Thứ sáu, 29/03/2024, 01:01 [GMT+7]

Ở nơi "2 xóa", "2 giảm"

Thứ sáu, 06/09/2019 - 22:33'
(BLC) - Lạc hậu, nghèo túng, tệ nạn xã hội - những hệ lụy đó bắt nguồn từ hủ tục mang tính truyền thống, thói quen tự cung tự cấp, mù chữ khiến cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông ở xã Hố Mít (huyện Tân Uyên) từng luẩn quẩn trong vòng xoay thiếu thốn bao năm không dứt. Hố Mít hôm nay đang tự tin trên hành trình cán đích nông thôn mới cuối năm 2019 và một trong những nhân tố quan trọng mang luồng gió mới - đổi thay xã nghèo chính là người con của quê hương - Đại úy Tráng A Chai (SN 1986, Đội An ninh, Công an huyện Tân Uyên, thuộc diện công an chính quy về tăng cường đảm bảo an ninh trật tự). Bởi với anh, đây không chỉ là trách nhiệm của người chiến sỹ Công an Nhân dân "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ" mà hơn hết luôn thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Đâu cần thanh niên có, việc gì khó, thanh niên làm".

Xóa hủ tục treo người chết lâu ngày trong nhà

Đã lâu tôi mới có dịp trở lại Hố Mít, con đường từ xã Pắc Ta vào trung tâm xã náo nhiệt, bởi bà con về trung tâm thị trấn huyện tham gia Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc do huyện tổ chức nhân dịp Quốc khánh 2/9. Cảnh sắc bản làng bình yên, trên nương, chè, ngô xanh ngắt, dưới cánh đồng, tiếng máy tuốt ồn vang bên những thửa ruộng lúa ngả bông vàng óng. Ấn tượng của tôi khi gặp Chai là tác phong đĩnh đạc, giọng nói ấm áp, bình tĩnh pha chút hài hước và hơn hết là tâm huyết với nghề, nặng lòng, trăn trở trước sự hủ tục trong ma chay, cưới hỏi, tình trạng tảo hôn, ma túy trong đời sống của đồng bào nơi mình sinh ra trong mỗi câu chuyện kể.

Mặc dù sinh ra và lớn lên ở Hố Mít nhưng từ khi học THPT đến chuyên nghiệp rồi nhận công tác, thậm chí lấy vợ, làm nhà ở bản Lầu của xã nhưng Chai rất ít khi về, trừ những ngày nghỉ phép ngắn ngủi bởi đặc thù công việc. Do vậy, tình hình địa phương chỉ biết sơ sơ qua lời kể của người thân. Năm 2015, anh chính thức được đơn vị giao nhiệm vụ về tăng cường đảm bảo an ninh trật tự tại xã. Với những kiến thức, trải nghiệm thực tế công tác, qua rà soát, nắm tình hình, Chai sớm nhận ra quê hương mình còn quá khó khăn, tồn tại những hủ tục vô lý… Và, anh quyết định góp sức đổi thay quê nghèo bằng chính những tâm huyết, kiến thức ở trường lớp, kinh nghiệm công tác và thiết thực học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh từ việc nhỏ nhất trong công việc cũng như đời sống hằng ngày. Đặc biệt là thay đổi tư duy, hủ tục trong ma chay đang là rào cản lớn để người Mông vươn lên thoát cảnh nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng nếp sống văn hóa mới.

Chai bảo: Thời điểm trước khi mình về cắm xã, nói đến Hố Mít có thể gói gọn trong vài từ: đói nghèo, lạc hậu, nghiện hút, tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Nhân dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, tính cố kết cộng đồng rất cao nhưng lại bảo thủ trong suy nghĩ, hành động. Cái gì không được nhìn tận mắt, không được học nhất nhất không thay đổi. Mình từng tự hỏi, không phải là địa bàn xa trung tâm huyện, sao bà con còn giữ nhiều tập tục lạc hậu đến vậy. Đặc biệt là tục lệ không cho người chết vào áo quan mà đan cáng tre treo thi hài trong nhà trước khi chọn được ngày tốt đưa đi chôn (trung bình từ 4 - 5 ngày, lâu hơn là 7 ngày). Sau khi trao đổi với đồng nghiệp tại xã Nậm Chày, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai về tập tục ma chay; tham khảo một số già làng, trưởng bản và thầy mo, thầy cúng, mình từng hỏi: “Sao nơi khác làm được, đồng bào mình lại không?”. Các bác, các chú cũng nói: “Không phải khó làm mà chưa có người đưa đi học thôi!”.

