Thứ sáu, 29/03/2024, 19:09 [GMT+7]

Triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định dạng và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia

Thứ ba, 18/01/2022 - 21:33'
(BLC) - Chiều ngày 18/1, Bộ Công an phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định dạng và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Hội nghị được kết nối từ điểm cầu Văn phòng Chính phủ tới trụ sở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số dự và chỉ đạo Hội nghị.

Tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có các đồng chí: Lê Văn Lương - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Tống Thanh Hải - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan... dự.

Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký, ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định dạng và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đề án xác định 7 quan điểm chỉ đạo lớn, mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể cùng 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện với lộ trình của từng nhiệm vụ trong năm 2022 và giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030.

Kèm theo đó là danh mục 25 thủ tục hành chính (TTHC) thiết yếu ưu tiên, tích hợp chia sẻ dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết TTHC và danh mục 52 nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, 5 nhóm nhiệm vụ tập trung vào: nhóm tiện ích phục vụ giải quyết TTHC và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; nhóm tiện ích phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Điểm cầu tại tỉnh ta.

  Đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tại tỉnh Lai Châu.

Đại diện các bộ, ngành, địa phương tham luận tập trung vào nội dung: triển khai các nhiệm vụ của Đề án theo chức năng, nhiệm vụ được giao, nhất là đảm bảo đường truyền, kết nối dữ liệu phục vụ triển khai Đề án; ứng dụng dữ liệu dân cư, định dạng và xác thực điện tử với công tác xét xử trực tuyến và triển khai Tòa án điện tử; triển khai Đề án phục vụ xây dựng thành phố thông minh và chuyển đổi số toàn diện...

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công an công bố quyết định phê duyệt danh sách thành viên Tổ công tác triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định dạng và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 với 16 thành viên do đồng chí Tô Lâm - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an làm Tổ trưởng Tổ công tác. Ban hành quy chế hoạt động của Tổ công tác với 4 chương, 10 điều.

                                                                      Quang cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc.

   Quang cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc.

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Đây là sự kiện quan trọng góp phần khẳng định những nỗ lực trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, cụ thể hóa nghị quyết, chủ trương của Đảng trong việc thực hiện triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII là: “Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số”. Thủ tướng biểu dương những nỗ lực, cố gắng của lực lượng công an Nhân dân trong xây dựng thành công cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân.

Thủ tướng giao nhiệm vụ trong thời gian tới: Yêu cầu Tổ công tác triển khai Đề án thường xuyên theo dõi, xem xét, đôn đốc quyết liệt các nhiệm vụ được giao, các tỉnh, thành phổ phải lập Tổ công tác triển khai Đề án. Các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, nhất là Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch, thời gian và nhân lực để thực hiện thành công; các bộ ngành, địa phương khẩn trương đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là 25 dịch vụ công thiết yếu để phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Đồng thời, đẩy mạnh chuẩn bị nền tảng, kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia chuyên ngành. Các bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát, tháo gỡ theo thẩm quyền hoặc đề xuất các cấp tháo gỡ những vướng mắc về quy định của pháp luật có liên quan. Cần ưu tiên bố trí kinh phí hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, bố trí đủ nguồn nhân lực, nhất là nhân lực công nghệ thông tin để tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án. Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ phát huy vai trò thường trực trong thực hiện Đề án.

Thái Hà

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...