả quan trọng, đặc biệt, đến thời điểm này hoàn thành 100% tiêu chí nông thôn mới. Một trong những yếu tố quan trọng để có kết quả đó là quy chế dân chủ thực sự phát huy ở từng chủ trương, quyết định của cấp ủy, chính quyền trên tinh thần: dân biết, dân bàn, dân kiểm tra và cùng thực hiện.

Xã Nậm Sỏ có 16 bản với 1.496 hộ, 8.172 nhân khẩu với 5 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc Thái chiếm tới 70,73%. Dân số đông, địa bàn rộng, nhiều bản xa trung tâm. Thậm chí, cuối năm 2019, xã mới chỉ đạt 12 tiêu chí nông thôn mới, 7 tiêu chí còn lại (giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, môi trường, an toàn thực phẩm) không dễ thực hiện. Đáng nói là theo lộ trình, năm 2020, xã phải cán đích nông thôn mới. Hoàn thành nhiệm vụ này, cách duy nhất là tăng cường sự đồng thuận, niềm tin của Nhân dân với vai trò lãnh, chỉ đạo của Đảng; phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên “nói đi đôi với làm”, “vì Nhân dân phục vụ”.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lò Văn Hặc - Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo quy chế dân chủ (gọi tắt là BCĐ) xã cho biết: Ngay từ đầu năm, căn cứ chỉ đạo của Đảng ủy xã, BCĐ đã xây dựng Kế hoạch số 01-KH/BCĐ, ngày 21/2/2020; phối hợp với Khối dân vận chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Cụ thể là kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; lãnh, chỉ đạo chính quyền, đoàn thể thực hiện tốt nghị quyết của Đảng, HĐND, giám sát các chỉ tiêu năm 2020 liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng của Nhân dân. Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Nắm bắt tình hình để có biện pháp xử lý, tháo gỡ kịp thời ngay tại cơ sở, trực tiếp đồng chí Bí thư Đảng ủy xã chủ trì các buổi đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy với Nhân dân. Thông qua tiếp xúc cử tri giữa đại biểu HĐND và Ủy ban MTTQ Việt Nam tiếp thu các ý kiến chuyển về UBND xã trả lời, giải quyết đúng thẩm quyền. Tại trụ sở xã, Bộ phận “Một của” có hòm phiếu góp ý của các tổ chức, cá nhân khi đến giao dịch. Sớm công khai các nội dung để Nhân dân biết, giám sát việc thực hiện như: bản đồ quy hoạch sử dụng đất đai của xã; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán, quyết toán thu-chi ngân sách địa phương hàng năm; thu các loại phí, quỹ vận động của các cấp; chính sách liên quan trực tiếp đến người dân (cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, bình xét hộ nghèo, gia đình văn hóa…).

Các nội dung Nhân dân bàn và quyết định trực tiếp cũng được BCĐ xã quan tâm, thực hiện nghiêm túc. Đã công khai chủ trương, phương án đầu tư, mức đóng góp xây dựng công trình phúc lợi như thủy lợi tưới tiêu, sửa chữa, xây dựng nhà văn hóa, công trình thắp sáng đường quê hay mở rộng, nâng cấp các tuyến đường nội bản cần nguồn lực của Nhân dân trong hiến đất, góp ngày công. Cùng với đó, UBND xã phối hợp với MTTQ, các đoàn thể xã, hội viên, đoàn viên, Nhân dân tổ chức họp, trực tiếp bàn bạc và quyết định theo đa số. Việc làm này tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân và đồng nghĩa với trách nhiệm của người đứng đầu được nâng cao, thể hiện rõ.

Nhà văn hóa xã Nậm Sỏ được xây dựng và hoàn thành trên tinh thần dân bàn, dân giám sát.

Nhà văn hóa xã Nậm Sỏ được xây dựng trên tinh thần dân bàn, dân giám sát.

Địa bàn xa, giao thông khó khăn, chi phí vận chuyển nguyên liệu, tiền công xây dựng tăng nhưng định mức phân bổ chỉ 150 triệu đồng/nhà văn hóa, nhờ công khai, dân chủ bàn bạc, thống nhất, với sự vào cuộc của cả cộng đồng, đến nay, 9 nhà văn hóa bản và 1 nhà văn hóa xã hoàn thành xây dựng, đảm bảo tiến độ, chất lượng. Điều này khá bất ngờ, bởi đầu năm 2020, toàn xã chỉ có 3 nhà văn hóa bản, theo phân bổ của huyện sẽ thực hiện thêm 9 nhà tại 9 bản. Nguồn hỗ trợ không thể đủ, xã tổ chức họp bản với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể cùng Nhân dân bàn thảo, thống nhất mức đóng góp trên tinh thần tự nguyện. Kết quả, bình quân mỗi hộ nhất trí ủng hộ 500.000 đồng trích từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng; xã huy động thêm các tổ chức, cá nhân, nhất là doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn ủng hộ cát, đá, ximăng. Các bản trực tiếp lựa chọn tổ, nhóm thợ đảm nhiệm thi công nhằm giảm tối đa chi phí; nếu không thực hiện xã sẽ chỉ định ở bản khác đảm nhiệm nhưng vẫn trên tinh thần “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.

Nhà văn hóa xã quy mô nhà sàn, trị giá 1.363 triệu đồng, với trên 200 chỗ ngồi giờ đây đảm bảo phục vụ sinh hoạt văn hóa và tổ chức các sự kiện lớn của xã. 9 nhà văn hóa bản với tổng giá trị 1.500 triệu đồng, nâng tổng số 12 bản có nhà văn hóa; 4/16 bản có nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đáp ứng nhu cầu hội họp, giao lưu, luyện tập thể dục thể thao, văn nghệ của Nhân dân. Và, chủ trương xã hội hóa lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng tại các ngõ bản cũng được triển khai theo cách làm đó. Kết quả, trong năm đã lắp đặt 230 bóng điện chiếu sáng, giúp việc đi lại, sinh hoạt của Nhân dân thuận lợi hơn, an ninh trật tự được kiểm soát, giữ vững.

Đảm bảo hoàn thành sớm nhất các nhiệm vụ chính trị,  UBND xã cũng đã phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức họp, thông báo, lấy ý kiến của Nhân dân đóng góp vào việc sửa chữa các công trình phúc lợi, bổ sung và biểu quyết dự thảo hương ước, quy ước bản. Kể cả các nội dung bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm trưởng bản, trưởng bản đồng thời là bí thư chi bộ; sáp nhật bản, bầu, bãi nhiệm thành viên Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát cộng đồng, kiện toàn thành lập các tổ hòa giải đều được Nhân dân tham gia biểu quyết, nhất trí cao.

Trong năm 2020, toàn xã có 197 hộ dân tự nguyện hiến 17.300m2 đất làm đường giao thông; đóng góp trên 220 ngày công lao động xây dựng các tuyến đường, nhà văn hóa và nhà lớp học. Tổng sản lượng cây có hạt  3.604,4 tấn; trồng và chăm sóc tốt diện tích 693,18ha cây quế, 222,35ha cây sơn tra, 155 ha cây mắc ca. Tỷ lệ tăng đàn gia súc đạt trên 6%; hộ nghèo giảm 6,37% (còn 10,49%); thu nhập bình quân đầu người 36,01 triệu đồng… Và, Nậm Sỏ chính thức hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Những con số ấn tượng đó là minh chứng rõ nét nhất: khi được làm chủ, quyết những việc quan trọng thì “khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Hoàng Nam

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...