Mở cờ trong bụng, sau khi cùng đồng đội tiến hành điều tra cơ bản, rà soát trên địa bàn, Chai trực tiếp xin ý kiến lãnh đạo Đội An ninh. “Nếu làm được thì rất tốt và đơn vị sẽ tạo điều kiện để các đồng chí hoàn thành” - lời nhắn gửi của lãnh đạo đơn vị cùng với kế hoạch thực hiện cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa mới trên địa bàn xã Hố Mít giúp Chai thêm động lực.

Vạn sự khởi đầu nan, “đầu đã xuôi” nhưng lúc này hành trình hiện thực hóa ý tưởng đó mới chính thức bắt đầu. Chai quyết định “dân vận khéo” người có uy tín trước, sau đó đến thầy mo, thầy cúng trong dòng họ Tráng và những người thân quen của bố - ông Tráng A Khua (làm nghề thầy cúng). Nhận được không ít cái lắc đầu, câu nói cửa miệng: “Giàng ơi! Mày bỏ ý định đó đi. Tổ tiên sẽ phật ý và làm dân bản khổ đấy!” mỗi khi về bản, đến các gia đình vận động tham gia Đoàn đi học tập thực hiện nếp sống mới trong việc tang tại huyện Văn Bàn không khiến Đại úy Chai nản lòng.

Kiên trì thuyết phục, cuối cùng Chai cũng vận động được 12 thầy mo, thầy cúng tham gia Đoàn. Những tưởng mọi việc “thuận buồm xuôi gió” nhưng ngay thời điểm đó có trường hợp ông Tráng A Giế ở bản Tà Hử (trước từng công tác tại xã) trước khi mất có tâm nguyện cho vào quan tài mang đi chôn chứ không treo trong nhà như truyền thống. Mặc dù gặp nhiều sự phản đối của dòng họ, thầy cúng, thầy mo nhưng gia đình vẫn thực hiện theo di nguyện của người quá cố. Sau một thời gian ngắn, 4/6 người con của ông Giế gặp bất trắc trong cuộc sống. Tiếng dữ đồn xa, dân bản đều khẳng định gia đình ông Giế đi ngược lại truyền thống của người Mông nên bị Giàng quở phạt, ma rừng, ma núi quấy nhiễu.

Tráng A Chai

Đại úy Tráng A Chai vận động Nhân dân bản Mít Nọi thực hiện nếp sống văn hóa mới.

Kế hoạch của Chai bị phá bỏ và phải thực hiện từ con số không. Chai chia sẻ: “Mình lên nhà thầy cúng, thầy mo nhiều đến nỗi có gia đình cắm hoặc treo cành lá xanh ở cửa (dấu hiệu kiêng kỵ, không cho người lạ vào), thậm chí tỏ vẻ khó chịu ra mặt. Có thể mình tên Chai nên độ gan lì có thừa. Vận động tập trung qua họp bản, lồng ghép đoàn thể không được, mình lại tổ chức vận động cá biệt. Chắc thấy mình làm cán bộ rồi nhưng vẫn giữ được sự chất phác của con trai người Mông nên đã đồng tình: “Ai không biết chứ con với cháu vừa biết chữ lại làm cán bộ, thông thạo phong tục tập quán như nó, chúng ta nên tin tưởng, ủng hộ”. Vậy là năm 2015, Đoàn vẫn tổ chức đi học tập được như dự kiến.

Với nguồn kinh phí do UBND xã và Công an huyện hỗ trợ, Chai trực tiếp đưa Đoàn sang xã Nậm Chày trong 1 tuần tham quan, học hỏi kinh nghiệm tổ chức tang lễ của người Mông theo hướng tiết kiệm, văn minh nhưng vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống vốn có.

