Thứ năm, 25/04/2024, 16:06 [GMT+7]

Nụ cười lưng núi Chù Va

Thứ sáu, 29/07/2011 - 10:35'
(BLC) - Người ta nói về ông như thế này: nhà nó có 4 cái xe máy, 2 cái máy cày, 3 ngôi nhà, 30 con trâu còn tiền thì… nhiều lắm!

Ấy là họ nhắc về ông Chảo A Chiếu - dân tộc Dao ở bản Chù Va 6 (Sơn Bình - Tam Đường) - một tấm gương cưu chiến binh không cam chịu đói nghèo và cực khổ.

Đại gia xứ núi

Hò hẹn mãi chúng tôi mới liên hệ được với ông Chiếu. Qua cái giọng khá sành sỏi ngã giá bán mua từ điện thoại tôi cứ lờ mờ hình dung người mình sắp gặp sẽ đỗ xịch cái xe cáu cạnh trước mặt, đặt mũi giầy bóng loáng xuống mặt đất để vươn lên một “cây véttông” hàng hiệu, còn ngón tay thì xù xụ cái vòng kim loại màu vàng óng ánh cho xứng mặt “đại gia” xứ núi. Mấy cựu chiến binh ở bản 46 (Sơn Bình) tô thêm: “năm nào mất mùa thảo quả thì nhà Chiếu cũng phải thu ít nhất là trăm triệu” khiến tôi càng thêm tin vào sự hình dung về “đại gia” sắp gặp.

Chúng tôi gặp nhau khi tôi cố ngóng ra phía đường lớn chờ đợi những dấu hiệu mà mình đã mường tượng còn người đàn ông trước mặt mặc cái áo lon xanh cũ cũ, nhầu nhầu, trên đầu úp xùm xụp cái mũ lưỡi chai xanh trông cũng khá cũ, quần xắn đến ngang gối, chân đi đôi dép tổ ong tàng tàng đang cùng người đi sau hạ cái chảo thu sóng tivi xuống đất với tiếng cười rất sảng khoái thay câu chào.

Ông Chiếu cùng cháu lắp chảo tivi mới.

Thoáng ngỡ ngàng qua mau, đại gia mà tôi hình dung giờ là một gương mặt rất hồn hậu, tự nhiên của đồng bào dân tộc Dao và câu nói đầu tiên khiến tôi cũng ấn tượng không kém: “nhà tôi á? Không có vấn đề gì đâu mà” khi ông nói về “thành tích” của mình…

Bản Chù Va 6 (người ta quen gọi là Chu Va) nằm ở lưng núi. Trước đây theo phong tục, đồng bào người Dao còn ở cao hơn, sau hàng chục năm kiên trì vận động cán bộ xã Bình Lư cũ mới vận động bà con chuyển xuống thấp. Nay bản mới dù vẫn còn cao nhưng cũng chỉ cách quốc lộ 4D khoảng 1km và có thể đi xe máy tới tận nơi.

Không như sự đoán mò của tôi, nhà ông Chiếu chỉ là một ngôi nhà trệt thưng gỗ, mái phủ tấm lợp, trước nhà cũng chỉ có vài cây ăn quả, cái chuồng lợn tí teo. Đang nghi ngờ về những lời giới thiệu thì ông Chiếu cũng về đến nhà và lật đật mở cửa. Cánh cửa mở ra khiến tôi sự ngỡ ngàng bởi tôi tưởng nhà ông là xưởng cơ khí. Trong ngôi nhà chỉ có 3 cái giường để ngủ nhưng lại có tới 2 cái máy cày để 2 góc, gian trong xếp song song 3 chiếc xe máy, chính giữa nhà kê một chiếc tivi to vật với giàn âm ly và đôi loa to như loa đám cưới. Phía góc trong cùng ngôi nhà ngự chình ình một chiếc máy tuốt lúa... Chúng tôi bắt đầu câu chuyện với mấy lon bò húc mát lạnh...

Triết lý của người chưa học hết lớp 3

Trong câu chuyện tôi thấy ông hay nói những câu như là rút ruột!

Ông Chảo A Chiếu sinh năm 1956 là con trong một gia đình dân tộc Dao có tới 10 người con, năm 1977 ông nhập ngũ và tham gia bảo vệ biên giới ở Lai Châu đến năm 1982 thì xuất ngũ. Khi đó vợ chồng ông đã có 2 người con. Khi ra ở riêng cha mẹ chỉ cho ông có mấy thúng thóc, vài con gà và một con ngựa và vài món đồ lặt vặt.

Nhớ lại lúc đó ông nhìn xa xa, trầm ngâm: làm lính chết trên chiến trường còn vinh quang chứ sống mà phải đi ăn xin thì nhục lắm! Vậy là ngày cày, đêm cuốc, hai vợ chồng ông khai hoang, vỡ ruộng trồng lúa, nơi đất khô, đồi hạn thì ông trồng ngô ngay trong 2 năm đầu nhà ông đã thoát cảnh đói ăn. Những năm trong quân ngũ không mang về cho ông vàng này bạc nọ mà cho ông phong cách lính. Những thửa đất gần nhà, diện tích nhỏ ông tận dụng trồng rau tăng gia, lợn nhà ông không thả rông mà nuôi nhốt, gà nhà ông ít thịt mà nuôi đẻ để tăng đàn. Con ngựa ‘của hồimôn’ ông bán đi đổi lấy con trâu cái, bây giờ đàn trâu của ông đã có tới 30 con. Đã không còn đói nhưng ông không cam chịu sống trong cảnh nghèo. « Một lần đi chơi bên Sa Pa thấy người ta trồng thảo quả bán được mà không quá vất vả tôi cũng mua giống về trồng thử. Những năm đó thảo quả tuy không được giá như bây giờ nhưng cũng có thêm thu nhập ». Nghĩ vậy, một mình ông cơm nắm muối vừng lên núi tìm đất phát rừng để trồng thảo quả.

