Thứ sáu, 19/04/2024, 11:55 [GMT+7]
Bài dự thi viết về đề tài "Dân vận khéo"

Nơi đó có anh - người chiến sĩ biên phòng

Thứ bảy, 24/08/2019 - 07:37'
(BLC) - Hơn 10 năm công tác tại Đồn Biên phòng Hua Bum (huyện Nậm Nhùn), học theo Bác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, Thiếu tá Vàng A Lừ - nguyên Chính trị viên Phó Đồn Biên phòng Hua Bum đã để lại nhiều dấu ấn trong hành trình giúp đồng bào các dân tộc nơi đơn vị đứng chân xóa đói giảm nghèo, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc. Và hôm nay, mặc dù đã chuyển công tác về Phòng Chính trị - Bộ đội Biên phòng tỉnh, nhưng mỗi lần nhắc đến anh, cấp ủy, chính quyền và đồng bào các xã biên giới vẫn nhớ đến anh với tất cả niềm tin yêu, quý trọng.

Những câu chuyện “cổ tích” ở vùng biên

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng - xã Tả Lèng (huyện Tam Đường), ngay từ nhỏ cậu bé Vàng A Lừ đã ước mơ trở thành người lính biên phòng bảo vệ biên cương. Năm 2001, ước mơ đó trở thành hiện thực khi anh trúng tuyển Học viện Biên phòng. Sau 5 năm nỗ lực học tập, anh ra trường và được phân công công tác tại Đồn Biên phòng Hua Bum (huyện Mường Tè, nay là huyện Nậm Nhùn). Là người con của quê hương Lai Châu, hơn ai hết, anh thấu hiểu được những khó khăn vất vả của bà con, dân bản mình.

Chính vì vậy, khi nhận công tác tại Đồn Hua Bum, được giao nhiệm vụ vận động đồng bào xã Hua Bum phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, anh thường xuyên về cơ sở, tìm hiểu nguyên nhân cũng như nắm bắt tâm tự, nguyện vọng của Nhân dân trong xã. Một điều dễ nhận thấy nhất và cũng khiến anh trăn trở nhiều nhất là đồng bào các dân tộc ở xã Hua Bum vẫn sử dụng giống lúa địa phương, chưa biết thâm canh, bón phân cho cây trồng nên năng suất rất thấp. Song anh cũng cảm nhận được rõ sự khát khao vươn lên thoát nghèo trong mỗi người dân nơi đây, có điều phải bắt đầu từ đâu và làm như thế nào thì chưa ai có lời giải.

Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh hiểu “trăm nghe không bằng một thấy”, phải triển khai thành công mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả thì bà con mới nắm được kỹ thuật và khung thời vụ để làm theo. Đầu năm 2008, anh đã đề xuất Ban Chỉ huy Đồn Hua Bum hỗ trợ kinh phí để triển khai mô hình trồng lúa nước. Anh tự mua thóc giống, phân bón rồi chọn 2 hộ nghèo của 2 bản Pa Mu và Chang Chảo Pá triển khai cấy 800m2 giống lúa mới.

Gần 6 tháng triển khai mô hình cũng là khoảng thời gian khó quên với anh, bởi lần đầu tiên giống lúa mới được triển khai trên đồng đất Hua Bum. Rồi khi sâu bệnh chớm xuất hiện anh lo lắm, đôn đáo cùng cán bộ khuyến nông xã bám đồng ruộng, khoanh vùng khống chế kịp thời. Thời tiết năm đó thực sự rất khắc nghiệt, cả tháng không được giọt mưa, anh lại tìm cách dẫn nước từ mó, khe nước về… Không phụ công người chăm sóc, ngày thu hoạch cũng đến, năm đó cả 2 bản mất mùa do khô hạn, riêng 2 mảnh ruộng trồng thí điểm giống mới lại cho năng suất lại cao vượt trội, bông nào cũng trĩu hạt, khi thu về mỗi hộ được 50 bao thóc (cao gấp 3 lần so với giống địa phương).

