Thứ năm, 25/04/2024, 21:36 [GMT+7]

Tấm lòng cao cả của người thầy thuốc

Thứ hai, 09/09/2019 - 22:17'
(BLC)- 16 năm công tác trong ngành y, bác sỹ chuyên khoa II Tạ Xuân Đông - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh đồng thời là Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) thầy thuốc trẻ tỉnh luôn nỗ lực làm việc, không ngừng học hỏi, sáng tạo những ý tưởng, sáng kiến mới để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn với tâm niệm “tất cả vì bệnh nhân”.

Bén duyên với nghề y

Sau bao lần hẹn, chúng tôi cũng gặp được bác sỹ chuyên khoa II Tạ Xuân Đông. Dù rất mệt sau ca phẫu thuật kéo dài nhưng anh Đông vẫn niềm nở đón khách. Đằng sau chiếc áo blu trắng anh đang mặc là câu chuyện dài về nghề và danh hiệu khắc tinh của những khối u bướu cổ.

Mở đầu câu chuyện, anh Đông kể cho chúng tôi nghe cơ duyên đến với nghề y. Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nghề giáo tại bản Trung tâm (xã San Thàng, thành phố Lai Châu), có 6 người con. Khi anh Đông đang học THPT, em trai út phát hiện có khối u lớn trên cơ thể cần phải phẫu thuật sớm. Tuy nhiên, trang thiết bị y tế của thị xã bấy giờ còn thiếu, không thể thực hiện. Vất vả một ngày đường mệt mỏi, bố mẹ anh cũng đưa được em xuống bệnh viện lớn để cắt bỏ khối u. Thật may mắn, sau thời gian điều trị, em trai của anh Đông đã khỏi bệnh. Từ đó, anh nuôi dưỡng ước mơ trở thành bác sỹ để chữa bệnh cho người thân lúc ốm đau, giúp đỡ những người dân nghèo vượt qua nỗi đau bệnh tật.

Hiện thực hóa ước mơ đó, sau 6 năm rèn luyện, học tập tại Trường Đại học Y Thái Nguyên, năm 2003 cầm trong tay tấm bằng cử nhân, anh trở về cống hiến cho quê hương, bỏ lại bao lời mời chào của bệnh viện tuyến dưới.

Bác sỹ Tạ Xuân Đông (bên trái) cùng ê kíp mổ u tuyến giáp cho bệnh nhân.

Nỗ lực vì bệnh nhân nghèo

Anh Đông bảo: “Mình là người con của Lai Châu, nếu ra trường rồi về các bệnh viện lớn làm thì ai tình nguyện lên vùng đất nghèo khó để công tác”. Chính suy nghĩ đó đã giúp anh vượt qua khó khăn, vất vả của cuộc sống để theo đuổi đam mê với nghề. Với sinh viên ngành Y vừa tốt nghiệp, làm việc ở môi trường thiếu thốn đủ bề đã là thiệt thòi lại cộng thêm 9 tháng không lương, không phụ cấp, cơ hội vào biên chế chỉ có 50%, cuộc sống thêm chật vật. Bằng tình yêu với nghề, tình thương với người dân nghèo khó, anh kiên trì đối mặt thử thách, bám trụ bệnh viện tiếp tục công tác. 

Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ chuyên môn của Bệnh viên còn đơn giản, thiếu thốn, trong khi đó người dân đa số mắc các bệnh về tai, mũi, họng như xoang mũi, bướu cổ, hóc dị vật,… Nhất là khi thời tiết giao mùa, tỷ lệ mắc bệnh rất cao. Vì vậy, trong khi khám, chữa bệnh cho người dân, anh Đông chú trọng vấn đề lâm sàng; vừa khám dựa trên những triệu chứng biểu hiện của bệnh kết hợp với đọc thêm các sách y khoa để đưa ra kết luận chính xác và phương hướng điều trị cho bệnh nhân. Thông qua các ca điều trị, anh rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu, từ đó nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn.

Thấu hiểu những thiếu thốn của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn khi không được tiếp cận sớm với những dịch vụ y tế hiện đại, không chủ động chăm sóc sức khỏe ban đầu. Cùng với đó là trình độ dân trí thấp nên nhiều người khi mắc bệnh nặng không thể chữa khỏi mới tìm đến các cơ sở y tế. Nhìn thấy những bệnh nhân bị cơn đau đớn hành hạ nhưng vì bệnh nặng không thể can thiệp y khoa, bản thân là bác sỹ, anh Đông không thể làm gì hơn ngoài động viên, ân cần thăm hỏi. Khi Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phát động phong trào thành lập các CLB thầy thuốc trẻ tại các tỉnh, thành trên cả nước, anh Đông đề xuất với Ban Giám đốc, tham mưu Sở Y tế thành lập CLB thầy thuốc trẻ để đến với những vùng sâu, vùng xa vừa kết hợp tuyên truyền, vừa khám, chữa bệnh cấp phát thuốc miễn phí cho người dân. Đầu năm 2012, CLB thầy thuốc trẻ tỉnh Lai Châu được thành lập với gần 100 thành viên, anh Đông được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Chủ nhiệm CLB.

