Thứ năm, 28/03/2024, 20:25 [GMT+7]

Anh Thương nuôi trâu, bò

Thứ tư, 09/06/2021 - 16:59'
Với đức tính cần cù, chịu thương chịu khó và ý chí nghị lực vươn lên, nhiều năm nay, anh Lò Văn Thương ở bản Đắc, hội viên Hội Nông dân xã Hua Nà (huyện Than Uyên) đã lựa chọn mô hình chăn nuôi trâu, bò để phát triển kinh tế. Bình quân mỗi năm trừ chi phí, thu lãi hơn 200 triệu đồng.

Theo cán bộ Hội Nông dân huyện, xã Hua Nà, chúng tôi tới gia đình anh Thương vào buổi chiều. Đang dọn vệ sinh chuồng nuôi trâu, bò của gia đình, anh Thương vừa làm vừa khoe với chúng tôi, đây là lứa bò thứ 4; còn trâu là lứa đầu, mới mua về nên còn gầy và bé lắm. Trên gương mặt đen sạm vì nắng mưa của anh Thương luôn thường trực nụ cười hồn hậu của người nông dân hiền lành, chất phác. Để phát triển kinh tế gia đình, trước đây ngoài đi làm thuê tính công theo ngày anh lựa chọn nuôi lợn, mỗi lứa lợn nuôi khoảng 15-20 con/đàn, trung bình mỗi năm xuất 2 lứa lợn thu về hơn trăm triệu đồng. Tuy nhiên may mắn không đến với anh Thương khi năm 2019 do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi làm đàn lợn gần 20 con chết dịch gây thiệt hại lớn đến kinh tế. Vậy là sau khoảng 6 năm gắn bó nuôi lợn đến tháng 6/2020 anh Thương quyết định chuyển sang nuôi trâu, bò là “đầu cơ nghiệp” với mô hình nuôi bò nhốt chuồng.

Anh Lò Văn Thương vệ sinh chuồng trại.

Anh Thương chia sẻ: “Nhận thấy nhu cầu sử dụng thực phẩm từ bò ngày càng cao mà lúc nào bán cũng được giá, thương lái đến tận nhà thu mua không lo đầu ra, nên tôi quyết định đầu tư làm chuồng trại và lựa những bò gầy hoặc những con bê, bò nhỡ về nuôi vỗ béo. Khi nào ai có nhu cầu mua những con bê nhỏ để về nuôi hay mua bò nhỡ, bò to về thịt tôi đều có hàng để cung cấp”.

Anh thường đến những huyện, xã lân cận tìm mua những con bê, bò gầy rồi đưa về tẩy giun sán, tiêm các loại vắc-xin phòng bệnh. Tận dụng lại chuồng nuôi lợn cũ cải tạo lại thành chuồng nuôi bò để nuôi nhốt, hằng ngày cho ăn cỏ tươi, rơm rạ và kết hợp cho cám gạo, ngô để bò nhanh lớn, béo. Để đảm bảo nguồn thức ăn cho bò, anh xây dựng nhà kho, sau mỗi vụ lúa gặt xong thu gom và tích trữ rơm rạ trong kho, thi thoảng thả bò ra ruộng để ăn cỏ, lúa còn sót lại tại ruộng, tối lùa về chuồng, tuyệt đối không thả rông tránh mất mát, bò phá hoại cây trồng xung quanh. Anh chú trọng khâu vệ sinh chuồng trại, luôn giữ chuồng sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè, mùa đông che kín giữ ấm cho đàn bò và thường xuyên rắc vôi khử trùng chuồng trại nhằm tránh bò bị mắc dịch bệnh.

Cùng với nuôi bò, thấy trâu cũng là loại đại gia súc được thương lái thu mua nhiều, khoảng tháng 3 vừa qua, thông qua Hội Nông dân xã anh được hỗ trợ vay 50 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân huyện đầu tư mua 4 con nghé về nuôi vỗ béo để bán. Tính đến nay, anh Thương nuôi tổng 11 con bò, 4 con trâu. “Việc nuôi trâu, bò chi phí đầu tư lớn nhưng lợi nhuận thu về cũng cao, ít rủi ro vì trâu, bò được tiêm phòng cẩn thận sẽ ít bị dịch bệnh nên chỉ cần chú trọng chọn trâu, bò đảm bảo nguồn gốc, tiêm phòng đúng định kỳ, quy định. Đến nay, tôi đã bán 4 lứa với gần 100 con trâu, bò, trừ chi phí thu lãi hơn 200 triệu đồng”.

Chị Phan Thị Quyên - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hua Nà cho biết: Thời gian qua, anh Thương đã nghị lực vươn lên vượt qua khó khăn và nỗ lực phát triển kinh tế. Mô hình chăn nuôi trâu, bò của anh Thương đã đem lại giá trị kinh tế cao. Với những nỗ lực của anh Thương, tới đây Hội sẽ đề xuất khen thưởng là hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp cơ sở và những cấp cao hơn. Anh Thương xứng đáng là tấm gương để các hội viên trong hội, người dân trên địa bàn học tập, noi theo”.

Minh Khôi

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...