Bà con đến tham quan ai cũng phấn khởi và chẳng ai bảo ai, vụ mùa năm sau bà con tự liên hệ, ra chợ huyện mua giống mới về trồng. Nhiều hộ ở xã Nậm Ban khi biết tin cũng tìm về học và cấy theo. Với giống mới thời gian trồng được rút ngắn, anh lại cùng đồng đội hướng dẫn bà con cấy lúa vụ 2. Sau này anh cùng đồng đội tiếp tục triển khai xây dựng 2 mô hình lúa lai giống mới tại các bản: Nậm Nghẹ và Chang Chảo Pá, Pa Cheo với diện tích 4,7ha. Cứ như vậy, bài toán thiếu đói hàng năm đã được giải quyết. Đến nay, hơn 90% hộ dân trong xã Hua Bum đã biết trồng giống mới cho năng suất từ 5 đến 7 tấn/ha. Lúa 2 vụ chiếm 80%. Nhiều hộ còn có thóc, lúa bán ra thị trường tăng thu nhập.

Thượng úy Lử

Thiếu tá Vàng A Lừ giúp bà con bản Chang Chảo Pá, xã Hua Bum nhận biết sâu bệnh trên cây lúa.

Một trong những mô hình đánh dấu sự chuyển biến căn bản trong phương thức chăn nuôi của người dân xã Hua Bum là mô hình chăn nuôi lợn của anh bộ đội Lừ. Sau nhiều ngày vận động bà con chăn nuôi phải chăm sóc, làm chuồng trại, đảm bảo vệ sinh môi trường bà con vẫn chưa nghe theo, năm 2009, anh đã xin ý kiến Ban Chỉ huy Đồn triển khai mô hình nuôi lợn theo phương thức nuôi nhốt. Huy động mỗi cán bộ, chiến sỹ trong Đồn đóng góp 200.000 đồng/người, được 6 triệu đồng, anh đã đi các bản tìm mua 7 con lợn nái sinh sản (giống địa phương) giao cho 7 hộ gia đình ở bản Nậm Nghẹ nuôi. Khi cấp lợn giống, anh đề nghị các hộ phải làm chuồng nuôi nhốt, lấy rau rừng, tận dụng ngô, khoai nấu cám cho lợn ăn.

Trong quá trình nuôi, anh hướng dẫn bà con vệ sinh và phòng dịch cho lợn. Nỗ lực lắm nhưng 1 con vẫn bị chết vì bệnh tụ huyết trùng, vừa buồn vừa xót, anh cùng các hộ dân chăm sóc kỹ hơn những con còn lại. Hễ con nào có dấu hiệu ăn ít là anh lại cùng thú y xã kiểm tra và tiêm thuốc trị bệnh, đặc biệt là tiêm vắc xin phòng dịch đúng định kỳ… Nhờ đó, đàn lợn lớn nhanh như thổi. Sau 12 tháng nuôi, mỗi con đẻ được 5 đến 8 con lợn con. Khi đàn lợn con tách được mẹ, anh bàn với các hộ chuyển 2 con lợn nhỏ cho hộ nghèo khác nuôi. Dần dần bà con thấy được lợi ích của việc nuôi nhốt nên bắt đầu làm chuồng trại và cho lợn ăn hàng ngày.

Sau 3 năm tổng kết mô hình đàn lợn đã sinh sản được hơn 70 con. Nhưng cái được lớn nhất là nhờ mô hình, 90% số hộ trong xã biết chăn nuôi theo phương thức nuôi nhốt, biết vệ sinh và phòng dịch nên đàn lợn trong xã không ngừng tăng hàng năm. Anh Lò A Thươn - hộ dân tộc Mảng ở bản Nậm Nghẹ tâm sự, năm 2009, tôi yêu một người con gái trong bản, nhưng nhà nghèo không có lợn để thách cưới, nên chỉ biết thương nhớ thôi. Nhờ bộ đội Lừ đứng ra nói giúp, bố vợ đồng ý cho tôi nợ 2 con lợn. Không chỉ hướng dẫn làm chuồng, anh Lừ còn giúp tôi cách chăm sóc sao cho lợn lớn nhanh. Một năm sau tôi đã có lợn trả bố vợ, số còn lại tôi nuôi và chọn, giữ những con đẹp làm con nái. Khi có kiến thức chăn nuôi tôi cứ nhân đàn, thời kỳ cao điểm lên tới 40 con. Có tiền tôi làm lại nhà ở khang trang kiên cố hơn. Các con tôi được đi học đầy đủ, vợ chồng tôi rất vui và biết ơn bộ đội Lừ nhiều.

