Thứ sáu, 26/04/2024, 04:58 [GMT+7]

Anh Hừ quyết tâm làm giàu

Thứ sáu, 21/08/2020 - 10:21'
Xuôi theo dòng sông Đà, chúng tôi đến thăm gia đình anh Pờ Mó Hừ, dân tộc Hà Nhì ở bản Nậm Hạ, xã Kan Hồ (huyện Mường Tè) - một nông dân làm kinh tế giỏi. Anh luôn giúp đỡ, chia sẻ với những người khó khăn trong bản để họ vươn lên trong cuộc sống.

Trong cửa hàng tạp hóa đủ chủng loại, anh Hừ bận rộn bán hàng cho khách. Dáng người nhỏ nhắn nhưng trong anh là một nghị lực để thay đổi số phận. Anh Hừ tâm sự: “Ngày trước, gia đình tôi cũng như bao gia đình trong bản gặp nhiều khó khăn, nhà chỉ có 3ha nương để làm ngô, lúa nhưng phải trông chờ vào thời tiết nên vụ nhiều vụ ít. Để nuôi các con ăn học, vợ chồng tôi làm thêm nhiều ngành nghề, cứ nơi nào tuyển lao động là vợ chồng xin đi làm ngay. Năm 2007, vợ chồng tôi vay 10 triệu đồng đầu tư vào làm kinh tế nhưng không biết tính toán dẫn đến thua lỗ. Rút kinh nghiệm, tôi chủ động học hỏi các hộ kinh doanh giỏi, các lớp dạy nghề. Năm 2010 tôi vay 30 triệu đồng qua tổ vay vốn của Hội Nông dân xã để mở cửa hàng kinh doanh hàng tạp hóa. Các mặt hàng được nhập từ huyện và chủ yếu là hàng Việt để bán cho người tiêu dùng, mỗi ngày thu lãi từ 300-400 nghìn đồng. Cuộc sống của gia đình tôi dần đi vào ổn định.
Năm 2015, anh Hừ vay thêm 50 triệu đồng cùng số tiền có được khi di dân tái định cư Thủy điện Lai Châu, anh đầu tư mua 5 con trâu, 7 con dê giống rồi thả lên các bãi chăn thả của bản và cứ mỗi tuần (3 - 4 lần), anh ra bãi để quan sát đàn vật nuôi, con nào có biểu hiện khác lạ mang về chăm sóc tại nhà. 2 năm sau, đàn vật nuôi phát triển, anh đem bán hết rồi mua thêm 10 con trâu, 5 con bò, 20 con dê về nuôi. Anh Hừ không bao giờ dùng các sản phẩm công nghiệp làm thức ăn gia súc mà tích cực trồng cỏ voi, tận dụng nguồn rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch, xây dựng chuồng trại nuôi nhốt. Khi vật nuôi đến mùa sinh sản, anh cùng vợ chuẩn bị đầy đủ nguồn thức ăn, nước uống, vệ sinh chuồng trại. Vào những ngày mùa đông giá rét, anh đưa đàn vật nuôi từ các bãi về để nuôi nhốt. Chuồng trại được che chắn cẩn thận không cho gió lạnh lùa vào, nền chuồng được rải thêm rơm rạ, vỏ trấu, mùa đông anh còn sử dụng đèn điện, đốt lửa sưởi ấm cho đàn vật nuôi, tăng cường nguồn thức ăn, nước ấm.

Cửa hàng tạp hóa của anh Hừ đem lại thu nhập khá.

Phòng, chống dịch bệnh luôn được anh Hừ quan tâm, đàn vật nuôi được tiêm chủng định kỳ, chuồng trại thường xuyên diệt khuẩn, vệ sinh sạch sẽ, vì thế đàn vật nuôi của gia đình anh phát triển tốt, ít bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Mỗi năm, gần 10 con trâu, bò, 15 con dê, 5 con lợn được bán ra thị trường với giá 25-30 triệu đồng/con trâu, bò; 4-5 triệu đồng/con dê, lợn. Hiện tại, anh còn 7 con trâu, 10 con bò và 20 con dê. Bên cạnh đó, anh còn trồng 2ha sa nhân, dổi, sấu. Trung bình mỗi năm thu nhập của gia đình anh hơn 200 triệu đồng.
Kinh tế phát triển, anh còn thường xuyên giúp đỡ về vốn, chia sẻ kinh nghiệm đối với những hộ khó khăn trong bản, xã để họ có cơ hội vươn lên thoát nghèo, góp phần trong công tác xóa đói, giảm nghèo của xã. 2 con chăm ngoan, học giỏi, gia đình hạnh phúc, nhiều năm liền, gia đình anh đạt gia đình văn hóa.
Anh Lý Ché Lòng - Phó Chủ tịch UBND xã Kan Hồ cho biết: Để có cuộc sống như ngày hôm nay anh Hừ là nông dân vươn lên từ 2 bàn tay trắng, chịu khó học hỏi, thất bại không nản chí. Anh còn sẵn sàng giúp những người khó khăn để họ thay đổi cuộc sống, được bà con dân bản tin yêu, mến phục.

Thái Hà

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...