Đúng ngày trở về, bản Tà Hử có cháu bé ăn lá ngón tự tử, gia đình đang tiến hành làm các thủ tục ma chay. Chai đưa các thành viên trong Đoàn đến gia đình anh Vàng A Đơ (bố cháu bé) vận động thay đổi phương thức tổ chức, cho cháu vào áo quan đưa đi chôn cất. Ý kiến này ngay lập tức nhận được sự phản đối quyết liệt của thầy cúng, thầy mo được gia đình mời làm lễ trước đó. Họ tuyên bố nếu cố tình làm, sau này xảy ra vấn đề gì những người đi học tập về tự chịu trách nhiệm. Còn anh Đơ và vợ lo ngại không biết làm như vậy có đúng không, trong khi việc đan cáng tre đã hoàn tất mà với người Mông tuyệt đối kiêng kị khi đã chuẩn bị xong mà phải thay đổi.

Sau gần một buổi thuyết phục và đồng chí Chủ tịch UBND xã quyết định mua tặng bộ áo quan, anh Đơ đồng thuận nhưng yêu cầu phải đặt áo quan vào trong cáng tre. Về thời gian tổ chức, Chai tổ chức bàn thảo với chủ nhà và thành viên trong Đoàn thay vì trước đây chọn ngày đẹp trong tháng thì nay chọn giờ đẹp trong ngày bởi 12 con giáp cũng gắn liền với 12 giờ. Như vậy, không chỉ tiết kiệm kinh phí mà còn đảm bảo vệ sinh môi trường. Kết quả, buổi sáng hôm sau, đám tang đã hoàn tất.

4 năm trôi qua, từ khi con gái nhỏ dại dột ăn lá ngón tự tử, anh Đơ chưa hết dằn vặt bản thân. Chỉ vì chút nóng giận đã khiến con nghĩ quẩn. Mặc dù vậy, trong câu chuyện với chúng tôi, anh không ngớt lời cảm kích cán bộ Chai cùng các thầy mo, thầy cúng giúp đỡ gia đình trong lúc tang gia bối rối. Đồng thời khẳng định đây là bước đột phá giúp dân bản đổi thay cả thói quen từ bao đời đối với việc hiếu.

Anh Đơ nhớ lại: “Lúc ấy, mọi việc trong nhà rối tung lên. Thầy cúng được gia đình nhờ trước đó tức giận bỏ về, nhiều người phản đối cũng rời đi. Tôi thực sự lo lắng, không biết làm thế nào. Cán bộ Chai cùng thầy cúng, thầy mo trong Đoàn động viên, trấn an và giúp gia đình tiếp tục nghi lễ. Một điều hay trong bài cúng của Đoàn đi học tập kinh nghiệm về là bổ sung thêm một đoạn trong nghi thức cho người mất vào áo quan (trước đây không có vì chỉ treo người mất). Chung quy chỉ là thay đổi cách làm, còn tất cả các bước vẫn được giữ nguyên, tôi bàn với vợ liều một phen. Từ chuyện nhà ông Giế, gia đình cũng khá lo lắng nhưng đến nay cuộc sống gia đình vẫn bình yên đã minh chứng sự thay đổi đó là cần thiết và thực sự văn minh”.

Nhận thấy lợi ích của thực hiện nếp sống văn hóa mới trong việc tang, các thầy mo, thầy cúng bắt đầu thay đổi suy nghĩ, tự nguyện xin được học bài cúng của những người đi tiếp thu trước đó và chủ động giải thích, hướng dẫn, vận động gia đình có người mất thay đổi tập tục. Chỉ trong năm 2015, Nhân dân xã Hố Mít đồng tình hưởng ứng, người chết đều được cho vào áo quan và chỉ tổ chức lễ tang từ 1 - 2 ngày. Và, cũng từ đó, cán bộ Chai càng được dân bản quý trọng, tin yêu.

Cũng nhờ ham học hỏi, tìm hiểu tập quán của đồng bào, Chai không chỉ vận động được dân bản rút ngắn thời gian tổ chức đám cưới xuống 1 ngày và bản thân anh còn đảm đương vai trò chủ trì cho nhà trai khi sang nhà gái xin dâu. Theo Chai, trong đám hiếu hay hỷ của đồng bào Mông có rất nhiều lý, bài cúng, bài hát cần học, riêng với các nghi thức trong đám cưới anh phải học mất 1 tuần. Việc vận động giảm thời gian tổ chức cưới xin phải “trường kỳ” mới thành công. Vì theo suy nghĩ của đồng bào, người có uy tín phải biết nhiều hơn hoặc bằng họ thì lời nói mới có giá trị. Nếu không hiểu mà nói chắc chắn sẽ chê trách: “Mày biết gì mà nói tao!” hay “Chúng mày chỉ biết cái chữ, có biết gì đâu!”. Đó cũng chính là cái khó của rất nhiều cán bộ xã khi làm công tác dân vận thời điểm đó tại địa phương. “Bản thân sinh ra và lớn lên tại Hố Mít mà còn phải học, tìm hiểu rất nhiều, thậm chí cùng ăn, cùng làm với dân bản mới có thành quả hôm nay” - anh Chai nói.

