Thứ sáu, 19/04/2024, 10:05 [GMT+7]

Người khai phá vùng đất "ma"

Thứ năm, 10/11/2011 - 09:15'
(BLC) - Từ đôi bàn tay trắng nhưng với nghị lực và quyết tâm làm giàu giờ đây gia đình ông Lò Văn Cương, bản Phiêng Xe, xã Mường Khoa (huyện Tân Uyên) không chỉ có của ăn của để mà còn có một cơ ngơi khang trang đầy đủ tiện nghi sinh hoạt.

Sinh ra và lớn lên ngay tại mảnh đất Mường Khoa trong một gia đình nông dân nghèo. Năm 1981, ông xây dựng gia đình với bà Tòng Thị Thổ người cùng bản. Cuộc sống mới của đôi vợ chồng trẻ gặp rất nhiều khó khăn, của hồi môn bố mẹ cho khi ra ở riêng chỉ là ngôi nhà nhỏ và một con trâu.

Không cam chịu đói nghèo, không ngại khó khăn vất vả cộng với sự nhanh nhẹn, chủ động, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm nên ngay khi ra ở riêng anh cùng vợ vượt suối Phiêng Xe tìm đến bãi cỏ may để khai hoang. Những ngày đầu lập nghiệp nhiều người trong bản can ngăn bởi mảnh đất đó gần nghĩa địa. Dựng lán ở tạm hai vợ chồng ngày đêm cày cuốc khai nương, vỡ đất.

Sau 2 năm vất vả thành quả của hai vợ chồng ông là 7.000m2 đất bãi đã biến thành khu ruộng màu mỡ. Để có nước phục vụ sản xuất vợ chồng ông lại kỳ công đắp đá, khơi mương đưa nước từ khe núi về với chiều dài hơn 2km. Ban đầu ruộng chỉ cấy 1 vụ, thời gian còn lại ông đi mua sắn ở các bản bên kia sông Nậm Mu về để nấu rượu và chăn nuôi lợn. Do chưa có kinh nghiệm chăn nuôi nên đàn gia súc của gia đình chậm lớn. Ông đi thăm nhiều trang trại chăn nuôi hiệu quả trong huyện, tỉnh để học hỏi kinh nghiệm.

Ông Cương tâm sự: “Đến thăm các hộ làm kinh tế giỏi mình nhận thấy làm giàu không khó mà khó ở chỗ không có kiến thức, kỹ thuật và phương pháp chăn nuôi”.

Được vay vốn ưu đãi ông đầu tư làm chuồng trại để phát triển chăn nuôi. Chủ động được con giống, tận dụng nguồn thức ăn từ nấu rượu, thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ nên đàn lợn lớn nhanh và việc nhân đàn tăng theo từng lứa, từng năm. 1 năm sau ông trả hết nợ và còn thuê người đào ao thả các loại cá như: trắm, trôi, rô phi, mè…

Mô hình phát triển kinh tế của ông đã cho kết quả khả quan. Gia đình ông không chỉ đủ ăn mà còn có lương thực để bán cho bà con trong bản. Việc vợ chồng ông Cương ăn nên làm ra trên chính mảnh đất “ma” đã giúp bà con trong bản dần xóa bỏ những mê tín từ trước. Các hộ lần lượt đến khai hoang dựng nhà lập nghiệp trên bãi cỏ lau xưa mà nay là bản Phiêng Xe. Ông được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng bản (từ năm 1998 đến nay).

Năm 2000, được nhà nước đầu tư cây cầu sắt bắc qua suối Phiêng Xe là cơ hội để gia đình ông mở rộng ngành nghề phát triển kinh tế. Đường giao thông đã về với bản, vợ chồng ông đầu tư xây nhà, mua máy xay xát, mở hàng tạp hóa phục vụ bà con. Để có điện phục vụ sinh hoạt gia đình ông đầu tư mua máy phát điện nước mini.

Hiện nay gia đình ông có 2 ngôi nhà xây cấp 4 với đầy đủ tiện nghi đắt tiền, 7.000m2 ruộng lúa cấy 2 vụ, 3 ao thả cá, 1ha chè, 500m2 cây ăn quả. Mỗi năm xuất bán 3 lứa lợn, gà với số lượng từ 30 – 50 con lợn thịt, 200 – 300 con gà, vịt. Trừ chi phí mỗi năm gia đình ông thu lãi từ 50 – 65 triệu đồng.

Kim Oanh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...