Thứ sáu, 29/03/2024, 07:02 [GMT+7]

Mường Tè khó khăn về cơ sở hạ tầng xây dựng trường chuẩn

Thứ sáu, 23/04/2021 - 16:55'
Trong những năm qua, xây dựng trường chuẩn quốc gia được huyện Mường Tè vào cuộc quyết liệt nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Tuy nhiên, với đặc điểm địa hình và dân cư phần lớn các trường của huyện đều đặt tại địa bàn vùng cao, biên giới, cơ sở hạ tầng giáo dục của huyện vẫn rất khó khăn cần được sự quan tâm đầu tư.

Theo kế hoạch, năm học 2021-2022, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (DTBT) THCS Thu Lũm (xã Thu Lũm) sẽ hoàn thành các tiêu chí xây dựng trường chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, những khó khăn về cơ sở vật chất đang là trở ngại lớn đối với thầy trò nhà trường. Đến khu ở bán trú những ngày tháng 4, hình ảnh các em học sinh chung sống, sinh hoạt chật chội trong một phòng chỉ khoảng 30m2 khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Em Lỳ Mỹ Tâm, học sinh lớp 9B tâm sự: “Phòng ở bán trú của em có 30 bạn, sinh hoạt chung tại một phòng học cũ được nhà trường tận dụng làm phòng ở. Giờ đã xuống cấp nghiêm trọng, tường bị bong tróc, cửa bị hỏng. Nhà trường phải sử dụng các miếng gỗ và bạt để khắc phục tạm thời. Cả trường chỉ có một nhà vệ sinh và một nhà tắm quây tôn nên khi tắm, giặt và sinh hoạt cá nhân rất bất tiện. Em rất mong nhà trường được đầu tư về cơ sở vật chất, đặc biệt là một khu ở bán trú khép kín giúp chúng em có điều kiện học tập và sinh hoạt tốt hơn.

Học sinh bán trú Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Thu Lũm (huyện Mường Tè) đang phải ở 30 em/phòng.

Học sinh bán trú Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Thu Lũm (huyện Mường Tè) đang phải ở 30 em/phòng.

Thầy giáo Đinh Ngọc Linh - Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT THCS Thu Lũm cho biết: Năm học 2020 - 2021, nhà trường có 8 lớp với 226 học sinh, 98% học sinh là người dân tộc thiểu số, 175 em ở bán trú. Nhà trường đang triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục quyết tâm hoàn thành các tiêu chí xây dựng trường chuẩn vào năm học 2021- 2022. Hiện, 175 học sinh bán trú đang phải ở chung trong 6 phòng, trong đó trường đã phải sử dụng 4 lớp học đã xuống cấp làm phòng ở bán trú cho các em, bình quân 30 em/phòng rất chật chội, khó khăn cho việc sinh hoạt hàng ngày. Bên cạnh đó, nhà trường còn thiếu một khu vực vệ sinh, một bếp nấu ăn 2 chiều. Phòng học chức năng, nhà hiệu bộ, phòng ở công vụ cho giáo viên cũng chưa đảm bảo. Nhà trường rất mong muốn được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để trường hoàn thiện các tiêu chí trường chuẩn, trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng khu nội trú cho học sinh giúp các em có chỗ ở tốt hơn và thuận tiện trong sinh hoạt, học tập.
Tại các trường đã được công nhận đạt chuẩn, những khó khăn về cơ sở vật chất cũng đang là trở ngại lớn trong việc thực hiện duy trì và nâng cao các tiêu chí đã đạt. Trao đổi với thầy Đào Long Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT Tiểu học xã Mù Cả chúng tôi được biết, nhà trường đứng chân trên địa bàn xã biên giới Mù Cả, trường đã hoàn thành các tiêu chí và được UBND tỉnh công nhận trường chuẩn quốc gia năm 2019. Nhưng đến năm học 2020-2021, học sinh từ các điểm bản dồn về trung tâm, số lớp học tăng thêm 3 lớp, nhà trường phải chuyển một số phòng học chức năng và bộ môn làm lớp học. Ngoài ra, hiện nay nhà ăn, bếp nấu cho các cháu cũng tạm bợ, nhà vệ sinh, nhà tắm cũng thiếu thốn. Việc chuyển một số phòng học nên hệ thống máy vi tính nhà trường phải xếp vào phòng kho. Cùng với đó, các thầy, cô giáo của nhà trường phải ở trong khu nhà tạm bằng gỗ chắp vá do thiếu nhà công vụ... Trường Phổ thông DTBT Tiểu học xã Mù Cả rất mong tiếp tục được đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất để bảo đảm công tác dạy học và chăm nuôi bán trú, duy trì và nâng cao các tiêu chí trường chuẩn.
Năm học 2020-2021, huyện Mường Tè có 37 trường trực thuộc với trên 13.900 học sinh, theo học tại 648 lớp từ cấp mầm non đến THCS. Trong đó, có 18/37 trường đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên do là huyện biên giới điều kiện kinh tế còn khó khăn, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số cao, đa số các em theo học tại các trường Phổ thông DTBT cần đầu tư lớn về cơ sở vật chất để thực hiện dạy học và chăm nuôi bán trú. Theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia ở các bậc học trên địa bàn huyện Mường Tè là rất khó khăn, đặc biệt là về cơ sở vật chất. Hiện, toàn huyện còn 57/837 phòng học tạm cần được nâng cấp sữa chữa. Phòng công vụ cho giáo viên đang có 119 phòng bán kiên cố, 17 phòng tạm và thiếu 71 phòng công vụ; 12 nhà ăn bán trú và hàng trăm phòng ở bán trú đạt tiêu chuẩn cần được đầu tư... Tuy nhiên, nguồn ngân sách của địa phương đầu tư cho hạ tầng giáo dục hiện rất hạn hẹp.
Đồng chí Tống Thanh Sơn - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Mường Tè cho biết: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra chương trình trọng điểm là “Nâng cao chất lượng giáo dục và xóa mù chữ” với các chỉ tiêu cụ thể: tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt trên 50% (mầm non đạt 64%, tiểu học đạt 100%, THCS đạt trên 33%). Để thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra, ngành GD&ĐT huyện sẽ tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT gắn với điều kiện thực tế của huyện. Duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục ở các cấp học, tập trung nguồn lực cho công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia.
Với những khó khăn mang tính đặc thù, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia tại huyện Mường Tè cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó ưu tiên đầu tư, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Thời gian tới, Phòng GD&ĐT huyện sẽ tham mưu với UBND huyện vận dụng linh hoạt các nguồn lực như: nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, các chương trình (tái định cư, 30a/CP, xây dựng nông thôn mới...), ưu tiên đầu tư hạ tầng giáo dục cho các nhà trường vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, huy động thêm nguồn lực từ các tổ chức chính trị - xã hội, các nhà hảo tâm cùng nhà nước đầu tư vào sự nghiệp giáo dục.

Hà Dũng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...