Thứ tư, 24/04/2024, 03:57 [GMT+7]

Thầy thuốc của dân bản

Thứ sáu, 27/08/2021 - 14:13'
Tên gọi thân mật này được người dân xã Mường So và các xã lân cận của huyện Phong Thổ dành cho ông Lương Trung Điện (SN 1956) - y sỹ quân đội đã nghỉ hưu ở bản Nậm Cung, xã Mường So. Bằng tinh thần, trách nhiệm, với cái tâm “lương y như từ mẫu”, hơn 30 năm qua, ông vẫn miệt mài rong ruổi trên khắp các ngả đường để chữa bệnh cho Nhân dân, nhất là người nghèo.

Trong chuyến công tác tại thị trấn huyện Phong Thổ vào những ngày giữa tháng 8, trời nắng như đổ lửa, vô tình chúng tôi gặp lại ông Điện đang đi chữa bệnh cho bà con nơi đây. Trước đó, khi viết bài “Vượt lên nỗi đau da cam”, chúng tôi có dịp trò chuyện, biết đôi chút về công việc ông đang làm. Vẫn dáng người thấp bé, lưng hơi khom khom, mặc bộ quần áo màu bộ đội, ông lái chiếc xe máy sirius màu đen đã cũ đi trên đường. Đeo phía sau là chiếc cặp màu đen đựng thuốc và dụng cụ khám, sơ cấp cứu ban đầu, bộ kim châm.

Ông Điện khám sức khỏe cho người bệnh.

Nơi chúng tôi đến là nhà của bà Lý Thị Đằm (66 tuổi ở thôn Thống Nhất, thị trấn Phong Thổ) - bệnh nhân mà ông Điện đã chữa khỏi, nay đến thời gian khám lại.

Vừa đặt chiếc cặp xuống, ông vội hỏi bà Đằm về tình hình sức khỏe còn đau lưng nữa không? Rồi ông lấy máy đo huyết áp, xem lại vùng lưng bị đau của bà Đằm. Sự ân cần, niềm nở, cùng chất giọng đặc trưng miền Trung của ông Điện làm cho không khí trong căn nhà nhỏ trở nên ấm áp.

Bà Đằm chia sẻ với chúng tôi: Tôi bị đau lưng từ mấy năm rồi, khám ở Trung tâm Y tế huyện, bác sỹ bảo tôi bị thoái hóa mấy đốt sống lưng. Điều trị trong trung tâm đỡ, nhưng khi ra viện về nhà lại bị đau, không đi lại được. Nghe mọi người mách, lương y Điện chữa bệnh đau lưng giỏi, tôi nhờ sự trợ giúp. Sau một tuần vừa kết hợp uống thuốc nam, thuốc tây và thủy châm, tôi không còn đau nữa; đi lại làm việc bình thường. Cho đến bây giờ gần 10 ngày sau điều trị, tôi khỏe hẳn ra. Vì biết hoàn cảnh khó khăn, hai ông bà già nuôi 2 cháu nhỏ mà có mỗi đồng lương ít ỏi 2 triệu đồng/tháng của tôi nên ông Điện không lấy tiền thuốc và tiền công. Thỉnh thoảng ông đến còn mua sữa, bánh cho các cháu. Vợ chồng tôi biết ơn ông Điện lắm.

Câu chuyện của gia đình bà Đằm chỉ là 1 trong số hàng trăm câu chuyện của bệnh nhân mà ông Điện đã điều trị, chữa khỏi bệnh. Được biết, ông Điện sinh ra và lớn lên ở vùng đất nghèo huyện Con Cuông (tỉnh Nghệ An). Năm 1974, ông Điện nhập ngũ và đóng quân tại Trung đoàn 74, Sư đoàn 316 (Quân khu 4) tham gia các chiến dịch: Tây Nguyên, Hồ Chí Minh. Năm 1976, ông cùng đồng đội thần tốc ra Bắc tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc. Đến năm 1980, ông được cử đi học quân y ở Quân khu 2 gần 2 năm. Sau khi ra trường, ông chuyển về Sư đoàn 326 và gắn bó với mảnh đất Lai Châu. Về nghỉ chế độ bệnh binh loại 2 năm 1989, có nhiều thời gian, ông Điện bắt đầu nghiên cứu, tìm tòi các bài thuốc nam, kết hợp với thuốc tây, thủy châm, châm cứu để điều trị cho chính bệnh của mình và những người trong huyện.

Ông Điện chia sẻ: Bác Hồ đã từng căn dặn “Lúc nào cũng phải nghĩ đến Nhân dân. Việc gì có lợi cho dân thì làm, việc gì có hại cho dân thì không được làm”. Thấm nhuần tư tưởng đó, tôi luôn nỗ lực cố gắng để cứu chữa bệnh cho mọi người. Ai cần giúp đỡ, tôi sẵn lòng ngay. Tôi nhớ, hồi mới về sống ở bản Nậm Cung, nhà thưa thớt lắm, đội ngũ cán bộ y tế cũng còn thiếu mà quãng đường đến trạm y tế xã hay bệnh viện huyện thì xa lắm; biết tôi là quân y nghỉ hưu, bà con trong bản tìm đến chữa sốt rét, cảm cúm, đau lưng, vai, đỡ đẻ... Hiện giờ, tôi chủ yếu chữa bệnh đau lưng, đau vai, tê liệt nửa người; các bệnh về gan, đường ruột, sốt rét. Hoặc ai nhờ, trong khả năng làm được, tôi vẫn giúp. Thuốc tây thì tôi mua; còn thuốc nam, tôi tự lên rừng tìm, hái về rồi chặt, phơi, sau đó sao lên, chia từng gói nhỏ, tùy theo loại bệnh. Có đi mới thấy, bà con mình vẫn nghèo; ai thiếu thốn tôi chữa miễn phí; ai khá hơn, tôi lấy tiền thuốc và chút tiền công thôi. Chỉ cần người bệnh vui, sống khỏe mạnh, hạnh phúc là tôi mừng lắm rồi.

Chính vì suy nghĩ, tư tưởng đó mà bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, mỗi khi có cuộc gọi cần sự giúp đỡ, ông Điện lại cắp túi lên đường. Hình ảnh ông Điện đã trở nên quen thuộc và gần gũi với người dân không chỉ ở Mường So mà còn ở khắp huyện Phong Thổ. Hơn 30 năm, cuốn sổ ghi chép của ông dày đặc lưu lại tiểu sử, quá trình chữa bệnh cho hơn 6 nghìn bệnh nhân từ già, tới trẻ; chưa kể còn nhiều người chữa bệnh thông thường ông không ghi. Tuy mỗi người một cách điều trị khác nhau, nhưng dưới đôi bàn tay khéo léo bốc thuốc, cầm kim; chữa bệnh bằng cái tâm, trách nhiệm, cống hiến của “người lính già”, họ đã khỏi bệnh, trở về với cuộc sống thường nhật; trong đó có cả những trường hợp tưởng chừng không thể cứu chữa.

Mặc dù không nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp, các ngành về những cống hiến, đối với ông Điện, sự ghi nhận lớn nhất chính là niềm tin của người bệnh; sự yêu quý, trân trọng của Nhân dân trong huyện và lãnh đạo xã Mường So.

Ông Lò Xuân Tím - Phó Bí thư Đảng ủy xã Mường So cho biết: Ông Điện có phẩm chất đạo đức tốt. Bằng chuyên môn, năng lực của mình, ông đã cứu chữa cho rất nhiều người trong bản, xã và vùng lân cận. Trước đó, ông từng tham gia vào Hội Cựu chiến binh của xã.

Ngân Khánh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...