Thứ sáu, 29/03/2024, 03:56 [GMT+7]

Cả đời say mê sưu tầm, dạy chữ Thái cổ

Thứ tư, 16/11/2011 - 10:29'
(BLC) - Dù đã ở cái tuổi 65 nhưng “thầy Điệc” (cái tên người dân vẫn trìu mến gọi ông Teo Văn Điệc, dân tộc Thái ở bản Thẩm Bú, thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) vẫn rong ruổi sưu tầm chữ Thái cổ.

Lớp học chữ Thái của thầy Điệc.

Dọc hành trình đến hai bản Thẩm Bú và Thèn Chồ, khi hỏi nhà của ông Teo Văn Điệc, ai cũng biết đến ông với sự kính nể. Nhiều người còn nói vui: “Anh chị cứ gặp ai mà luôn nhoẻn miệng cười, đó là thầy Điệc đấy…”. Chẳng biết thật hay đùa nhưng khi gặp ông, gương mặt rạng rỡ và nụ cười hiền hậu đã làm chúng tôi vơi đi mệt nhọc suốt quãng đường từ thị xã tới đây. Trong cái bắt tay thật lâu, ông Điệc nheo đôi mày nói: “Cô chú vất vả quá, đường sá đi có khó khăn không. Mau, mau vào uống tách trà cho ấm bụng”. Chuyện trò cởi mở rồi ông dẫn chúng tôi vào gian phòng nhỏ nhưng toàn sách là sách. Theo lời giới thiệu ngắn gọn của vợ ông thì đây chính là “bảo tàng sống” của ông.

Người dân bản Thèn Chồ ôn luyện chữ Thái.

Cầm chén trà ấm nóng trên tay vân vê một lúc, ông lại trâm ngâm nói: “Sách vở là vốn qúy nhất của cuộc đời tôi đấy, những cuốn chữ Thái này phải sưu tầm mãi mới có được. Nhiều khi vất vả nhưng thấy thú vị và vui vẻ lắm”. Trong đôi mắt đã kém tinh tường, vết nhăn ở hai gò má xúm xít và đen sạm, tôi hiểu được cái cuộc tìm kiếm chữ Thái này đã làm tâm sức của ông tổn hại đi rất nhiều.

Ông Điệc cùng vợ biên soạn chữ Thái và dạy các cháu học chữ Thái.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Thẩm Bú, từ khi còn là một cậu học trò nhỏ, ông đã được người thầy đầu tiên là bố của mình dạy cho cách viết chữ Thái cổ. Từ đó đến nay, ông Điệc vẫn không ngừng sưu tầm và tìm kiếm những vết tích xưa.

Hành trình tìm lại chữ Thái

Hơn 40 năm gắn bó với công việc giảng dạy lúc nào ông Điệc cũng đau đáu trong mình một khát vọng nhỏ bé đó là mang cái chữ của dân tộc mình đến với tất cả mọi người. Và khi được thảnh thơi nghỉ ngơi dưỡng sức tuổi già, ông lại lang thang đi tìm cho riêng mình một “cõi” riêng - sưu tầm chữ Thái.

Trước khi đến nhà ông Điệc chúng tôi cũng đã được nghe ông Đèo Văn Vĩnh – Trưởng Phòng Dân tộc huyện Phong Thổ kể tóm tắt cuộc hành trình gian nan sưu tầm chữ Thái của ông Teo Văn Điệc.

Năm 2007, ông được Phòng Dân tộc huyện mời đi dự Hội nghị ở Yên Bái về việc bảo tồn phát triển tri thức bản địa dân tộc Thái Việt Nam do Trung tâm Vì sự phát triển bền vững miền núi tổ chức. Sau khi về, ý chí quyết tâm tìm lại cội nguồn dân tộc trong ông càng lúc càng trỗi dậy. Niềm vui đã thực sự đến khi ông được Sở Nội vụ và Phòng Giáo dục và Đào tạo tỉnh quyết định cho chỉnh sửa tập tài liệu Chữ Thái. Từ đó đến nay, dấu chấn của ông đã có mặt ở khắp mọi nơi có tiếng Thái.