Giọng đầy tự hào, ông Tráng A Khua (bố anh Chai) nói với chúng tôi: “Tôi cũng làm thầy cúng nhưng ban đầu nghe con đề xuất ý tưởng, tôi từng gạt đi và bảo: Việc này khó lắm! Nếu quyết tâm, bố sẽ ủng hộ nhưng phải vận động được thầy cúng, thầy mo khác mới có cơ hội thành công. Sau sự kiện đó, giờ thằng Chai được dân bản Hố Mít tin tưởng lắm. Dòng họ Tráng cũng thơm lây, bởi không chỉ làm cán bộ tốt, trở về địa phương đóng góp cho sự đổi thay của quê nhà mà chính nó cũng định hướng các em, cháu tích cực học tập. Hiện, cả xã có 4 người thoát ly công tác tại huyện, tỉnh và 7 cháu tốt nghiệp đại học... đều thuộc họ Tráng”.

Giảm tảo hôn, xóa kết hôn cận huyết

Hố Mít thời điểm những năm 2015 trở về trước khiến cấp ủy, chính quyền, lực lượng công an từ huyện đến cơ sở trăn trở tìm lời giải cho bài toán tảo hôn, kết hôn cận huyết.

Đối với vấn đề kết hôn cận huyết thống, Chai cùng đồng đội nỗ lực bám bản, bám dân tuyên truyền, vận động; phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, trạm y tế sử dụng hình ảnh trực quan, những câu chuyện, ví dụ điển hình về hệ lụy đối với thế hệ sau: dị tật, sức khỏe ốm yếu liên quan đến huyết thống. Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, trưởng 7 dòng họ (Thào, Vàng, Tráng, Sùng, Lý, Mùa, Giàng) động viên các gia đình kiên quyết không để anh em, họ hàng kết hôn. Kết hợp cả lý, tình và kiên quyết trong xử lý các trường hợp kết hôn cận huyết, đến nay Hố Mít đã xóa được tình trạng này.

Nan giải nhất vẫn là tảo hôn. Mặc dù giảm rất nhiều nhưng một năm lực lượng công an xã vẫn phải can thiệp vài trường hợp. Bố mẹ rất khó ngăn cản, bởi nếu cương quyết, trẻ sẽ tìm cách giải quyết là ăn lá ngón tự tử. Khi các em vướng vào chuyện tình cảm, sẵn sàng bỏ học, bỏ nhà để theo nhau. Chai bảo: Các em đang tuổi ăn, tuổi lớn nên suy nghĩ nông cạn, thích thì làm. Một số phụ huynh hay người lớn tuổi trong gia đình lại cổ xúy cho việc đó: “Ngày xưa chúng tao 12 - 13 tuổi lấy nhau rồi và vẫn sống với nhau được đến bây giờ, con cái cũng lớn khôn cả đấy thôi”.

Năm 2016, qua điều tra cơ bản, rà soát hộ gia đình có con 14 - 16 tuổi, Chai cùng lực lượng công an xã lập danh sách và tổ chức vận động, tổ chức ký cam kết không cho con em tảo hôn. Tuy nhiên, biện pháp này vẫn không mang lại hiệu quả. Chai trực tiếp báo cáo lãnh đạo đơn vị, tham mưu các giải pháp triển khai. Chai cùng cán bộ Đội an ninh xây dựng kế hoạch, ròng rã tổ chức truyền thông tại các bản trong 4 tháng liền. Mùa mưa, trời tối, đường lầy lội, trơ sỏi đá, ổ voi, ổ gà, các anh cần mẫn đi bộ về nhà trưởng bản tổ chức họp dân, tuyên truyền, vận động, trình chiếu hình ảnh liên quan đế hệ lụy của tảo hôn: mâu thuẫn gia đình, đói nghèo, thất học, con cái nheo nhóc... Dù vậy, nhiều hộ dân vẫn không đến nghe.

