Thứ sáu, 29/03/2024, 04:28 [GMT+7]

Anh Sanh “rừng”

Thứ ba, 24/05/2011 - 10:02'
(BLC) - Đó là chàng thanh niên Hà Văn Sanh (SN 1981) ở bản Ngà, xã Mường Than (huyện Than Uyên). Từ những quả đồi trơ trọc, khô cằn, sau nhiều năm anh đã cải tạo thành những cánh rừng bạt ngàn màu xanh. 

Khi đặt chân tới bản hỏi Sanh "rừng" thì rất nhiều người dân ở đây đều biết. Sinh ra trong một gia đình thuần nông, cuộc sống khó khăn, học đến lớp 8 anh nghỉ học ở nhà giúp bố mẹ lên nương trồng ngô, luá. Hàng ngày chứng kiến cảnh bố mẹ lên rừng kiếm củi rất vất vả vì quanh bản toàn là những đồi hoang, sinh ra ở vùng núi rừng anh rất yêu rừng, từ đó nuôi chí lập nghiệp trồng rừng, biến những quả đồi cằn cỗi thành những khu rừng xanh tốt, cho giá trị kinh tế cao để thoát khỏi đói nghèo.

Anh Hà Văn Sanh phát dọn thực bì.

Năm 1996 khi thấy người chú họ ươm giống cây bạch đàn anh đã nảy ra suy nghĩ: “Tại sao mình lại không tự ươm các loại cây giống để phát triển rồng rừng”. Thế rồi anh đi khắp các quả đồi nhặt hạt bạch đàn về ươm thử; mày mò tìm hiểu các kiến thức qua sách báo, học hỏi kinh nghiệm từ những người biết ươm giống về cách gieo hạt, đóng bầu… Sau 3 tháng, anh đã ươm thành công 2.000 cây giống bạch đàn và bắt đầu trồng rừng.

Khi biết chuyện anh một mình trồng rừng nhiều người trong bản không tin vì khi đó trồng rừng kinh tế vẫn là chuyện xa lạ. Nhưng ai nói gì thì nói, anh vẫn quyết tâm làm. Chỉ với con dao phát, cái cuốc, anh âm thầm phát cỏ cuốc đất, cải tạo khu đồi trọc trước nhà trồng 2.000 cây bạch đàn với diện tích 1ha. 

Đến năm 2009, anh tiếp tục đưa các giống cây mới vào trồng thử như: bồ đề, cây thông… Một mình tự tra hạt, đóng bầu trên 2 vạn cây bạch đàn; 1 vạn cây thông; 2 vạn cây bồ đề và mỗi ngày, đặt ra mục tiêu phải cuốc 300 hố trồng cây. Ngày nào cũng như ngày nào, sáng vào rừng phát dọn thực bì, đào hố trồng cây, chiều tối mới về. Vừa trồng vừa học hỏi đúc rút kinh nghiệm, cứ thế năm tiếp năm, anh đã trồng được gần 5ha rừng.

Dẫn chúng tôi đi thăm những cánh rừng bạt ngàn thông, bạch đàn, anh Sanh cho biết: “Mình đang hướng phát triển trang trại kinh tế rừng kết hợp với chăn nuôi bò, đào ao thả cá giữ nước phục vụ cho việc tưới cây”. Không chỉ trồng rừng anh còn trồng 70 gốc cây măng ngọt, trồng cây ăn quả như: nhãn, xoài, vải thiều…

Được biết 3 năm trở lại đây, mỗi năm anh thu về hơn 50 triệu đồng từ rừng bạch đàn.

Bà con ở các bản Khiêng, Bản Én tìm đến học hỏi kinh nghiệm về trồng rừng, anh tận tình giúp đỡ về kỹ thuật trồng rừng và hỗ trợ cây giống cho bà con.

Chia tay anh Sanh khi trời đã xế chiều. Trong vườn vợ anh vẫn miệt mài đóng bầu, tra hạt... chuẩn bị cho vụ trồng rừng mới.  

Hương Ly

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...