Thứ tư, 17/04/2024, 00:22 [GMT+7]

Tổng kết Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020

Thứ ba, 19/01/2021 - 15:26'
(BLC) - Sáng nay (19/1), Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020; Đề án bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã giai đoạn 2014 - 2020; Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và chủ trì Hội nghị.

Tại điểm cầu tỉnh, đồng chí Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh dự Hội nghị.

Việt Nam hiện đang ở giai đoạn “dân số vàng” với lực lượng thanh niên khoảng 23.684 nghìn người, chiếm khoảng 24,3% tổng dân số cả nước. Trong đó, tỷ lệ nam thanh niên là 51,5% và nữ thanh niên là 48,5%. Những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành và toàn xã hội ngày càng quan tâm, tạo điều kiện chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thanh niên nhằm mục tiêu phát triển toàn diện thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước. Đồng thời, ban hành các cơ chế, chính sách bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ và sự tham gia của thanh niên vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Huy động thanh niên tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thế hệ thanh niên Việt Nam ngày nay giữ vững và phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc; vững vàng về bản lĩnh, tự tin, năng động, sáng tạo; tích cực, chủ động trong học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước. Thanh niên có khát vọng và ý chí vươn lên lập thân, lập nghiệp; tham gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.

Là nguồn nhân lực trẻ, được tiếp cận và thụ hưởng nền văn hóa, giáo dục hiện đại, thanh niên ngày càng nhận thức rõ hơn về nghĩa vụ và trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội; quan tâm đến các vấn đề chính trị, xã hội của đất nước, khu vực và thế giới. Sẵn sàng xung kích, tình nguyện đến những địa bàn khó khăn, gian khổ của đất nước để rèn luyện, cống hiến và trưởng thành; chủ động, tích cực học tập, góp phần hình thành thế hệ công dân Việt Nam toàn cầu mới với năng lực, tự tin và hành trang hội nhập tốt.

Các bộ, ngành, địa phương chú trọng xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đối với thanh niên trên các lĩnh vực; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, phát triển thanh niên. Lồng ghép các chỉ tiêu phát triển thanh niên khi xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế, hội của bộ, ngành, địa phương mình. Tăng cường kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện và báo cáo kết quả về Bộ Nội vụ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Dấu ấn lớn nhất trong giai đoạn này là việc Quốc hội khóa XIII thông qua Luật Thanh niên. Đây chính nền tảng, cơ sở quan trọng để các cấp, ngành tiếp tục cụ thể hóa và hoàn thiện chính sách, pháp luật về thanh niên.

Đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh.

Đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta.

Phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2021 - 2030, Bộ Nội vụ xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và tổ chức triển khai thực hiện. Nâng cao nhận thức, xác định mục tiêu, trách nhiệm cụ thể của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tổ chức thực hiện Chiến lược và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nhằm chăm lo, bồi dưỡng và phát triển toàn diện thanh niên. Quán triệt, thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên.

Hội nghị thông qua Đề án bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã giai đoạn 2014 - 2020; Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020.

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 6 tập thể, 4 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020.

Thực hiện Quyết định số 1758/QĐ-TTg ngày 30/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia xây dựng nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020, trên địa bàn tỉnh tuyển chọn 15 đội viên được bố trí tại các xã thuộc 5 huyện: Than Uyên, Sìn Hồ, Phong Thổ, Nậm Nhùn, Mường Tè. Việc phân công nhiệm vụ cho đội viên được các xã thực hiện kịp thời, đúng với trình độ chuyên môn đào tạo của đội viên, phù hợp tình hình thực tế của xã và nguyện vọng của đội viên.

Trong đó, 7 đội viên được phân công phụ trách lĩnh vực địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường; 2 đội viên được phân công phụ trách lĩnh vực tài chính, kế toán; 3 đội viên được phân công phụ trách lĩnh vực văn phòng, thống kê và 3 đội viên được phân công phụ trách lĩnh vực văn hóa, xã hội. Các đội viên Đề án 500 trí thức trẻ tỉnh khắc phục những khó khăn hòa nhập với môi trường văn hóa, phong tục tập quán của người địa phương; thực hiện "3 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với cán bộ, công chức và Nhân dân; thường xuyên đi thực tế ở bản, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân để kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết, tháo gỡ khó khăn vướng mắc; tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng; vận động Nhân dân địa phương thực hiện theo đúng các chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao với những nỗ lực, cố gắng của Bộ Nội vụ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương trong triển khai, thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020; Đề án bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã giai đoạn 2014 - 2020; Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020 thời gian qua.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian tới, đối với Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, các bộ, ngành Trung ương và địa phương lồng ghép các chỉ tiêu phát triển thanh niên; tăng cường báo cáo kết quả về công tác thanh niên; tạo nguồn lực phát triển cho thanh niên, trong đó đặc biệt quan tâm đến đội ngũ tri thức trẻ. Đối với Đề án bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã giai đoạn 2014 – 2020 và Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020, các bộ, ngành và địa phương cần đổi mới cách làm, chú trọng rèn luyện đạo đức cách mạng cho thanh niên, trí thức trẻ gắn bó với địa phương; nhất là rèn kiến thức kỹ năng để thanh niên gắn bó với địa phương lâu dài, đáp ứng với yêu cầu phát triển của đất nước.

Thu Minh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...