Xác định rõ phương châm “mưa dầm thấm lâu”, 2 năm liền, các anh triển khai đồng bộ biện pháp nghiệp vụ, dân vận khéo quyết tâm giảm tình trạng tảo hôn. Trong đó, vận động thêm các nhà trường phối hợp quản lý, giáo dục, tuyên truyền học sinh. Những nỗ lực đó của các chiến sỹ Công an Nhân dân tăng cường tại xã Hố Mít đã dần được tận hưởng những “trái ngọt” đầu mùa. Các gia đình quan tâm hơn đến tâm sinh lý của con em, định hướng các con theo học để thay đổi cuộc sống; kịp thời thông báo, nhờ can thiệp khi con có ý định bỏ học lập gia đình.

Điển hình như trường hợp em Cháng Thị Sinh ở bản Lầu. Sinh đang học lớp 8 (là học sinh giỏi nhiều năm liền) bị một thanh niên ở xã Tà Mung (huyện Than Uyên) bắt về làm vợ (bắt vợ là tục lệ của người Mông, phần nhiều có sự đồng ý của nữ). Sau khi đi vài ngày, gia đình, nhà trường thông báo với xã. Chai trực tiếp về Tà Mung khuyên giải và đưa được Sinh về nhà nhưng cháu lại trốn đi. Đến lần thứ 2 đưa về, anh Chai phải ngồi cả tiếng hỏi chuyện nhưng Sinh chỉ gật và lắc đầu. Đến cả cô giáo chủ nhiệm, Ban Giám hiệu nhà trường, các đoàn thể xã phối hợp vào cuộc giải thích, tâm sự, khuyên bảo cũng không nhận được câu trả lời từ Sinh. Bằng sự kiên trì, Chai cũng nhận được lời khẳng định từ Sinh: “Cháu sẽ không đi nữa!”. Chỉ với vài từ ngắn gọn ấy nhưng biết bao trường hợp các anh đã phải đi mòn cả dép, uống hết bao ấm nước cây lá rừng của nhà phụ huynh mới giữ được lớp học không vắng chỗ.

Trở lại câu chuyện của Sinh, một thời gian dài đi học về em lại ra hòn đá to bên bờ suối cạnh nhà ngồi trầm ngâm, nhìn về hướng xã Tà Mung. Thi thoảng người yêu quay lại nhà thăm. Mỗi lần như vậy, bố em - Tráng A Phía tất bật chạy xuống gọi: “Tao không nói được con đâu, cán bộ Chai lên nhanh không cái Sinh lại bỏ đi đấy”. Chai phải phân công công an xã can thiệp quyết liệt cũng như làm công tác tư tưởng cho Sinh. Bây giờ thì em đã vào ở bán trú để theo học lớp 10 Trường THPT Trung Đồng.

Chúng tôi về trường tìm gặp Sinh sau gần 1 tháng nhập học. Ở môi trường học tập mới, cô bé Sinh nhút nhát, ít nói ngày nào vui vẻ, hòa đồng với chúng bạn. Khi đề cập đến câu chuyện tình cảm của 2 năm trước, Sinh ngại ngùng: “Chúng cháu thích nhau thật mà. Bố mẹ và chú Chai bảo tuổi còn nhỏ, sau này học xong sẽ không cấm nữa. Cháu cũng nói với anh ấy nếu còn thích nhau thì chờ. Do bận học và không liên lạc nữa nên cháu quên rồi. Mục tiêu của cháu giờ là phải học thật tốt”.

Theo Đại úy Chai, có trường hợp các cháu dù được can thiệp, động viên nhưng vẫn cố tình lấy nhau. Tuy nhiên, kinh tế khó khăn, thường xuyên xảy ra cãi vã và sau 2 năm không có con, cháu gái tự động bỏ về và xin đi làm ở Hà Nội. Trước khi đi, thông báo với nhà chồng là có tiền sẽ gửi về trả lại lễ cưới. Nhờ đó, các anh có thêm “nhân chứng sống” để làm ví dụ trong các cuộc họp bản giúp Nhân dân, nhất là các cháu chưa đủ tuổi vị thành niên nâng cao nhận thức, tránh “dẫm vào vết xe đổ”.

