Thứ năm, 28/03/2024, 21:16 [GMT+7]

“Trồng người” nơi biên giới

Thứ tư, 24/06/2020 - 17:46'
Đến thăm Trường Tiểu học và THCS số 1 Bản Lang (huyện Phong Thổ), chúng tôi cảm nhận được không khí học tập khá sôi nổi của thầy trò nơi đây. Tùy theo nội dung bài học, các thầy cô giáo ứng dụng công nghệ thông tin, lấy dẫn chứng cụ thể trong đời sống hàng ngày minh họa giúp các em hiểu bài hơn. Thay vì tâm lý nhút nhát, thụ động, các em học sinh tỏ ra hào hứng trước các câu hỏi do thầy cô đưa ra, hăng hái xung phong phát biểu ý kiến xây dựng bài.

Tranh thủ giờ nghỉ giải lao, chúng tôi được trò truyện với nhiều học sinh lớp 7A3. Em Phàn Xa Nhị chia sẻ: “Em rất thích các tiết học có hình ảnh minh họa cụ thể và được thầy cô tổ chức học tập theo nhóm. Trong những tiết học ấy, em và các bạn có thể thỏa sức sáng tạo, học tập vui vẻ, nhất là rèn luyện kỹ năng làm việc tập thể, sự tự tin trước đám đông. Về nhà, em làm đầy đủ bài thầy cô giao, học bài trước khi lên lớp. Những năm gần đây em đều đạt học lực khá”.
Trường Tiểu học và THCS số 1 Bản Lang có 62 cán bộ, giáo viên, nhân viên, 36 lớp, 951 học sinh (hầu hết học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số). Ngay từ đầu năm học Ban giám hiệu nhà trường đã bám sát hướng dẫn của cấp trên, tình hình thực tế địa phương để chỉ đạo việc dạy và học cho phù hợp. Nhà trường phân công công việc theo đúng năng lực, sở trường của từng người. Yêu cầu và khích lệ đội ngũ cán bộ, giáo viên phát huy tinh thần, trách nhiệm trong công việc; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy như phần mềm phổ cập, Staschool, CSDL, Smas…

Tiết học âm nhạc của thầy và trò lớp 5A1, Trường Tiểu học và THCS số 1 Bản Lang (huyện Phong Thổ).

Tiết học âm nhạc của thầy và trò lớp 5A1, Trường Tiểu học và THCS số 1 Bản Lang (huyện Phong Thổ).

Anh Đặng Thế Anh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chúng tôi cử đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tiếp cận với chương trình sách giáo khoa, giáo dục phổ thông mới. Duy trì sinh hoạt chuyên môn theo chuyên đề, bồi dưỡng và triển khai tập huấn về dạy học tích cực cho học sinh, dạy học buổi 2, dạy học theo đối tượng vùng miền, dựa trên chuẩn kiến thức kỹ năng. Trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu, nhà trường xây dựng kế hoạch cụ thể, lựa chọn những giáo viên có chuyên môn vững, giàu kinh nghiệm, tâm huyết trực tiếp bồi dưỡng, phụ đạo”.
Song song với đó, nhà trường tổ chức dạy học ngoại ngữ theo chương trình 7 năm đối với cấp tiểu học ở các lớp 3, 4, 5; đối với cấp THCS ở các lớp 6, 7, 8, 9. Việc kiểm tra trong nhà trường được tiến hành thường xuyên, ở tất cả các nội dung. Chỉ tính riêng học kỳ I, nhà trường đã kiểm tra nề nếp, hoạt động sư phạm của 8 giáo viên, dự giờ 20 tiết dạy của giáo viên, kiểm tra việc tự học, tự bồi dưỡng của 16 giáo viên, kiểm tra chất lượng 10 lớp với 8 môn học, kiểm tra công tác bán trú 10 lần, kiểm tra việc học tập rèn luyện của học sinh thường xuyên. Nhờ các giải pháp phù hợp, chất lượng dạy và học của nhà trường được nâng cao.
Theo số liệu thống kê, kết thúc học kỳ I, năm học 2019 - 2020, 100% học sinh bậc tiểu học trong trường đạt mức độ hình thành và phát triển năng lực từ đạt trở lên (xếp loại năng lực tốt 64,4%). Bậc THCS, 100% học sinh xếp loại hạnh kiểm từ trung bình trở lên, 94,6% học sinh xếp loại học lực từ trung bình trở lên. Trong đó, 68,5% học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt, 24,6% học sinh xếp loại hạnh kiểm khá, 5,4% học sinh xếp loại học lực giỏi, 28,4% học sinh xếp loại học lực khá.
Sự nỗ lực cố gắng trong sự nghiệp “trồng người” của thầy cô trong trường càng được thể hiện rõ hơn khi bước sang học kỳ II, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có lúc học sinh phải nghỉ học. Cũng trong tháng 3 - 4/2020, các hộ dân ở 13/13 bản của xã phải hứng chịu những trận mưa đá lớn, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản, hoa màu, vật nuôi. Trước tình hình đó, một mặt thầy cô ủng hộ, kêu gọi ủng hộ giúp các gia đình tiền mặt, nhu yếu phẩm, ngày công khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định đời sống để các con yên tâm học tập. Mặt khác, triển khai công tác phòng, chống dịch; tuyên truyền đến học sinh, phụ huynh cách bảo vệ bản thân. Thực hiện tốt phương châm “Tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”, chỉ đạo các giáo viên giao bài cho học sinh làm tại nhà.
Khi học sinh quay trở lại trường, thầy cô giáo lại là lực lượng đi đầu trong công tác hướng dẫn học sinh đeo khẩu trang, vệ sinh trường lớp, rửa tay bằng xà phòng, kiểm tra thân nhiệt. Nội dung giảng dạy được các thầy cô giảm tải theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng vẫn đảm bảo kiến thức cơ bản. Với công tác bán trú được coi trọng thông qua việc kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm nhập, cơ cấu bữa ăn phong phú, đủ thành phần dinh dưỡng và yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm cho 218 em ăn bán trú. Nhà trường không để xảy ra ca, vụ ngộ độc thực phẩm. Khi ăn các em không ăn theo mâm như trước mà chia thành các suất cơm nhỏ cho vào cạp lồng. Mỗi phòng ăn, chia 2 ca, tạo khoảng cách tối thiểu giữa các em khi ăn 2m.
“Vượt qua những khó khăn, hiện nay mọi sinh hoạt trong trường đã đi vào nề nếp, việc dạy và học đảm bảo chất lượng và theo đúng tiến độ. Thời gian tới chúng tôi tiếp tục cố gắng nhiều hơn nữa để thực hiện đạt và vượt các mục tiêu năm học đề ra, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện” - anh Anh khẳng định.

Hoa - Thương

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...