« Trong xã, trong huyện không có ai trồng nên tôi phải tự mày mò. Ban đầu tôi trồng 50 cây làm giống, lấy kinh nghiệm, sau nhân rộng ra ». Cứ thế từ 50 cây ban đầu, làm mãi bây giờ ông đã có 2ha thảo quả cho thu hoạch và 1 ha thảo quả đang phát triển. « Cũng chẳng được mấy đâu, năm được mùa thì mất giá, năm vừa rồi mất mùa chỉ thu được có hơn một tấn thảo quả khô, bán được có mỗi gần 150 triệu (!). Gửi Ngân hàng một ít rồi, còn mấy chục triệu để tiêu linh tinh thôi » (!).

Tính ham học hỏi, đi đến đâu, thấy người ta làm giầu là ông hỏi kinh nghiệm ngay. Về Tuyên Quang thăm người nhà thấy trâu sắt  được việc ông lăn ngay ra đồng học cày bằng máy, học sửa máy rồi về mua máy cày thử, thấy hiệu quả ông xuống tay mua thêm một chiếc nữa để cày thuê cho bà con trong bản

Trong ngôi nhà chỉ có 3 cái giường để ngủ nhưng lại có tới 2 cái máy cày để 2 góc.

Đến Hải Phòng thăm đồng đội thấy người ta có tivi, không ngần ngại ông bỏ ngay 6 triệu đồng (với giá thời năm 1991 bằng gần 2 con trâu) mua một chiếc tivi panasonic 18 inch về làm lũ trẻ con trong bản cứ tò mò, sợ sệt nhìn cái người bị nhốt trong cái hộp. Rồi ông lại là người đầu tiên mua xe máy ở đất ấy. Đến giờ nhà ông có tới 5 chiếc, có chiếc riêng để đi chơi, chiếc để đi chợ, còn mấy chiếc cũ cũ ông dùng thay... ngựa thồ.

Chỉ chiếc xe máy mới tậu ông bảo: Cái thằng di - mi – tơ (jupiter) này đi khỏe nhưng không bằng cái anh Hon đa nên cho con đi chơi, đi chợ thôi. Tôi thì tôi thích đi cái thằng dếch - ích này (Wave ZX), vừa nói ông vừa vỗ cái yên xe bồm bộp ra chiều ưng ý lắm...

Tôi vẫn hơi ngạc nhiên vì đồ dùng nhà ông sao ít thế, hỏi ra thật bất ngờ cái nhà này gọi là nhà nhưng là lán còn lán của ông mới là nhà, ở đấy cũng có tivi, có đầu đĩa, điện thoại!

Nói chuyện một loáng đã đứng bóng mặt trời, ông quay lại bảo người con trai cả mấy câu rồi thấy cậu trai đi ra bếp. Bữa cơm nhanh chóng được dọn ra. Chỉ từng món ông bảo: gà nhà, rau nhà, lợn nhà, bí cũng của nhà còn gạo thơm, gạo dẻo nhà trồng được từ lâu rồi. Nhìn bữa cơm tôi đồ rằng ở Hà Nội có tiền cũng chẳng có được những món đặc sản này. Nói mới biết ông là người đầu tiên áp dụng kỹ thuật trồng 2 vụ vào đất này, mấy anh khuyến nông của xã Bình Lư trước đây cứ lấy ông ra làm gương để vận động bà con trồng 2 vụ lúa nên quen gọi ông là ông 2 (2 vụ).

Nghe ông tỉ tê về dự định về tương lai mới biết ông đã mua được một suất đất be bé gần 1.000 mét vuông thôi ở trung tâm xã chuẩn bị làm cái nhà bé bé ở đấy cho con bán hàng. Ngôi nhà đang ở ông sẽ làm nền, làm trần cho đường hoàng, còn mương nước bên nhà ông chuẩn bị bắt về ao để thả cá. Sắp tới ông còn định mua thêm 2 cái máy gặt lúa nữa để hai bố con đi gặt cho nhanh. Tôi bạo miệng hỏi về trình độ học vấn của ông mới ngã ngửa – ông học chưa hết lớp 3!

Ông nói một câu khiến tôi nhớ mãi Cơ chế thoáng thế này người nông dân chỉ cần không lười thì không bao giờ nghèo được. Có lẽ đây là triết lý mà ông đã rút được trong cuộc sống của mình. Thấy ông chỉ hết dự định đào ao nuôi cá đến dự định kéo đường điện mới gần 1 cây số lên lán, hay kế hoạch làm nhà mới thấy nghị lực khiến người ta giỏi hơn rất nhiều. Nghe đâu huyện sắp giới thiêu ông báo cáo tấm gương điển hình tiến tiến trong sản xuất. Âu cũng là cái lẽ nó phải thế! Ông cười khi chia tay tôi. Nụ cười thật tươi và hồn hậu. Trong cái cười ấy tôi thấy có nghị lực, sự quyết đoán đậm có chất lính. Có lẽ nó đã khiến ông đứng vững cả khi đối mặt với bom thù và giờ là mặt trận chống đói nghèo cho mình, cho dân bản.

Xuân Thi

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...