Làm trong sạch địa bàn

Được xác định là điểm nóng của việc trồng cây thuốc phiện, nghiện hút và buôn bán ma túy. Đối với cây thuốc phiện xuất hiện trên địa bàn rất lâu, thậm chí nhà nhà trồng, người người hút. Đến mùa, hoa thuốc phiện nhuộm tím cả vườn nhà, nương, đồi. Với vẻ đẹp và mùi thơm quyến rũ ấy, người già, người trẻ, thậm chí cả phụ nữ ngày ngày bỏ bê công việc, co quắp bên bàn đèn để thỏa cơn thèm. Sau khi Nhà nước quyết liệt chỉ đạo các địa phương, lực lượng công an vào cuộc phá nhổ, tận diệt loại cây này, các hộ dân bắt đầu di chuyển vào khu vực núi cao, rừng sâu để trồng. Theo đó, việc quản lý, tổ chức phá nhổ của lực lượng Công an xã Hố Mít thêm khó khăn.

Anh Chai cho biết: Địa hình đồi núi, bà con sinh sống ở nương nhiều nên chúng tôi phải tìm ra quy luật, đặc tính phát triển của cây thuốc phiện để lên lịch rà soát, điều tra. Sau khi bà con thu hoạch xong mùa vụ, chúng tôi thường lên những vị trí đồi cao quan sát những khu vực thường sản xuất, thấy nơi nào có khói thì đánh dấu trong sổ. Một vài tháng sau đến mùa làm cỏ, lực lượng công an xã tổ chức đi khảo sát và tháng 3, 4, cây thuốc phiện bắt đầu lên cao tổ chức triệt phá.

Khi nguồn cung từ tự nhiên bị ngăn chặn, trên địa bàn xuất hiện những tụ điểm buôn bán nhỏ, lẻ thuốc phiện. Điều đặc biệt là toàn bộ người nghiện trên địa bàn xã đều dùng thuốc phiện, tuyệt đối không hít hay tiêm chích ma túy. Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, anh Chai cùng lực lượng công an xã kịp thời đấu tranh, xóa bỏ. Làm trong sạch địa bàn, ngoài cùng đồng nghiệp, tổ chức đoàn thể, Chai trực tiếp đến các gia đình có người nghiện vận động cai nghiện tại chỗ hoặc tập trung. Năm 2018, anh tham mưu lãnh đạo đơn vị, xã xin được mở một điểm uống thuốc điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện methadone tại Trạm Y tế xã.

Đến nay, toàn xã đã có 70% người nghiện tự nguyện cai nghiện tại nhà hoặc xuống Trạm Y tế uống methadone. Số còn lại là những người cao tuổi. Chai tâm sự: Khi vận động các bác, các chú đi cai nghiện thì họ bảo: “Chúng mày cấm trồng, cấm bán, chúng tao giờ thiếu thuốc cũng sắp chết rồi, nếu đi uống thuốc còn chết nhanh hơn. Kệ tao đi, tao lấy tiền của mình hút chứ có xin của chúng mày đâu!”. Bởi vậy, chúng tôi vừa phải tăng cường quản lý địa bàn, vừa làm công tác tư tưởng và xác định việc này phải kiên trì, có thời gian. Một điều chúng tôi rất ghi nhận là trên địa bàn rất ít khi xảy ra trộm cắp, một năm nhiều nhất cũng chỉ 2 vụ trộm cắp vặt.

