Thứ tư, 17/04/2024, 02:40 [GMT+7]

Ông Sâm thoát nghèo

Thứ ba, 18/06/2019 - 21:40'
(BLC) - Mạnh dạn vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất, ông Nùng Văn Sâm, 55 tuổi, dân tộc Thái ở bản Mé (xã Mường Cang, huyện Than Uyên) đã vươn lên thoát nghèo.

Sinh ra và lớn lên trên quê hương Mường Cang trong gia đình nhà nông nghèo có 8 anh em, cuộc sống gia đình ông Sâm gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Sau khi lập gia đình được 3 năm, vợ chồng ông ra ở riêng với tài sản là vài nghìn mét vuông ruộng và 3ha đồi rừng. Dù quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng do thiếu trình độ canh tác, vốn đầu tư thâm canh không có nên hiệu quả không cao, rồi 4 con lần lượt ra đời, cuộc sống gia đình ông luôn trong cảnh đói nghèo. Mãi đến năm 2015, được cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể xã Mường Cang tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cách làm kinh tế, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương; sau nhiều đêm suy nghĩ, ông bàn với vợ vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư phát triển chăn nuôi trâu sinh sản, lợn nái, gia cầm và đào 400m2 ao thả cá. Trên diện tích ruộng (5.000m2), ông đưa các loại giống lúa thuần chất lượng cao vào gieo trồng. Đồng thời, tích cực chăm sóc rừng cây bạch đàn, cây keo gần 4ha trồng từ năm 2010. Chăm chỉ làm lụng, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật nên hiệu quả kinh tế của gia đình được nâng lên. Mỗi vụ lúa, gia đình ông thu hoạch gần 3 tấn thóc; nuôi hơn chục con lợn/lứa, bán ra thị trường gần 1 tấn lợn thịt và khoảng 2 - 3 tạ cá/năm… Với thu nhập 50 - 60 triệu đồng/năm, đến hết năm 2018, gia đình Ông Sâm đã thoát khỏi hộ nghèo và trả được số tiền vay ngân hàng.

Ông Sâm kiểm tra sự sinh trưởng, phát triển của diện tích ổi mới cho quả bói.

Không dừng lại ở đó, đầu năm 2019, ông tiếp tục vay 100 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư phát triển mô hình trồng cây ăn quả với 500 gốc cây mít, ổi, bưởi, táo, chuối trên diện tích 1ha. Ngoài ra, ông tích cực trồng xen ngô, lạc, sắn để phục vụ cho sản xuất của gia đình. Chú trọng đầu tư, chăm sóc nên các loại cây sinh trưởng, phát triển tốt. Hiện nay, cây ổi bắt đầu cho quả bói. Mô hình cây ăn quả của gia đình ông hứa hẹn sẽ cho thu nhập vài trăm triệu đồng/năm trong thời gian tới.

Chỉ về phía rừng keo, bạch đàn đã được 9 năm tuổi, ông Sâm tâm sự: “Tuy vất vả nhưng tôi luôn cố gắng lao động, phát triển kinh tế. Có như vậy mình mới làm gương cho các con, các cháu học tập và làm theo”.

“Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, nhìn thành quả lao động của gia đình ông Sâm có được bằng chính sức lao động của mình, chúng tôi thật sự thấy khâm phục nghị lực vượt khó của người nông dân nghèo. Tuy mô hình chưa mang lại hiệu quả kinh tế song đã tạo nền tảng vững chắc để gia đình ông Sâm có thu nhập ổn định và có thể vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Không chỉ tích cực phát triển kinh tế, ông Sâm còn nhiệt tình tham gia các phong trào, hoạt động ở địa phương, đóng góp ý kiến xây dựng bản ngày càng phát triển, được dân bản quý mến, tin tưởng.

Về dự định thời gian tới, ông Sâm chia sẻ sẽ tiếp tục đầu tư để mô hình cây ăn quả phát triển tốt. Đồng thời, chú trọng phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn để tận dụng nguồn phân chuồng bón cho các loại cây trồng.

Chúng tôi tin tưởng với ý chí, nghị lực và hướng đi đúng, mô hình kinh tế của gia đình ông Sâm sẽ thành công. Từ đó là tấm gương cho các hộ nghèo trong bản, trong xã học tập và làm theo.

Mạnh Cường - Đài TT-TH Than Uyên

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...