Nói được làm được, anh Lừ được bà con trong xã tin yêu như người nhà. Cũng nhờ đó, anh đã vận động được 47 người nghiện trong xã đi cai nghiện tập trung. Anh cùng cán bộ Quân y của Đồn giúp đỡ người nghiện cắt cơn, được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh hỗ trợ thuốc men, đường sữa; vận động các hộ gia đình có người đi cai nghiện đóng góp gạo, thực phẩm chăm sóc cho bệnh nhân. Đồng thời, thường xuyên động viên, giúp người nghiện vượt qua sự cám dỗ của “nàng tiên nâu”, tái hòa nhập cộng đồng. Đến nay đã có 27/40 người nghiện được anh Lừ giúp đỡ không còn tái nghiện, tích cực cùng gia đình phát triển kinh tế.

Câu chuyện của anh Thào A Sính ở bản Pa Mu khiến chúng tôi vô cùng cảm phục. A Sính kể, ngày ấy tôi nghiện thuốc phiện nặng lắm, đã mấy lần tự vẫn mà không thành vì khổ quá. Biết trường hợp của tôi, anh Lừ đã đến nhà động viên, an ủi và giúp tôi làm lại cuộc đời. Sau hơn 1 tuần cắt cơn, các anh đã chăm sóc tôi như người thân, giúp tôi phục hồi sức khỏe. Bản thân tôi cũng tự nhủ sẽ không bao giờ hút thuốc phiện lên nữa. Khi tôi trở về nhà, việc đầu tiên là vợ chồng tôi khai hoang ruộng, anh Lừ cũng đến giúp. Có đất tôi nghe lời anh Lừ tích cực cấy giống lúa mới. Trên diện tích rừng nhận chăm sóc, vợ chồng tôi trồng thêm 3ha thảo quả. Năm ấy thảo quả được mùa được giá, gia đình tôi trúng đậm, bắt đầu thoát nghèo và có của ăn của để.

Tôi tiếp tục dồn vốn, vay thêm Ngân hàng chính sách xã hội huyện được 50 triệu đầu tư mua trâu, bò. Tôi không thả rông mà nghe anh Lừ làm chuồng nuôi nhốt. Hàng ngày tranh thủ cắt cỏ cho trâu ăn, mua ngô nấu cám. Đàn gia súc cứ phát triển có thời kỳ cao điểm tôi nuôi được 50 con. Đến nay, mỗi năm gia đình tôi thu về hơn 70 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí và trở thành hộ có kinh tế khá của bản. Nhiều lúc tôi vẫn không tin là mình có được cơ ngơi như ngày hôm nay, nếu không có bộ đội Lừ thì… Giọng anh nghẹn lại, bỏ lửng câu nói nhưng nhìn ánh mắt anh tôi hiểu tình cảm và sự trân quý mà anh dành cho bộ đội Lừ.

Năm 2013, anh Lừ được cấp trên tin tưởng bổ nhiệm chức vụ Chính trị viên Phó Đồn Biên phòng Hua Bum, với cương vị đó, anh đã tham mưu và thực hiện được nhiều phần việc giúp bà con nghèo xã Hua Bum vươn lên. Để hôm nay, câu chuyện về cây lúa nước, nuôi lợn hay cai nghiện ma túy đã đi vào tiềm thức của mỗi người dân trong xã và trở thành câu chuyện “cổ tích” giữa đời thường, khi những mô hình, phần việc anh cùng đồng đội làm đều đem lại hiệu quả thiết thực cho đồng bào, để lại những dấu ấn quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo nơi biên cương Tổ quốc. 

Điểm tựa để vùng biên thay áo mới

Đồng chí Nguyễn Văn Cao - Chủ tịch UBND xã Hua Bum khẳng định, những năm qua, Đồn Biên phòng Hua Bum có nhiều đóng góp quan trọng cho xã trong công tác phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng an ninh, trong đó thể hiện rất rõ vai trò của đồng chí Vàng A Lừ. Tận tụy, gắn bó mật thiết với dân, anh được bà con tin yêu, mến phục, được lãnh đạo địa phương ghi nhận và đánh giá cao.

