Thứ tư, 24/04/2024, 21:32 [GMT+7]

Lai Châu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp

Thứ năm, 18/04/2019 - 19:31'
(BLC) - Những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp với UBND các huyện, thành phố tăng cường khuyến khích, vận động nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất nông nghiệp. Đây là giải pháp tối ưu góp phần bảo đảm ninh lương thực gắn với công tác xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Ông Hà Văn Um - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hỗ trợ giúp nông hộ nắm rõ, tiếp cận và ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp. Trong đó có chuyển giao máy làm đất, máy gặt, đập lúa liên hoàn, giàn sạ gieo theo hàng; hướng dẫn nông dân kỹ thuật gieo cấy từ 1 - 2 giống lúa thuần chất lượng/cánh đồng. Đến nay, tỉnh ta bước đầu hình thành vùng sản xuất lúa hàng hoá tập trung; chuyển đổi diện tích ngô kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao; nuôi nhốt gia súc với quy mô lớn theo hướng hàng hóa”.

Lai Châu có địa hình sản xuất nông nghiệp không thuận lợi, xa trung tâm kinh tế lớn của cả nước và khu vực. Mức đầu tư vào nông nghiệp cao, hàng hóa tập trung chưa nhiều. Một số cây trồng, vật nuôi chất lượng đặc trưng của địa phương như: gạo séng cù, chè, cây ăn quả ôn đới, cá nước lạnh còn sản xuất nhỏ lẻ do người dân chưa ứng dụng rộng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Do đó, UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách khuyến khích nông dân ứng dụng tiến bộ KHKT vào nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Ngành Nông nghiệp tỉnh chọn lọc tiến bộ KHKT phù hợp với địa phương để ứng dụng, chuyển giao tới nông dân nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, triển khai Đề án tái cơ cấu nông nghiệp và các chính sách hỗ trợ sản xuất.

Các địa phương trong tỉnh chuyển giao thử nghiệm hàng trăm mô hình, dự án chăn nuôi, trồng trọt giống cây trồng, vật nuôi mới cho năng suất, chất lượng cao. Được “cầm tay, chỉ việc” hướng dẫn kỹ thuật mới, người dân chủ động thâm canh, tăng vụ cây trồng (chè, mắc ca, bưởi da xanh), đầu tư chăn nuôi phù hợp với điều kiện địa phương (trâu thịt và lợn hướng nạc).

Tất cả các mô hình, dự án tỉnh triển khai thí điểm cơ bản đạt kế hoạch, mùa vụ, quy mô, đảm bảo chuyển giao KHKT tới nông dân. Nhiều mô hình đem lại hiệu quả thiết thực, phù hợp với nguyện vọng của bà con, góp phần tăng thu nhập, đảm bảo an ninh lương thực địa phương. Đến nay, tỉnh hình thành vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung hướng tới nền nông nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa như: vùng trồng cây ăn quả (đào, mận, lê, hồng, cam, quýt) ở huyện Tam Đường; chuối ở các huyện: Phong Thổ và Sìn Hồ; chè, cao su, mắc ca, quế ở các huyện: Tân Uyên, Than Uyên, Sìn Hồ; chăn nuôi gia súc tại thành phố Lai Châu, huyện Tam Đường và Tân Uyên.

1

Nông dân ở bản Rừng Ổi (xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường) đưa cơ giới vào làm đất sản xuất lúa mùa.

Hàng năm, các chỉ tiêu chủ yếu về trồng cây lương thực, trồng chè tỉnh ta đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi rõ nét; các hoạt động thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp được triển khai tích cực. Đã có Tập đoàn TH khảo sát, lập 3 dự án đầu tư trồng chè, trồng dược liệu và chăn nuôi bò sữa. Công ty Cổ phần Him Lam và 12 doanh nghiệp trong tỉnh đăng ký đầu tư, mở rộng phát triển trồng cây mắc ca. Đến nay, 100% xã trong tỉnh đạt tiêu chí lao động có việc làm; thu nhập bình quân đầu người 26,8 triệu đồng/năm. Hết năm 2018, Lai Châu giảm còn 26,07% hộ nghèo.

Giúp nông dân ứng dụng tiến bộ KHKT sản xuất nông nghiệp hàng hóa, huyện Tam Đường hỗ trợ đưa cơ giới vào các khâu làm đất, thu hoạch. Từ nguồn ngân sách địa phương, năm 2018, huyện cấp phát máy cày mini làm đất cho 200 hộ nghèo; triển khai nhiều mô hình thí điểm trồng giống ngô lai, lúa thuần chất lượng cao. Hiện, huyện Tam Đường gieo cấy 100% diện tích lúa lai, lúa thuần (tăng 60% so với năm 2010), năng suất lúa đạt hơn 52 tạ/ha. Đầu năm 2019, diện tích gieo, trồng cây lương thực của huyện tăng 61ha so với cùng kỳ năm trước.

Chị Tẩn Thị Đẩu ở bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu) cho biết: “Nhờ cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện chuyển giao tiến bộ KHKT, tôi tiếp cận giống mới, bón phân hóa học, làm cỏ, phun thuốc trừ sâu cho cây trồng (ngô, lúa, đào chín sớm). Vụ mùa năm 2018, tôi thu hoạch 53 tạ thóc/ha thay vì 32 tạ như trước đây. Tôi còn đầu tư mô hình chăn nuôi lợn thịt hướng nạc, gà thả vườn, vỗ béo trâu thịt theo quy trình kỹ thuật và phương thức chăn nuôi bán công nghiệp. Nhờ đó, thu nhập tăng hàng năm”.

Huyện Tân Uyên tổ chức chuyển giao KHKT cho hàng nghìn lượt hội viên, nông dân thông qua xây dựng, thực hiện mô hình trồng giống ngô lai, lúa thuần, chè chất lượng cao; chú trọng tăng vụ trên cùng đơn vị diện tích và điều chỉnh lịch gieo trồng đúng khung thời vụ. Áp dụng kỹ thuật che phủ nilon chống rét cho mạ và quản lý dư lượng thuốc trừ sâu trên sản phẩm chè búp. Đối với chăn nuôi, đầu tư thức ăn, thuốc thú y, đảm bảo an toàn sinh học và vệ sinh môi trường. Đảm bảo an ninh lương thực góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân của huyện 6%/năm. 

Nhờ sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn, các địa phương trong tỉnh; nông dân thay đổi phương thức sản xuất, chủ động "đón nhận" và áp dụng hiệu quả các tiến bộ KHKT được chuyển giao đã góp phần đẩy nhanh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển.

Thu Minh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...