Thứ sáu, 19/04/2024, 14:23 [GMT+7]

Mường Tè nâng cao chất lượng giáo dục ở các xã biên giới

Thứ ba, 23/06/2020 - 08:17'
Ở các xã biên giới của huyện Mường Tè việc dạy và học, ăn, ở bán trú luôn gặp nhiều khó khăn từ điều kiện địa hình, trình độ nhận thức người dân đến cơ sở vật chất, trang thiết bị trong trường học. Nhưng với sự quyết tâm của ngành Giáo dục huyện, chất lượng giáo dục từng bước nâng lên, nhiều trường học đạt chuẩn quốc gia.

Đến thăm các trường học thuộc 6 xã biên giới: Pa Vệ Sủ, Pa Ủ, Tá Bạ, Ka Lăng, Thu Lũm, Mù Cả sau kỳ nghỉ dài để phòng chống dịch Covid-19, chúng tôi thấy hình ảnh giáo viên và học sinh phấn khởi khi được đến trường.
Em Thàng Minh Hoa, lớp 9A, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú trung học cơ sở (DTBTTHCS) xã Pa Ủ cho biết: Mấy tháng phải nghỉ học ở nhà em buồn lắm. Là con cả trong gia đình, mẹ lại mất sớm nên mọi việc trong nhà em phải quán xuyến hết. Từ khi được đi học trở lại, em rất vui, được gặp lại thầy cô, bạn bè, được bổ sung thêm cho mình nhiều điều bổ ích. Em sẽ cố gắng học tập để không phụ lòng thầy, cô và gia đình.

 Giờ học của thầy, trò lớp 9A, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú trung học cơ sở xã Pa Ủ (huyện Mường Tè).

Giờ học của thầy, trò lớp 9A, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú trung học cơ sở xã Pa Ủ (huyện Mường Tè).

6 xã biên giới có tổng số 18 trường học, 247 lớp, 14.100 học sinh và 574 giáo viên, cán bộ quản lý. Để giáo dục ở các xã biên giới phát triển, giáo viên các nhà trường không quản ngại khó khăn trèo đèo, lội suối đến các bản vận động các em ra lớp; nhiều thầy, cô là người miền xuôi lần đầu tiên lên Tây Bắc đã tình nguyện xung phong đi dạy ở các điểm bản. Trong các lần đi vận động học sinh ra lớp, thấy hoàn cảnh cuộc sống của người dân khó khăn, các thầy, cô quyên góp tiền hỗ trợ gia đình các em, giúp phụ huynh học sinh chăn nuôi, trồng trọt. Ngoài ra, giáo viên các nhà trường còn vận động người dân xóa bỏ hủ tục lạc hậu; vận động bà con cho con em mình đến trường để biết thêm con chữ.
Tâm lý của phụ huynh học sinh thay đổi, các em không còn phải ở nhà hoặc đeo gùi lên nương mỗi khi đến mùa giáp hạt mà được đến trường học con “chữ”, vui chơi cùng bạn bè. Trong các giờ học, ngoài truyền dạy kiến thức trong sách giáo khoa, các thầy, cô đưa nhiều kiến thức bên ngoài thực tiễn vào giảng dạy, thường xuyên đặt nhiều câu hỏi để tăng thêm sự hiểu biết của học sinh. Mỗi giờ dạy, giáo viên các nhà trường chia lớp thành từng nhóm, đưa ra các tình huống, vấn đề để các em thảo luận, bàn bạc, đưa ra ý kiến xây dựng bài. Khi học sinh căng thẳng, thầy cô giáo luôn đưa ra các câu đố vui, trò chơi để giải tỏa tâm lý, mệt mỏi, giúp các em thêm hứng thú học tập. Ở các trường mầm non, các cháu được tập múa hát, làm quen với bảng chữ cái...
Em Sừng Xú Chừ, lớp 6A, Trường Phổ thông DTBTTHCS xã Ka Lăng chia sẻ: Sinh ra trong gia đình khó khăn, em không có nhiều điều kiện như các bạn cùng trang lứa. Được các thầy, cô vận động, giúp đỡ, em có cơ hội đến trường được học nhiều cái mới, quen biết nhiều bạn. Bản thân em luôn cố gắng phấn đấu, 5 năm học vừa qua luôn đạt học sinh khá, giỏi.
Hiện nay, hầu hết các nhà trường được xây dựng kiên cố. Không gian nhà trường được mở rộng, sau mỗi giờ học, các em được tham gia nhiều trò chơi, múa hát tập thể. Nhà trường còn kẻ vạch sân cầu lông, bóng chuyền, có nhà trường làm sân bóng đá để các em được giao lưu, tạo tinh thần đoàn kết. Các nhà trường thường xuyên tổ chức giờ học ngoại khóa để các em được tìm hiểu về thiên nhiên, văn hóa, lịch sử của địa phương và cứ 1 - 2 ngày trong tuần, các em được mặc trang phục truyền thống đến trường. Bên cạnh đó, giáo viên thường xuyên được đi tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, nghiệp vụ trong giảng dạy.
Công tác bán trú được quan tâm, việc ăn, ngủ luôn đúng giờ giấc, chế độ dinh dưỡng đảm bảo. Ngoài việc ký kết với các đơn vị cung cấp thực phẩm, nhà trường còn vận động phụ huynh học sinh quyên góp gạo, củi, thực phẩm và tận dụng không gian nhà trường để trồng rau, nuôi gia cầm, lợn, cải thiện bữa ăn hàng ngày cho các em. Hiện nay, tỷ lệ thấp còi, suy dinh dưỡng luôn được hạn chế ở mức thấp nhất. Học sinh được khám bệnh theo định kỳ, đảm bảo sức khỏe học tập.
Chị Lý Mỹ Ly - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè cho biết: Chất lượng giáo dục ở các xã biên giới đang đi lên, tỷ lệ chuyên cần, hoàn thành khóa học luôn đạt gần 100%. Để giáo dục phát triển, Phòng chỉ đạo các nhà trường tăng cường vận động học sinh ra lớp; đổi mới cách dạy, cách truyền đạt kiến thức; thường xuyên tổ chức các đợt giao lưu văn hóa, thể thao; quan tâm đến chế độ bán trú.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, chất lượng giáo dục ở các xã biên giới huyện Mường Tè đã thay đổi, có 5 trường đạt chuẩn quốc gia, nhiều học sinh, giáo viên đạt loại khá, giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.

Thái Hà

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...