Thứ tư, 17/04/2024, 06:20 [GMT+7]

Người “gieo chữ” trên đá tai mèo

Thứ hai, 05/04/2021 - 18:11'
“Sinh ra trên đá, chỉ có “cái chữ” mới có thể chắp cánh cho những mảnh đời nghèo khó, cho những ước mơ vươn cao trên đá...” - đó là lời tâm sự mộc mạc của cô giáo Trần Thị Hồng Gấm (điểm trường Làng Mô, Trường Tiểu học Làng Mô, xã Làng Mô, huyện Sìn Hồ). Với lòng yêu nghề, thương trẻ, cô Gấm đã bám trụ làm nhiệm vụ “trồng người” tại Sìn Hồ đã được 21 năm.

Cô Gấm sinh ra và lớn lên tại vùng cao xã Y Can (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái). Nơi đó cũng cao, nghèo, cũng có nhiều điểm tương đồng với mảnh đất Làng Mô nơi cô gắn bó cả tuổi thanh xuân để cống hiến và đến giờ trở thành quê hương thứ 2 của mình. Từ nhỏ, Gấm mơ ước trở thành bác sỹ nhưng vì nhà quá nghèo, ước mơ ấy đành bỏ dở. Nhưng cũng chính lúc ấy, mẹ - người hiểu và thương cô nhất, cũng là người gợi ý cho cô con đường trở thành cô giáo. Nghe lời mẹ, cô quyết tâm theo học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái.

Năm 1998, sau khi tốt nghiệp cô Gấm được phân công về một điểm trường thuộc huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Từ năm 1998 - 2005, cô xin chuyển công tác từ trung tâm huyện tới những trường xa, khó khăn, cách thị trấn huyện tới 40km. Tưởng như mọi chuyện chỉ dừng lại ở đó, một lần nữa theo tiếng gọi của trái tim, cô đã đến với mảnh đất Lai Châu, lại dấn thân vào nơi cao nhất, xa nhất và khó khăn nhất. Năm 2005, cô chính thức “gieo” những con chữ trên mảnh đất Làng Mô (huyện Sìn Hồ).

Cô giáo  Gấm hướng dẫn học sinh học toán.

Cô giáo Gấm hướng dẫn học sinh học toán.

Cô được phân công công tác tại điểm trường Lù Suối Tổng của xã Làng Mô. Ấn tượng đầu tiên về nơi đây là những con đường mòn trên đá gập ghềnh và dốc cao. Mỗi ngày, phải mất hơn 2 giờ đồng hồ “đánh vật” với con đường này mới tới được điểm trường (dù cách trung tâm xã chưa đến 10km). Điểm trường Lù Suối Tổng ngày ấy còn hoang vu lắm. “Khi mình về đây, điểm trường là nhà tạm.

Nói là tạm cho oách chứ nhà chính là cái “lán nương” cũ của bà con dùng chứa ngô, trưởng bản xin lại để làm lớp học. Khung gỗ, tường tre, mái rơm, không sóng điện thoại, không mạng internet và cũng chẳng có điện lưới quốc gia. Ở nơi này sương núi không tan được trước 7 giờ sáng. Hồi mới về trường mình cũng buồn, cũng khóc, vì nhớ nhà, vì sợ màn đêm của núi rừng nơi này nhưng rồi tình yêu với đám trẻ, với người bạn trai là công nhân mở đường mà sau nay là chồng, cùng tình yêu nghề là điểm tựa vững chắc cho mình phấn đấu” - cô giáo Gấm tâm sự.
Sau này khi sáp nhập, điểm trường Lù Suối Tổng đổi tên thành Hồ Suối Tổng thuộc bản Hồ Suối Tổng (xã Làng Mô). Qua 6 năm gắn bó với điểm trường này, khi sức khỏe giảm sút sau vài đợt ốm nặng, cô được ưu tiên chuyển về trường trung tâm xã Làng Mô. Nói là trung tâm nhưng đây cũng chỉ cách điểm trường trước dạy vẻn vẹn 3km, cuộc sống vẫn khó khăn như vậy chỉ có điều ở đây người dân ở tập trung hơn.
Ngày ngày cô đi dạy học còn chồng cô chạy xe ra huyện mang ít mắm muối, mì tôm... vào bản phục vụ người dân. Lãi lời chả tính nhưng cũng nhờ anh mà bà con đỡ vất vả, thiếu thốn. Cứ ngỡ hạnh phúc sẽ trọn vẹn, khi ngày con trai cô nhận giấy báo đỗ đại học, vỡ òa trong niềm vui thì cũng là ngày nước mắt cô lặng lẽ rơi, khi biết tin chồng bị ung thư đại tràng. Vậy là từ năm 2019 đến nay, chồng cô ở viện nhiều hơn ở nhà. Cô thương chồng, thương con cũng lại thương cho chính mình bởi cuộc sống éo le hiện tại của mình.

Với những cống hiến cho ngành Giáo dục của huyện, cùng những khó khăn hiện tại, có thể được chuyển đến nơi thuận lợi hơn nhưng cô quyết định ở lại công tác tại Làng Mô. Nơi đây, gia đình cô luôn nhận được tình cảm yêu thương từ bà con dân bản, mảnh đất này từ lâu là quê hương thứ hai rồi. Ước mong lớn nhất hiện giờ là chồng mau khỏi bệnh, mau về với gia đình để cô vơi bớt nhọc nhằn.
Thầy giáo Dương Công Thảnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Làng Mô chia sẻ: Cô Gấm là thế hệ những người giáo viên cắm bản đầu tiên tại xã Làng Mô và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chuyên môn vững cùng tình cảm cô dành cho học sinh suốt nhiều năm qua, khiến đồng nghiệp kính phục, học trò và người dân quý mến. Hiện, ngoài việc chuyên môn cô còn phụ trách công tác đội của trường, công tác bán trú và vận động, quản lý học sinh tại 3 điểm bản trong xã. Nhiều danh hiệu, Giấy khen, Bằng khen nhận được từ các cấp là minh chứng rõ nhất về cống hiến của cô với ngành Giáo dục huyện.
Trường trung tâm xã Làng Mô giờ đã khang trang hơn trước, có đường ôtô đi vào trường, cuộc sống của cô và các đồng nghiệp phần nào vơi bớt khó khăn. Hiện, nhà trường có 464 học sinh, ngoài việc lên lớp, cô và đồng nghiệp còn chăm sóc 156 em học bán trú. Tuy còn thiếu thốn nhưng để học sinh có thêm động lực, niềm vui trong học tập, ngoài giờ lên lớp là khoảng thời gian cô gắn bó, bầu bạn với các em để vơi đi nỗi nhớ nhà. Gắn bó bục giảng, với bà con nơi đây, cô Gấm ngày càng nhận được nhiều tình cảm của mọi người. Các thế hệ học trò của cô nay có người làm cán bộ xã, công an, có người làm cán bộ trên huyện.
Ở vùng cao Sìn Hồ, nhiều thầy, cô gắn bó cả đời tại một điểm trường là không hiếm. Cũng có nhiều gia đình hai thế hệ cùng công tác tại một trường, dù đó là nơi khó khăn. Họ bám trường để cống hiến, gắn bó và để “ươm những mầm xanh” trên đá tai mèo.

Mạnh Hùng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...