Thứ sáu, 19/04/2024, 19:26 [GMT+7]

Dũng “trại”ở Hùng Pèng

Thứ tư, 20/10/2010 - 10:37'
(BLC) – Rồi Dũng “trại” cũng về, người ướt đẫm mồ hôi trong bộ quân phục bạc màu nắng gió, anh ngạc nhiên khi thấy chúng tôi đang có mặt tại “bản doanh” của mình. 
Anh Dũng cùng các anh em trong tổ công tác chăm sóc vườn rau để cải thiện cuộc sống.

Chúng tôi đến Đồn Biên phòng 297 – Ma Lù Thàng (huyện Phong Thổ) để tìm gặp trung úy Lê Văn Dũng – trinh sát viên hay còn gọi là Dũng “trại”. Nhưng khi đến nơi, chúng tôi được thông báo là anh đang ở Hợp tác xã (HTX). Qua anh em, chúng tôi được biết: Dũng “trại” ít khi có mặt ở đồn kể từ khi anh được phân công về làm Phó Chủ nhiệm HTX Đoàn Kết, trừ những hôm phải về đồn báo cáo, hay có những cuộc họp, sinh hoạt chi bộ. 

Trước khi về đây, chúng tôi được nghe về mô hình trang trại chăn nuôi, trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh. Hôm sau, chúng tôi quyết tâm hành quân vào Hùng Pèng để gặp cho được con người mà ai cũng nể phục ấy, mặc dù thời tiết đã ủng hộ đôi chút, nhưng đường vào bản Hùng Pèng còn lầy lội lắm. Ì ạch mãi rồi chúng tôi cũng tới khi trời đã quá trưa, ấy thế mà anh em cán bộ, chiến sỹ cũng vừa mới đi làm về, quần áo đang còn lấm lem bùn đất. Đón chúng tôi là những gương mặt cháy nắng nhưng không hề thấy hiện lên trên đó sự mệt mỏi, mà chỉ thấy ánh lên những niềm vui. Chúng tôi hỏi anh Lê Văn Dũng thì được một cậu chiến sỹ trẻ măng, nước da sạm nắng nhanh miệng trả lời “Các anh hỏi anh Dũng “trại” phải không? Anh ấy chưa về đâu. Hôm nào cũng vậy, trước khi về nhà, bao giờ anh ấy cũng tạt qua bản, vào một vài nhà xem bà con có vấn đề gì thắc mắc hoặc cần giúp đỡ không, chắng mấy khi anh ấy được ăn trọn bữa cơm cả. Có hôm đang ăn cơm thì bò đẻ, lại phải bỏ bữa nửa chừng, vất vả lắm các anh ạ”.
Rồi Dũng “trại” cũng về, người ướt đẫm mồ hôi trong bộ quân phục bạc màu nắng gió, anh ngạc nhiên khi thấy chúng tôi đang có mặt tại “bản doanh” của mình. Vừa mời chúng tôi ngồi uống nước, anh vừa chạy ra phía chuồng bò - nơi có một bò mẹ vừa mới sinh một bê con chiều qua, lát sau quay lại anh vui vẻ thông báo: “khỏe rồi”. Thì ra hôm qua bò mẹ sinh con trong thể trạng yếu nên Dũng “trại” đã phải trực cả đêm để chăm sóc, hôm nay cả mẹ và con đã khỏe, anh rất mừng.
Qua câu chuyện về anh, chúng tôi được biết, anh Dũng “trại” quê gốc Thái Bình. Khi học xong Trường Trung cấp biên phòng (năm 2003), anh xung phong lên Lai Châu công tác mang theo cả ước mơ hoài bão của tuổi trẻ. Năm 2008, Bộ Chỉ huy BĐBP Lai Châu có quyết định thành lập HTX Đoàn Kết tại bản Hùng Pèng, anh được cấp trên tin tưởng giao cho trọng trách là Phó Chủ nhiệm HTX.
Anh kể, khi vào HTX nhìn bãi cỏ xanh tươi ngút tầm, mình nghĩ đây là địa điểm lý tưởng để phát triển trang trại chăn nuôi và trồng trọt. Xuất phát từ ý tưởng đó nên mình đã tham mưu với Ban chỉ huy đồn cho tiến hành đồng thời 2 việc vừa tận dụng đồng cỏ phát triển chăn nuôi bò, dê, vừa phát triển cây lương thực ngắn ngày với mục đích lấy ngắn nuôi dài.
Nói là làm, được sự đồng ý của Ban Chỉ huy đồn, anh cùng anh em chiến sỹ và bà con trong HTX xuống suối gùi đá, cát, sỏi và chặt gỗ để làm nhà, phát cỏ làm nương trồng ngô lai, khoanh vùng chăn nuôi gia súc...
Khi được hỏi về cái tên Dũng “trại”, anh cười và nói: Tôi sống với bà con trong bản, cùng bà con làm nhà, dựng trại nên bà con quý và gọi tôi là Dũng trại...
Hiện nay, vốn sống và hiểu biết của anh về đồng bào làm cho mọi người phải nể phục. Anh có thể nói thành thạo tiếng Dao, mà nếu như người ngoài nghe tưởng nhầm anh là người địa phương.
Nói về trang trại của mình, anh kể: Ban đầu, mô hình trang trại chỉ 30 con bò do anh và bà con trong HTX trực tiếp mua về, sau 1 năm đã tăng lên 43 con, hiệu quả thật không ngờ. Anh trực tiếp đi học hỏi kinh nghiệm, mua sách báo về nghiên cứu và truyền đạt kinh nghiệm cho bà con trong HTX. Qua 1 năm làm mô hình, anh nhận thấy việc nuôi bò đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Dũng chăm sóc đàn dê.
Năm 2009, anh mạnh dạn đề xuất cấp trên mua 30 con dê để mở rộng trang trại. Và, không phụ sức người, hiệu quả kinh tế từ mô hình trang trại thật vô cùng lớn.
Để đảm bảo cho việc chăn nuôi tăng gia của HTX, anh cùng bà con trồng ngô, đào ao, thả cá, nuôi gà, vịt. Đến nay, HTX đã trở thành trang trại với số lượng lớn các vật nuôi.
Trước đây vận động bà con tham gia HTX rất khó khăn bởi bà con cứ nghĩ đây là HTX của biên phòng. Nhưng khi tham gia mọi người mới thấy đây là mô hình giúp dân phát triển kinh tế. Hiện nay, đông đảo bà con trong các bản viết đơn tự nguyện tham gia vào HTX.
Nhìn mọi người hăng say trên nương ngô, tôi thầm nghĩ: Chiến công của người chiến sỹ biên phòng nơi phên dậu Tổ quốc đâu phải chỉ là cầm súng, là chiến đấu giáp mặt với kẻ thù mà còn có những nhiệm vụ cũng nhiều gian nan, thử thách lắm, nếu thiếu đi lòng quyết tâm, niềm tin của nhân dân các dân tộc nơi biên giới thì khó có thể thực hiện được. Dũng “trại” và những cán bộ, chiến sỹ ở HTX bản giáp biên có tên Hùng Pèng này đã làm được điều đó. Chẳng thế mà mô hình HTX chăn nuôi, trồng trọt giúp dân phát triển kinh tế – xóa đói giảm nghèo gắn với bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới đã và đang được nhân rộng ra toàn lực lượng BĐBP tỉnh Lai Châu. Đây sẽ là sự khởi đầu cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội nơi biên giới của lực lượng Bộ đội Biên phòng.

Lê Thành – Thái Bình

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...