Anh kêu gọi các huyện, thành phố thành lập CLB ở tuyến cơ sở để những thầy thuốc trẻ có cơ hội rèn luyện, nâng cao tay nghề, trải nghiệm và sẻ chia với bệnh nhân nghèo. Tính đến nay, tất cả các huyện đều thành lập CLB thầy thuốc trẻ với tổng số hơn 780 thành viên. Mỗi năm, CLB tổ chức từ 3 đến 4 đợt khám, kết hợp với các tổ chức từ thiện dưới Hà Nội đưa máy móc hiện đại (máy siêu âm, nội soi) khám cho bệnh nhân. “Đến các vùng khó khăn, chúng tôi chứng kiến nhiều hoàn cảnh bệnh nhân thật đáng thương. Có những người lần đầu tiên được tiếp cận với máy móc hiện đại; biết đến viên thuốc tây chữa bệnh. Vì vậy, tỷ lệ người dân bị bướu cổ, viêm xoang ở vùng này rất cao. Có những trường hợp bướu to trên cổ gây khó khăn cho sinh hoạt mà bà con không biết phải làm sao”- anh Đông chia sẻ.

Những chuyến đi với nhiều trải nghiệm và thôi thúc anh ngày càng cố gắng rèn luyện tay nghề, trình độ chuyên môn để thực hiện tốt hơn chức trách của người thầy thuốc. Vì vậy, anh đăng ký học thêm chuyên khoa II tai-mũi-họng và thời điểm hiện tại được đánh giá là bác sỹ có chuyên môn đứng đầu về phẫu thuật tai-mũi-họng ở Lai Châu.

Với anh Đông, cứu người như cứu hỏa, mặc dù thiếu thốn trang thiết bị mổ, anh mày mò, tự tạo một số vật dụng. Ví dụ như từ ống tiêm anh làm thành các ống hút mổ trong cấp cứu. Có những ca mổ kéo dài 6 giờ đồng hồ nhưng anh luôn động viên đồng nghiệp cố gắng, tập trung thực hiện tốt nhất nhiệm vụ. Sau mỗi ca mổ, anh chỉ thở phào nhẹ nhõm khi bệnh nhân tỉnh lại và bệnh tình có tiến triển tốt. 

Tuy bận rộn với công việc nhưng năm nào anh Đông cũng có đề tài nghiên cứu khoa học. Nhiều đề tài khi đưa vào áp dụng mang lại hiệu quả lớn, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và điều trị cho bệnh nhân tại BVĐK tỉnh. Điển hình như mổ vá màng nhĩ bằng cân cơ; phẫu thuật tuyến giáp: đặc điểm bướu, tuyến giáp tại Lai Châu và điều trị sau mổ,… Dựa trên những bệnh nhân bị bướu cổ, u tuyến giáp đến thực hiện phẫu thuật, điều trị tại bệnh viện, anh Đông đánh giá tình hình sau mổ xem có những tai biến hay biểu hiện khác lạ để so sánh các đặc điểm của loại bệnh với các tỉnh, thành khác. Từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, giúp bệnh nhân mau bình phục. Cũng nhờ sáng kiến nhận dạng đặc điểm bệnh bướu cổ của anh, thời gian qua, BVĐK tỉnh đã mổ thành công hơn 300 ca mổ u bướu, có những khối u nặng hơn 2kg.

Với sự nỗ lực của bản thân trong công việc, học tập và cuộc sống luôn chan hòa, quan tâm chia sẻ với đồng nghiệp, bệnh nhân nghèo, năm 2015, anh Đông được bổ nhiệm chức vụ Phó Giám đốc BVĐK tỉnh. Đây là thành quả xứng đáng dành cho những cố gắng của anh. Bên cạnh đó, anh còn nhận rất nhiều Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam vì có thành tích xuất sắc trong phong trào vì sức khỏe cộng đồng; Giấy khen của Giám đốc Sở Y tế, Liên đoàn Lao động tỉnh…

Đinh Đông

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...