Thứ tư, 24/04/2024, 14:16 [GMT+7]

Giải pháp sáng tạo, mang lại hiệu quả kinh tế cao

Thứ sáu, 25/09/2020 - 10:59'
(BLC) - Hưởng ứng phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và LĐLĐ tỉnh phát động, nhiều công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh đã có những giải pháp sáng tạo, áp dụng vào thực tế, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Giải pháp “Sử dụng thảo dược trong phòng và chữa bệnh cho gà” của anh Giang Văn Quý, đoàn viên Công đoàn cơ sở Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Than Uyên là một điển hình. Giải pháp này vừa vinh dự được Tổng LĐLĐ Việt Nam quyết định tặng Bằng Lao động sáng tạo.

Từ tâm huyết với nghề...

Sinh ra và lớn lên tại bản Cang Mường (nay là xóm Mới), xã Mường Cang, huyện Than Uyên trong một gia đình nông nghiệp, cậu bé Quý sớm được làm quen với việc chăn nuôi gia súc, gia cầm. Từ năm 1991 - 1994, anh Quý theo học Trường Trung cấp Nông nghiệp Yên Bái, chuyên ngành thú y. Ra trường, anh về công tác tại Trạm Thú y huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai). Gần 2 năm sau, anh chuyển công tác về Trạm Thú y huyện Than Uyên (năm 2018 Trạm sáp nhập với các cơ quan trong lĩnh vực nông nghiệp đổi tên thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Than Uyên).

Quen việc chăn nuôi từ nhỏ, lớn lên được làm công việc yêu thích, đó như cái duyên để anh Quý thêm tận tâm, gắn bó hết lòng với nghề. Trong quá trình làm việc, anh đã giúp nhiều hộ gia đình tiếp cận với kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, điều làm luôn anh trăn trở là làm sao giúp bà con khắc phục tình trạng dịch bệnh, giảm chi phí trong chăn nuôi gà.

Anh Quý chia sẻ: “Với người nông dân, nuôi gà là công việc quen thuộc hàng ngày, nhưng nuôi sao cho ít dịch bệnh, phát triển tốt không phải ai cũng làm được. Thực tế ở huyện Than Uyên, hầu hết các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, tỷ lệ gà mắc các bệnh chướng diều, khô chân, đầy hơi, rối loạn tiêu hóa… chiếm đến 75 - 80% tổng đàn. Tỷ lệ gà chết trong suốt quá trình nuôi trên 20%; chi phí mua thuốc chữa bệnh cho gà cao. Ấy là chưa kể đến thuốc kháng sinh được dùng trong phòng và chữa bệnh suốt quá trình nuôi dẫn đến tình trạng tồn dư thuốc kháng sinh trong sản phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng; lợi nhuận khi xuất bán chỉ đạt 12.000 - 16.000 đồng/kg”.

... Đến giải pháp sáng tạo

Tình cờ trong quá trình học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam (2012 -2018), anh Quý được các thầy giáo hướng dẫn cách phòng bệnh cho gia súc, gia cầm. Nắm bắt kịp thời kiến thức và đi sâu nghiên cứu, tìm tòi, cuối năm 2018, anh bắt đầu xây dựng kế hoạch triển khai ý tưởng “Sử dụng thảo dược trong phòng và chữa bệnh cho gà” với mong muốn thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển theo hướng an toàn, bền vững.

Anh Quý hướng dẫn người dân xã Mường Cang (huyện Than Uyên) sử dụng thảo dược trong phòng và chữa bệnh cho gà.

Anh Quý (bên phải) hướng dẫn người dân xã Mường Cang (huyện Than Uyên) sử dụng thảo dược trong phòng và chữa bệnh cho gà.

Tháng 4/2019, anh phát triển ý tưởng thành giải pháp cụ thể. Loại thảo dược được anh lựa chọn là tỏi - gia vị quen thuộc, tính kháng khuẩn cao, có tác dụng chống oxy hóa, kích thích chức năng miễn dịch, tăng cường hoạt động tiêu hóa, hấp thu các chất dinh dưỡng, giúp quá trình trao đổi chất được điều hòa, cân bằng. Giải pháp của anh Quý được thực hiện thí điểm tại hộ gia đình anh Soi Văn Phát ở bản Lướt (xã Mường Kim). 600 con gà giống lai chọi 1 ngày tuổi được chia thành 2 lô, cùng sử dụng một loại thức ăn, nước uống như nhau, trên cùng 1 diện tích chuồng trại giống nhau nhưng nuôi bằng 2 phương pháp: nuôi thông thường và nuôi dùng tỏi.