sản xuất

Với sự nỗ lực của đội ngũ công an huyện tăng cường, cấp ủy, chính quyền địa phương, Nhân dân bản Hô Pù (xã Hố Mít) đã xóa bỏ hủ tục, đẩy lùi tệ nạn ma túy để vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Sau khi tham gia cai nghiện thành công, có người quyết tâm làm lại cuộc đời, tập trung phát triển kinh tế hiệu quả. Đơn cử như trường hợp bố con ông Vì Văn Sinh và Vì Văn Trường (bản Suối Lĩnh). Ông Sinh từng có kinh tế giàu nhất xã Hố Mít nhờ biết cách làm ăn, buôn bán. Nhưng cũng vì “nàng tiên nâu”, bố con ông đều mang tài sản đổi lấy những phút bay bổng cùng làn khói thuốc phiện. Đói nghèo, vợ con nheo nhóc, những lúc tỉnh táo, ông Sinh từng bật khóc và dằn vặt bản thân. Do vậy, ông đã vận động con trai cùng uống thuốc methadone. Hành trình đó thật gian nan, để chống lại cơn nghiện, bố con ông phải nhờ đến rượu, khi bỏ được thuốc thì lại nghiện rượu và thêm một lần nữa anh Chai cùng đồng nghiệp, các đoàn thể bản và gia đình tận tình hỗ trợ, giúp đỡ loại bỏ “con ma men”.

Sau 3 năm kiên trì, giờ bố con ông Sinh hoàn toàn từ bỏ cả thuốc phiện và rượu. Đặc biệt, Trường vực dậy được kinh tế gia đình từ những kinh nghiệm, kiến thức bố Sinh truyền đạt. Chai kể: Tôi vẫn xuống thăm nhà hoặc gọi Trường lên xã tâm sự, nắm bắt tình hình. Mõi lần như vậy, Trường đều khẳng định: “Cán bộ phải tin em! Em còn trẻ, còn cơ hội để làm lại cuộc đời. Em tin mình sẽ làm được”.

Trường hợp như bố con ông Sinh không nhiều, tuy nhiên việc vận động thành công người nghiện tham gia cai đã là bước chuyển rất lớn đối với Hố Mít. Với Chai cũng như đồng đội, nhiệm vụ này còn gian nan, cần nhiều hơn sự nhiệt tình, tâm huyết cũng như sự phối hợp, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nỗ lực tự thân của mỗi người.

Qua rất nhiều câu chuyện ấn tượng về công tác “dân vận khéo”, tôi hỏi “Công việc này có cần bí quyết gì không”? thì Chai bảo: “Mình chẳng có bí quyết gì cả, đều làm việc bằng chính cái tâm, trách nhiệm của người chiến sỹ Công an Nhân dân “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” và hơn cả là nghĩa vụ với quê hương, với bản làng. Làm tốt công tác dân vận, trước hết bản thân phải tìm hiểu phong tục, tập quán địa phương; nắm vững nghiệp vụ, kiến thức liên quan đến vấn đề cần tuyên truyền. Đối với một số trường hợp phải triển khai vận động cá biệt, thể hiện rõ sự chân thành trong câu chuyện, khi bà con hướng về mình thì rất dễ làm, dễ nói”.

Làm nghề báo, tôi được đi nhiều, nghe nhiều và viết rất nhiều những tấm gương trên các lĩnh vực của cuộc sống. Trong mỗi cá nhân điển hình đều có những cách làm khác nhau, mục đích khác nhau nhưng tựu trung là muốn khẳng định bản thân, góp sức xây dựng quê hương. Với Chai cũng không ngoại lệ, anh không chỉ là điển hình về tinh thần hiếu học của thế hệ trẻ đồng bào dân tộc Mông nơi vùng cao, đặc biệt khó khăn mà mang nặng nỗi niềm khi quê hương, đồng bào mình còn giữ quá nhiều hủ tục, vướng vào tệ nạn ma túy. Để rồi, nhận thấy phải có trách nhiệm cùng chính quyền địa phương đổi thay xã nghèo.

Cảm phục, ngưỡng mộ nhưng thật khó diễn đạt, tôi xin dùng lời kết bài bằng câu nói Bí thư Đảng ủy xã Thào A Sinh: “Cấp ủy, chính quyền, Nhân dân Hố Mít thực sự cảm phục, trân quý những đóng góp của Đại úy Tráng A Chai đối với bản làng. Anh không chỉ là người cán bộ mẫu mực, hết lòng vì dân mà thật xứng đáng cho đội ngũ cán bộ xã, thế hệ trẻ học tập, noi theo”.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, anh Chai được các cấp, ngành tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen. Trong đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong phối hợp thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết; UBND tỉnh tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong công tác tôn giáo và thực hiện Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen có thành tích xuất sắc trong đấu tranh chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh nhân kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Lực lượng Cảnh sát Nhân dân Việt Nam (20/7)...

Hồng Thắm

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...