Thứ năm, 28/03/2024, 15:40 [GMT+7]

Tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022

Thứ năm, 30/06/2022 - 16:48'
(BLC) - Hội nghị được Bộ Chính trị tổ chức theo hình thức trực tuyến toàn quốc sáng 30/6.

Chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC); Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Phan Đình Trạc - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC.

Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, thành viên Ban Chỉ đạo PCTNTC; đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước… dự Hội nghị.

Tại điểm cầu tỉnh Lai Châu, dự có các đồng chí: Lê Văn Lương - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trần Tiến Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Chu Lê Chinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Giàng A Tính - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng các đồng chí lãnh đạo Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo, Ban Nội chính, Ban Dân vận…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đồng chủ trì hội nghị

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đồng chủ trì Hội nghị.

Hội nghị Trung ương 5, khóa XI (tháng 5/2012) đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban, nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ, rõ rệt trong công tác PCTN trên phạm vi toàn quốc. Nhìn lại chặng đường 10 năm thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, công tác PCTNTC được lãnh, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu. Có bước đột phá, với quyết tâm chính trị rất cao, nghiêm khắc, nhưng cũng rất nhân văn, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và đạt nhiều kết quả rất quan trọng, được cán bộ, đảng viên, Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế của Đảng, Nhà nước về xây dựng Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và PCTNTC được đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng, tiêu cực”. Công tác cán bộ được chú trọng cải cách hành chính, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ và các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực đạt kết quả tích cực.

Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về PCTNTC được đổi mới, tăng cường, góp phần nâng cao nhận thức và tạo đồng thuận trong xã hội; vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội Nhân dân và báo chí trong PCTN, tiêu cực được phát huy tốt hơn...

Kết quả, trong 10 năm cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên (tăng 16.100 đảng viên so với 10 năm trước). Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ diện Trung ương quản lý; hơn 50 sĩ quan cấp tướng. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý (cao hơn gấp 4 lần so nhiệm kỳ XI và gần bằng một nửa số cán bộ cao cấp bị xử lý của nhiệm kỳ XII).

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu.

Đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu.

Qua công tác thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975.000 tỷ đồng, gần 76.000ha đất; chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm; kiến nghị xử lý hơn 2.000 văn bản pháp luật có sơ hở, bất cập.

Các cơ quan tiến hành tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra hơn 19.500 vụ án, gần 33.900 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Riêng Ban Chỉ đạo, từ khi thành lập đến nay, đã đưa 977 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ. Công tác thu hồi tài sản tham nhũng có chuyển biến tích cực, cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã thu hồi 61 ngàn tỷ đồng.

Phát huy những kết quả đạt được thời gian tới tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện như: tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân; trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm và làm đi đôi với nói của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong PCTNTC.

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện thể chế để “không thể tham nhũng, tiêu cực”. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh, đồng bộ các hành vi tham nhũng, tiêu cực, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu tác động không trong sáng của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới…

Tại Hội nghị các đại biểu đã tham luận, thảo luận một số nội dung về các giải pháp, kinh nghiệm trong triển khai thực hiện công tác PCTNTC…

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC nhấn mạnh: Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu chấp hành, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về PCTNTC. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Xây dựng và thực hiện tốt quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp; phê phán, lên án, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. 

Phải xây dựng cơ chế phòng ngừa chặt chẽ, bảo đảm để không thể tham nhũng; không chủ quan, nóng vội, không được né tránh, cầm chừng, không ngừng nghỉ và kiên trì, ngăn ngừa, răn đe để không xảy ra tham nhũng. Kết hợp chặt chẽ các biện pháp phòng ngừa, phát hiện xử lý; tích cực, khẩn trương xử lý các hành vi tham nhũng, bao che tham nhũng...

Đồng bộ giữa kỷ luật Đảng, Nhà nước, kỷ luật Đảng xử lý trước, làm tiền đề cho xử lý Nhà nước. Gắn PCTNTC với thực hành chống lãng phí, chống suy thoái về đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong PCTNTC. Dựa vào dân, lắng nghe dân, lắng nghe dư luận để tiếp thu cái đúng; triển khai có hiệu quả PCTNTC ra cả khu vực ngoài nhà nước; tăng cường hợp tác quốc tế về PCTNTC.

Ban Chỉ đạo PCTNTC cần nêu cao vai trò, trách nhiệm, đội ngũ PCTNTC cần có lập trường tư tưởng vững vàng là “thanh bảo kiếm” trong công tác PCTNTC; có chính sách đãi ngộ hợp lý cho đội ngũ PCTNTC để họ có động lực, yên tâm thực hiện nhiệm vụ PCTNTC. Tăng cường thanh tra, giám sát, kiểm toán nhằm phát hiện sớm, xử lý nghiêm và kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng… Qua đó, góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, được dân tin tưởng...

Vương Trang - Hồng Thắm

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...