Thứ năm, 28/03/2024, 17:32 [GMT+7]

Khởi sắc giáo dục vùng biên

Thứ năm, 06/01/2022 - 10:07'
Là một trong bốn huyện biên giới của tỉnh, Phong Thổ đang có bước chuyển mình mạnh mẽ về mọi mặt. Nổi bật trong đó là sự khởi sắc giáo dục vùng khó cả về cơ sở vật chất, đội ngũ nhân lực và chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao. Từ đó, góp phần rút ngắn khoảng cách chênh lệch giáo dục giữa các vùng miền trong tỉnh.

Thời tiết lạnh những ngày đầu đông mang theo sương mù bao phủ làm cho đường từ thành phố Lai Châu về xã Dào San có cảm giác xa hơn nhưng cũng khá thơ mộng, hữu tình. Theo biển chỉ dẫn ở trung tâm xã, chúng tôi đi qua khu dân cư để đến thăm Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (DTBT) Tiểu học Dào San. Khác với hình dung trong quá khứ khi lần đầu tiên lên thăm trường gần chục năm trước, với những dãy nhà cấp 4 nhỏ hẹp, một phần xuống cấp thì giờ đây thay vào đó là những dãy nhà 2 tầng xây mới kiên cố, khang trang, sạch đẹp. Khu vực sân trường rộng, vuông vắn, đảm bảo không gian để học sinh tham gia hoạt động ngoài giờ.

Cô giáo Phạm Thị Xuân - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Trường được sáp nhập từ 2 trường: Tiểu học Dào San và Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học số 2 Dào San năm 2019. Lúc ấy, tại điểm trường trung tâm có 14 phòng học, không có phòng hiệu bộ, không có phòng hành chính, không có chỗ ở cho học sinh. Học sinh phải ở trong phòng tạm vách đất, khung gỗ, mái lợp tôn từ nguồn xã hội hóa. Đối với điểm trường Dền Thàng, có 10 phòng ở của học sinh còn phòng học xuống cấp, phòng ăn làm tạm bằng tre nứa. Những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, ngành Giáo dục, cơ sở vật chất nhà trường khang trang, đầy đủ hơn với 45 phòng học được xây dựng kiên cố, các phòng ở, phòng ăn của học sinh được cải thiện, đáp ứng đầy đủ nhu cầu làm việc, giảng dạy, học tập và ở bán trú của cán bộ, giáo viên, học sinh”.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Dào San tham gia hoạt động ngoài giờ lên lớp.

Về đội ngũ cán bộ, giáo viên ngày càng hoàn thiện (32/54 đồng chí đạt chuẩn về trình độ). Chất lượng giáo dục nhà trường nâng cao. Kết thúc năm học 2020-2021 nhà trường có 99,8% học sinh chuyển lớp, 100% học sinh đạt về phẩm chất trở lên, 99,9% học sinh đạt về năng lực trở lên. 3 năm nay, trường không có học sinh bỏ học.

Với Trường Phổ thông DTBT THCS Dào San, 5 năm gần đây đánh dấu bước ngoặt lớn trong sự phát triển của nhà trường khi liên tục các chỉ tiêu về: huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp, duy trì sĩ số học sinh chuyên cần, đánh giá hạnh kiểm, học lực, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đều tăng. Tình trạng học sinh nghỉ học đầu năm, trước và sau tết Nguyên đán cũng như lúc mùa vụ đã giảm hẳn. Theo thầy giáo Trần Văn Duy - Hiệu trưởng nhà trường, một sự thay đổi rõ nét nữa phải kể đến đó là sự vào cuộc của phụ huynh học sinh trong việc tham gia cùng nhà trường, xã hội giáo dục con em mình. Học sinh có ý thức hơn trong việc học. Nhiều năm liền, nhà trường đạt tập thể lao động tiên tiến, tập thể lao động xuất sắc, được UBND tỉnh tặng Bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2020-2021.

Được biết, toàn huyện hiện có 48 trường, 870 lớp với 23.148 học sinh, trong đó có 36 trường, 665 lớp, 22.038 học sinh vùng đặc biệt khó khăn. Các trường vùng khó khăn đều thuộc 12 xã biên giới của huyện. Thực hiện Nghị quyết số 34/2016/HĐND ngày 28/7/2016 của HĐND tỉnh về việc nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện đã chủ động tham mưu cho UBND huyện ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết, đồng thời ban hành các kế hoạch chỉ đạo các đơn vị trường thực hiện theo giai đoạn và từng năm học. Tham mưu cho cấp trên tuyển dụng đầy đủ, kịp thời về đội ngũ; bố trí kinh phí, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Ngoài ra, phòng cũng xây dựng kế hoạch chỉ đạo các trường bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, lương tâm nghề nghiệp. Tổ chức ký cam kết nâng cao chất lượng giữa Trưởng Phòng GD&ĐT với hiệu trưởng các đơn vị trường. Thực hiện chương trình giáo dục phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

Đồng chí Phan Như Thắng - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Phong Thổ cho biết: “Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 34/2016/HĐND, công tác giáo dục trên địa bàn huyện đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. 52/57 chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt. Quy mô trường lớp được mở rộng, cơ sở vật chất được kiên cố hóa, nhất là 98% phòng học ở các xã biên giới được kiên cố và bán kiên cố. Trang thiết bị dạy học được đầu tư, đưa vào sử dụng có hiệu quả. Đội ngũ cán bộ, giáo viên tương đối đầy đủ và ổn định, nhiệt tình, trách nhiệm, yêu nghề, mến trẻ. Đặc biệt, chất lượng giáo dục được nâng cao, khoảng cách chất lượng giáo dục các trường thuộc xã khu vực II, III so với các xã khu vực I đã được thu hẹp”.

Sự khởi sắc giáo dục vùng khó, vùng biên giới đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục chung toàn huyện. Kết thúc năm học 2020-2021, đã có 97,2% trẻ mầm non đạt yêu cầu các lĩnh vực giáo dục. 99,7% học sinh tiểu học được đánh giá hoàn thành môn học và các hoạt động giáo dục. 97% học sinh THCS xếp loại học lực từ trung bình trở lên. Về hạnh kiểm có 96,6% học sinh THCS xếp loại hạnh kiểm khá, tốt, không có học sinh xếp loại hạnh kiểm yếu, kém. Chất lượng giáo dục mũi nhọn khởi sắc với nhiều giải và số lượng giải cao tăng (cấp huyện 47/94, cấp tỉnh 20/29 giải là giải nhất, nhì, ba). Hiện nay, 17/17 xã, thị trấn trong huyện duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2, phổ cập xóa mù chữ mức độ 1.

Thời gian tới, ngành GD&ĐT huyện Phong Thổ tiếp tục xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; thực hiện đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, tăng quyền tự chủ, trách nhiệm của người đứng đầu; chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất người học… hướng tới mục tiêu đưa chất lượng giáo dục của huyện bằng mặt bằng chung của toàn tỉnh.

Thanh Hoa

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...