Xác định rõ trách nhiệm của bản thân, Thiếu tá Vàng A Lừ luôn gương mẫu trong từng lời nói, việc làm, nêu cao tinh thần đoàn kết, thương yêu đồng chí, đồng đội, coi đồng bào biên giới như anh em ruột thịt. Theo đó, đồng chí Lừ đã tham mưu cho Ban Chỉ huy đơn vị, tập trung tham mưu làm tốt công tác cơ cấu nhân sự, tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ xã Hua Bum nhiệm kỳ 2015-2020. Tham mưu cho HĐND, UBND triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Làm tốt công tác phối hợp với các ban, ngành đoàn thể, địa phương trong huy động, vận động Nhân dân phát triển kinh tế, xã hội.

Cùng với đó, Thiếu tá Lừ đã cùng cán bộ chiến sỹ đơn vị, đặc biệt là Đội vận động quần chúng, trực tiếp lao động giúp dân làm ruộng, nương, tu sửa nhà cửa được 336 buổi với 984 công. Vận động các em trong độ tuổi đến trường, tham gia ủng hộ quỹ “Vì trẻ thơ”, “Vì người nghèo” của địa phương. Tổ chức lấy gỗ, vật liệu dựng 4 nhà ăn cho các cháu Trường Mầm non Hua Bum, 6 phòng ngủ cho các cháu Trường Tiểu học xã Hua Bum. Vận động, tổ chức khám chữa bệnh cho 72 lượt bệnh nhân với tổng trị giá tiền thuốc gần 9 triệu đồng.

Vận động bà con ăn ở vệ sinh, vệ sinh bản làng được 357 buổi với 1.532 đoàn viên tham gia. Tổ chức thăm hỏi gia đình chính sách nhân các ngày lễ tết với trị giá quà 125 triệu đồng. Tổ chức cho dân tộc Mảng ở bản Pa Cheo, Nậm Nghẹ, Pa Mu, Chang Chảo Pá, Hua Pảng, Pa Pảng, Nậm Sảo 1, Nậm Nó 1, Nậm Cười ăn tết Nguyên đán với số tiền là 90 triệu đồng (theo chỉ đạo của UBND tỉnh). Ngoài ra, tích cực cùng cấp ủy, chính quyền vận động Nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, Toàn dân tham gia tự quản đường biên, cột mốc...

Sau hơn 10 năm công tác tại Đồn Biên phòng Hua Bum, chung sức cùng xã trong hành trình xóa đói giảm nghèo, đời sống người dân trong xã Hua Bum đã được cải thiện đáng kể, các điều kiện kinh tế, xã hội được nâng lên rõ rệt. Từ chỗ phải hỗ trợ cứu đói hàng năm, đến nay bà con đã chủ động được lương thực tại chỗ. 4/6 bản có điện lưới quốc gia, được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. 100% học sinh trong độ tuổi được đến trường. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 64%... Tình hình an ninh quốc phòng khu vực biên giới được giữ vững.

Cuối năm 2018, anh được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh điều động về nhận nhiệm vụ mới: Trợ lý Ban vận động quần chúng, Phòng Chính trị - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh. Ở vị trí công tác nào Thiếu tá Lừ cũng luôn nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Anh Lừ cho biết thêm: “Bản thân tôi luôn tâm niệm đã khoác trên mình bộ quần áo của người lính bộ đội Cụ Hồ, mình phải gần dân, gắn bó với Nhân dân, vì bình yên hạnh phúc của Nhân dân thì sẽ nhận lại từ Nhân dân niềm tin yêu, sự đùm bọc, giúp đỡ. Và cũng chính điều đó đã giúp tôi trưởng thành hơn, vững vàng hơn trong cuộc sống.”

Với những thành tích xuất sắc trong công tác, Thiếu tá Lừ được các cấp, các ngành tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen và nhiều danh hiệu cao quý, song với anh, niềm tin yêu của thủ trưởng, của đồng đội và đặc biệt là của Nhân dân chính là nguồn động lực lớn lao để anh tiếp tục cống hiến, trưởng thành trên con đường anh đã chọn.

Phương Lan

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...