Những tưởng cuộc “phiêu lưu mạo hiểm” ấy nhanh chóng đơm hoa kết trái, người Lai Châu sẽ có ngôn ngữ chữ Thái chung thống nhất trong cả nước, nhưng đi đến đâu ông cũng chỉ nhận được một câu trả lời: “Chữ Thái đã mất lâu lắm rồi”. Ông Điệc chia sẻ: “Cô chú không biết đấy thôi, tôi đi đến Mường So, lên Bản Lang, gặp những già làng, trưởng bản, các cụ cao tuổi thì chỉ còn vài ba người biết được “đôi” chữ. Còn tầng lớp thanh niên bây giờ, đến tiếng nói còn chẳng thuộc nói gì là đến chữ viết”.

Có đôi lúc ông cũng chán nản, mệt mỏi vì công việc của mình chẳng khác “mò kim đáy biển”. May mắn thay, trong cuộc đời của ông có một người vợ hết lòng tin yêu, cổ vũ, động viên ông tiếp tục đi tìm ước mơ, khát khao của mình, vì vậy, ông lại bắt đầu từ những dấu vết nhỏ nhất. Trời không phụ công người, ông đã tìm được cuốn chữ Thái cổ do cụ để lại. Những dòng chữ ít ỏi phai nhạt theo năm tháng cùng với tập chữ Thái thống nhất đã được ông ngày đêm tìm hiểu, nghiên cứu tỉ mỉ. Không chỉ vậy, ông còn sưu tầm nhiều loại sách nói về văn hóa, lịch sử, các làn điệu dân ca của người Thái ở Việt Nam để phục vụ cho công việc biên soạn của mình. Đến nay, sau hơn 3 năm, ông Điệc đã sắp hoàn thành được hai tập: chữ Thái thống nhất và chữ Thái trắng ở Mường So.

Lớp học chữ Thái miễn phí

Ngoài công việc biên soạn hai tập chữ Thái, trưa nào cũng vậy, ông Teo Văn Điệc lại vượt chục cây số để đến bản Thèn Chồ (thị trấn Phong Thổ) để dạy học chữ Thái cho người dân trong bản. Và khi tối đến, ông lại miệt mài dạy thêm cho 13 người trong bản Thẩm Bú. Ít ai biết rằng, hai lớp học này là do một tay ông gây dựng nên và mỗi ngày lại có thêm nhiều người đến tham gia, già cũng có, trẻ cũng có, đôi khi là mấy đứa trẻ chưa thuộc mặt chữ cũng lấm lét ngồi vào bàn nghe giảng.

Ghé thăm lớp học ở bản Thèn Chồ, chúng tôi càng hiểu được cái giá trị lớn lao mà thầy Điệc đang truyền dạy cho người dân trong bản. Nhiều người nói rằng: “Ông này bị khùng rồi, tự dựng bỏ tiền mua sách vở rồi mở lớp miễn phí cho 14, 15 người học. Lại còn, cứ tới tháng lĩnh lương hưu mua cho mỗi người một quyển vở và mấy chiếc bút”.

Vậy mà “ông khùng” ấy cứ kệ, cứ bỏ ngoài tai tất cả, hướng dẫn từ cách đánh vần đến nắn nót từng nét chữ Thái cho từng người trong lớp học. Bà Điêu Thị The, một người khá lớn tuổi trong lớp cho biết: “Khi thầy Điệc có ý định mở lớp học dạy chữ Thái, chúng tôi mừng lắm vì từ nay sẽ biết được cái chữ của dân tộc mình”.

Hai lớp học mới chỉ được gần 1 năm nhưng vốn chữ Thái của người dân đã thông thạo, ai cũng có thể tự đọc, tự viết được những câu thơ, câu ca dao của dân tộc. Đó là niềm vui lớn nhất trong cuộc đời ông Điệc - người “đi vác tù và hàng tổng”. Chia tay lớp học, trong lòng tôi bài hát tính tẩu do thầy Điệc truyền dạy cho người dân trong bản bằng chữ Thái thống nhất vẫn văng vẳng vang xa…

Thanh Hiền

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...