Thứ năm, 25/04/2024, 00:42 [GMT+7]

Hết mình vì sự nghiệp “trồng người”

Thứ tư, 20/11/2019 - 10:59'
Hơn 22 năm công tác trong nghề, cô giáo Nguyễn Thị Hạnh - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Than Uyên (huyện Than Uyên) luôn nỗ lực tìm tòi, sáng tạo những phương pháp giảng dạy hay, hoạt động rèn kỹ năng sống hiệu quả để “chèo lái những con đò tri thức” giúp các em hoc sinh cập bến thành công.

Cô Hạnh rèn chữ cho học sinh lớp 1.

Cô giáo Hạnh (41 tuổi) sinh ra trong gia đình thuần nông ở huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái). Trong gia đình có 3 anh chị đều theo nghề giáo viên nên từ nhỏ, cô Hạnh đã được định hướng theo nghề giáo. Năm 1993, sau khi học xong THCS, cô Hạnh theo các anh chị lên huyện Than Uyên (cũ) học lớp đào tạo ngắn hạn (9+1) về chuyên ngành sư phạm. Sau khi ra trường cô Hạnh được phân công giảng dạy ở những trường khó khăn thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, cô Hạnh luôn nỗ lực, cố gắng không ngừng để soạn giảng những trang giáo án hay, các ví dụ minh họa dễ hiểu, dễ nhớ, gần gũi, thiết thực với học sinh vùng khó.

Đến năm 2007, cô Hạnh được điều chuyển về công tác tại Trường Tiểu học thị trấn Than Uyên. Với ngôi trường có bề dày lịch sử và thành tích, cô chủ động tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, tham khảo những tài liệu, sách báo, phát huy tính tự học và sáng tạo để nâng cao kiến thức, kỹ năng.

Cô Hạnh chia sẻ: Tôi luôn nỗ lực tự học, tự trau dồi kiến thức để làm gương cho các em; tiên phong trong thực hiện Cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Trong giảng dạy, tôi tích cực tìm tòi các phương pháp mới, vận dụng sáng tạo các phương pháp phù hợp với nội dung bài học, kích thích sự tò mò, hiểu biết của các em, để nâng cao chất lượng các tiết học.

Tâm huyết với nghề, hàng ngày, cô Hạnh dành nhiều thời gian để nghiên cứu, viết và ứng dụng các sáng kiến của mình vào các tiết dạy, hoạt động ngoại khóa của trường. Trong đó có những sáng kiến được UBND huyện Than Uyên công nhận đề tài, sáng kiến cấp huyện, được các thầy cô giáo, học sinh, các bậc phụ huynh nhiệt tình ủng hộ và tham gia như: “Một số biện pháp nâng cao năng lực học toán cho học sinh lớp 5 Trường Tiểu học thị trấn Than Uyên”, “Một số biện pháp rèn kỹ năng sống cho học sinh lớp 3A3 Trường Tiểu học Thị trấn Than Uyên”…

Cô Hạnh cho biết thêm: Sáng kiến đầu tiên là năm học 2012 - 2013, tôi viết về đề tài “Một số biện pháp rèn kỹ năng giải toán cho học sinh tiểu học”. Trước đây, các thầy cô thường dạy cho học sinh kiến thức theo dạng làm các đề bài, tôi thấy hiệu quả không cao lắm. Từ những kiến thức tích lũy được cùng với kinh nghiệm giảng dạy lâu năm, tôi đã mạnh dạn bồi dưỡng học sinh theo mạch kiến thức, những chỗ nào hổng, tôi giảng thêm để các em hiểu rõ, nắm chắc và vận dụng vào làm bài. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện cao hơn so với những năm trước. Năm học đó, có 11 học sinh dự thi học sinh giỏi cấp huyện thì cả 11 em đạt giải.

Để rèn kỹ năng sống, giúp học sinh tự chăm sóc bản thân, tự tin bước ra xã hội, mấy năm gần đây, cô Hạnh nghiên cứu, viết các sáng kiến về rèn kỹ năng sống cho các em học sinh tiểu học. Đây là yếu tố rất cần thiết với các em trong thời đại công nghệ số, vì thế cô tham mưu với Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh như: tham gia thu hoạch lúa, bày cỗ dịp lễ tết, thăm nhà văn hóa bản Lướt, thủy điện; tổ chức các trò chơi truyền thống, hội chợ xuân để giúp các em hiểu biết về môi trường sống xung quanh…

Ngoài ra, cô Hạnh giáo dục thêm lòng nhân ái cho học sinh; giúp các em biết chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ bạn bè và những người có hoàn cảnh khó khăn. Cô giáo Nguyễn Lệ Thủy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Than Uyên cho biết thêm: Cô Hạnh là giáo viên gương mẫu của trường. Trong công tác, cô chủ động tìm, tòi, sáng tạo, nhờ những sáng kiến của cô áp dụng trong công tác giảng dạy, chất lượng dạy và học ở trường được nâng lên rõ rệt. Cô luôn hết mình vì công việc, vì học trò thân yêu. Đối với đồng nghiệp, cô sống hòa đồng, thân thiện, khiêm tốn, ai cần giúp đỡ gì cô đều sẵn sàng.

Ghi nhận thành tích cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” hơn 22 năm, năm 2017, cô Nguyễn Thị Hạnh được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Than Uyên. Cùng với đó là danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 2 năm liền; Giấy khen của UBND huyện Than Uyên, Bằng khen của Liên đoàn Lao động tỉnh… Quá trình công tác, cô Hạnh có sản phẩm đồ dùng dạy học đạt loại A cấp huyện; nhiều năm đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và có 5 đề tài, sáng kiến được tỉnh, huyện công nhận.

Đinh Đông

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...