Kết quả cho thấy, nuôi gà theo phương pháp dùng tỏi (lần đầu tiên áp dụng) có tính ưu việt. Tỷ lệ gà nuôi sống đạt 94% (tăng 14% so với nuôi gà bằng phương pháp thông thường). Gà có sức đề kháng tốt hơn, ít bệnh, tăng trưởng nhanh hơn gà nuôi theo phương pháp thông thường 300 gam/con. Chất lượng thịt ngon, giá bán cao hơn 10.000 đồng/kg, lợi nhuận thu được cao hơn 3,8 lần nuôi thông thường. Từ thành công của giải pháp, tạo điều kiện để 50 hộ dân thuộc xã Mường Kim và các xã khác trong huyện mạnh dạn áp dụng vào thực tế với 12.000 con gà. Tổng giá trị làm lợi của giải pháp lên đến trên 740 triệu đồng.

Anh Soi Văn Phát chia sẻ: “Gia đình tôi nuôi gà thương phẩm với quy mô lớn từ 6 năm nay. Trước đây, gà hay bị dịch bệnh, hiệu quả kinh tế phần nào ảnh hưởng. Từ khi áp dụng giải pháp cho gà uống nước tỏi 3 lần/tuần theo hướng dẫn của anh Quý, đàn gà ít bị hen, không bị tiêu chảy, phát triển tốt. Gia đình tôi đã xuất được 3 lứa gà, trừ chi phí thu lãi 70 triệu đồng”.

Mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét, giải pháp “Sử dụng thảo dược trong phòng và chữa bệnh cho gà” của anh Quý còn được đánh giá cao bởi hiệu quả về mặt xã hội, môi trường khi tạo ra sản phẩm an toàn đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Giải pháp giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, ngay cả hộ khó khăn, ít vốn vẫn có khả năng mở rộng quy mô chăn nuôi (do giảm chi phí chăn nuôi). Gà ăn tỏi giảm được mùi hôi trong chất thải, yếu tố quan trọng phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững. Ghi nhận sự nỗ lực của anh Quý, trong thời gian qua, anh đã được các cấp, các ngành biểu dương khen thưởng, nhất là vinh dự được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo.

Tạo việc làm cho nông dân

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, không dừng lại ở giải pháp “Sử dụng thảo dược trong phòng và chữa bệnh cho gà”, bằng sự năng động, sáng tạo của mình, anh Quý tự nguyện ủng hộ ngày công, kỹ thuật cùng Hội Nông dân huyện Than Uyên thực hiện mô hình “Phát triển chăn nuôi trâu, bò theo hướng nâng cao giá trị, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường” tại 2 xã: Mường Cang, Phúc Than. Sau hơn 5 tháng triển khai (từ ngày 1/4/2020), mô hình thu hút 15 hộ tham gia, có 74 con bò xuất chuồng đợt 1. Mức tăng trưởng đạt 25kg/con/tháng. Trừ chi phí mỗi hộ trung bình lãi 3,2 triệu đồng/con/tháng. Hiện nay, các hộ đang bước vào nuôi đợt 2 với 87 con bò.

Vẫn biết còn nhiều việc anh Quý phải làm để đưa các giải pháp ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn. Song có một điều chắc chắn, những việc làm thiết thực của anh đang nhân lên điều tốt đẹp. Qua đó, góp phần khẳng định năng lực bản thân, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Kết thúc bài viết này, chúng tôi xin mượn lời chia sẻ hết sức ý nghĩa của anh Quý: “Sáng tạo không phải điều gì đó quá lớn lao, xa vời, khó có thể chạm tới mà điều này bắt nguồn ngay từ chính cuộc sống hàng ngày. Bản thân tôi, mọi giải pháp sáng tạo đều xuất phát từ thực tiễn quá trình công tác, từ những trăn trở trong cuộc sống. Tôi mong, mỗi công chức, viên chức, người lao động trong tỉnh mạnh dạn đưa ra giải pháp sáng tạo, thúc đẩy phong trào “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo” đi vào chiều sâu, hiệu quả”.

Thanh Hoa - Hồng Thủy

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...