Thứ năm, 28/03/2024, 18:06 [GMT+7]

Hiệu ứng lớn, lan tỏa rộng

Chủ nhật, 30/06/2019 - 18:37'
(BLC) - Thực hiện Chỉ thị 03 rồi 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Hội Nông dân tỉnh đã bám sát nhiệm vụ chính trị được giao để cụ thể hóa chuyên đề hằng năm, tăng cường hỗ trợ, tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân vươn lên trong lao động sản xuất. Nhờ đó, nhiều nội dung đột phá được xác định; các phong trào thi đua thực sự lan tỏa rộng khắp, tạo hiệu ứng trong thực hiện nhiệm vụ công tác Hội.

Xác định nội dung đột phá

Hội Nông dân tỉnh có 108 cơ sở Hội, 1.159 chi hội và 65.357 hội viên nông dân, chiếm 87% số hộ nông nghiệp. Phát huy những thành tích thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị ngày 14/5/2011 về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, giai đoạn từ 2016 - 2018, Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo các cấp Hội cơ sở xây dựng kế hoạch thực hiện các chuyên đề hằng năm của Chỉ thị 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện các phong trào thi đua yêu nước.

Nổi bật là thực hiện nội dung đột phá nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong công tác lãnh, chỉ đạo và triển khai nhiệm vụ của Hội Nông dân các cấp. Ông Mùa A Trừ - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Từ thực tiễn triển khai thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh qua các năm, Hội Nông dân tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực, rõ nhất là hội viên chuyển biến cả về nhận thức và hành động, phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh. Nâng cao hơn nữa chất lượng thực hiện các chuyên đề hằng năm, đưa 3 phong trào lớn của Hội đi vào chiều sâu, chúng tôi xác định và chỉ đạo các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở xây dựng và lãnh, chỉ đạo thực hiện các nội dung đột phá.

Nhờ chuyển đổi hiệu quả cơ cấu cây trồng, gia đình anh Lý Chỉn Hò (bản U Ra, xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ) có thu nhập cao, bền vững.

Hội Nông dân tỉnh tập trung triển khai 2 nội dung đột phá gồm: Cán bộ lãnh đạo Hội các cấp từ tỉnh đến cơ sở đề cao trách nhiệm nêu gương, đổi mới phong cách làm việc sâu sát, quyết liệt, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành; gương mẫu rèn luyện, giữ vững phẩm chất đạo đức, lối sống. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống Hội đổi mới phong cách tận tụy với công việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, gần dân, sát dân, lắng nghe, đối thoại và có trách nhiệm cao với Nhân dân sát yêu cầu thực tiễn địa phương, cơ quan để tổ chức thực hiện có hiệu quả, tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác lãnh chỉ đạo, phong cách làm việc, tác phong công tác của cán bộ, đảng viên.

Các huyện, thành phố và cơ sở Hội xây dựng nội dung đột phá, trong tâm là tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ; tác phong, lề lối làm việc, phân công rõ nhiệm vụ của tập thể, cá nhân, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai nhiệm vụ của Hội. Nghiêm túc tự phê bình và phê bình; nêu cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức lối sống; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tận tụy, nhất là ở cơ sở. Duy trì và thực hiện nghiêm quy chế, chương trình làm việc của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội các cấp.

Các cấp Hội tập trung vào 3 nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của Hội như: Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân. Tổ chức các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Xây dựng mô hình phát triển sản xuất, giúp nông dân tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản theo hướng phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp.

Nông dân thi đua làm kinh tế giỏi

Với những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá được xác định cụ thể, đội ngũ cán bộ Hội các cấp phát huy tinh thần trách nhiệm, đổi mới phương thức lãnh đạo, nêu gương sáng, chú trọng “cầm tay chỉ việc”, đa dạng hình thức tuyên truyền, vận động. Hội viên, nông dân sử dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, khai thác tiềm năng, thế mạnh địa phương vươn lên làm giàu từ đồng đất. Trong đó phải kể đến phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.

Mặc dù tuổi đời mới 33 nhưng anh Lý Chỉn Hò (bản U Ra, xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ) đã có cuộc sống khá giả với thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm trừ trồng chuối, khoai sọ. Cũng từng nghèo khó, bữa ăn sắn, ngô nhiều hơn cơm trắng, với nghị lực vượt khó, dám nghĩ dám làm anh đã chuyển đổi phương thức sản xuất thành công thông qua tìm mua giống khoai sọ về trồng trên diện tích chuối bị sâu bệnh phải phá bỏ và nương ngô bạc màu. Rồi mở rộng diện tích trồng chuối, chú trọng khâu chăm sóc khi cây còn non. Nhờ mẫu mã sản phẩm nông sản đẹp, chất lượng củ, quả đảm bảo nên nguồn đầu ra ổn định.

Thuộc diện khuyết tật, việc đi lại không dễ dàng nhưng ông Trần Văn Đáng (SN 1959) ở khu 4, thị trấn huyện Tân Uyên cũng đã gây dựng mô hình kinh tế tổng hợp hiệu quả. Ông Đáng chia sẻ: Thông qua nguồn vốn vay tín chấp của Hội Nông dân huyện tôi đầu tư mua thêm đất trồng cây ăn quả, xây dựng hệ thống chuồng nuôi lợn, đào ao thả cá. Kỹ thuật chăm sóc tích lũy qua các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật của tổ chức Hội, phương tiện thông tin đại chúng, hộ dân trên địa bàn. Hiện, gia đình tôi có 2 ao cá, 50 đôi chim bồ câu, 3ha cây ăn quả, 1ha rau và nuôi bình quân 10 con lợn/lứa.

Đây chỉ là 2 trong số 4.154 hộ hội viên nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp của tỉnh đến năm 2018. Kết quả đó nhờ các cấp Hội quan tâm phát động thi đua sâu rộng; khuyến khích hội viên mạnh dạn đăng ký, nỗ lực vươn lên, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở. Thông qua các nguồn vốn vay ưu đãi với Ngân hàng Chính sách xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ Hỗ trợ nông dân, giúp hội viên thêm điều kiện đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng ngành nghề kinh doanh.

Tính đến ngày 31/3, các cấp Hội đã thực hiện ủy thác với Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh thông qua 14 chương trình tín dụng, tổng dư nợ đạt 597.950 triệu đồng, thông qua 453 tổ tiết kiệm và vay vốn. Dư nợ của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ủy thác trên 200 tỷ đồng, 154 tổ vay vốn. 809 hộ vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, hộ sản xuất kinh doanh giỏi còn phát huy tinh thần “tương thân tương ái” tạo việc làm, cho vay vốn, cây con giống, hướng dẫn hội viên, nông dân nghèo chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, vươn lên có cuộc sống ổn định hơn. Là những điển hình trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, hoạt động nhân đạo từ thiện, thiết thực cùng địa phương xây dựng nông thôn mới.

Từ năm 2016 - 2018, Hội Nông dân tỉnh kết nạp 5.065 hội viên mới; tăng từ 50 lên 58 trong tổng số 108 cơ sở Hội đạt vững mạnh. Hội viên, nông dân hiến 246.600m2 đất, đóng góp 146.846 công lao động, kiên cố hóa, sửa chữa 154,6km kênh mương, làm mới, sửa chữa trên 300km đường giao thông nông thôn... Điều này minh chứng rõ nét Chỉ thị 05 đã thực sự tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh.

Hoàng Trọng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...